Ông Stanley Lim, Chủ tịch FIATA “Việt Nam cần có những nhà logistics chuyên nghiệp”
Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 08:00, 01/01/1970
Nhân chuyến công tác đến VN của Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA), ông Stanley Lim, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với ông về ngành logistics, một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
- Chào mừng ông đến với VN, ông có thể chia sẻ với chúng tôi về tầm quan trọng của logistics đối với một quốc gia?
Như chúng ta đã biết, khi nói đến logistics - tức chúng ta đang nói về sự vận chuyển luồng hàng hóa bao gồm cả công nghệ thông tin, tài chính và hàng loạt các dịch vụ có liên quan. Logistics và giao thương gắn bó mật thiết với nhau. Giao thương không thể được thực hiện nếu không có vận chuyển. Logistics gắn liền với xuất nhập khẩu. Nếu không có logistics thì sẽ không có sự vận chuyển, mà không có sự vận chuyển thì sẽ không có xuất nhập khẩu. Có thể nói, logistic đóng góp một phần quan trọng đến GDP của một quốc gia. Sự chuyên nghiệp hóa ngành logistics ở bất cứ quốc gia nào cũng là điều cần thiết vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia đó.
- Xin cho biết đánh giá của ông về sự phát triển của ngành logistic ở VN ?
Việt Nam là một đất nước lớn. Để bay từ Bắc vào Nam, bạn cần hơn 2 giờ đồng hồ. Chỉ riêng sự di chuyển hàng hóa trong nội địa của VN thôi cũng đã rất quan trọng chứ đừng nói đến quốc tế. VN là một nước chế tạo nhiều sản phẩm và xuất khẩu đi các nước. Logistics vì vậy rất cần thiết cho đất nước các bạn. VN cần có những nhà dịch vụ logistics chuyên nghiệp. Đã đến lúc VN cần đẩy mạnh đào tạo đội ngũ chuyên nghiệp trong lĩnh vực này để theo kịp nhu cầu phát triển thương mại quốc tế của mình.
- Theo ông, làm sao để tiết kiệm chi phí logistic một cách hiệu quả?
Chi phí là một nhân tố quan trọng trong logistics bởi nó góp phần quyết định giá thành của hàng hóa. Chúng ta cần vận chuyển hàng hóa đúng giờ, không quá trễ và cũng không quá sớm. Nếu tổ chức logistics tốt thì chúng ta có thể giảm được việc phải để hàng hóa vào kho chứa quá lâu. Việc này khá tốn kém. Khi tăng lượng luân chuyển hàng hoá, giảm các ứ đọng không cần thiết thì sẽ tiết kiệm được chi phí cho hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu.
- Ông vui lòng cho biết những khả năng hợp tác giữa FIATA với Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam trong việc phát triển nguồn nhân lực logistics?
FIATA là nhà tư vấn đào tạo logistics và chúng tôi có kinh nghiệm về đào tạo huấn luyện ở những nước đang phát triển. VN đã có Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics chuyên tổ chức đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu cho ngành logistics. Điều đó cho thấy rằng VN đang đi đúng đường và có chiến lược phát triển logistics một cách rất khoa học. FIATA là một tổ chức quốc tế đặt ra những tiêu chuẩn tối thiểu, những kỹ năng cần thiết cho ngành công nghiệp này. Khi tham gia các chương trình học của FIATA, người học làm quen với cách xử lý những vấn đề phát sinh mà không mắc lỗi, tiết kiệm được thời gian và điều đó đồng nghĩa với việc giảm thiểu được chi phí hoạt động.
Không những thế, sự hợp tác với FIATA sẽ giúp Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics khai thác nguồn tri thức mà chúng tôi chuyển giao phục vụ cho ngành logistics của VN.
- Theo ông, các cơ quan quản lý nhà nước có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước như thế nào để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa trên thị trường quốc tế?
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của các bạn đóng góp gần 60% GDP của cả nước. Nhà nước nên có chính sách tài trợ vốn cho các dự án, tạo điều kiện cho nhóm DN này tiếp cận các nguồn tri thức của quốc tế về quản lý và vận hành.
Dĩ nhiên, để học hỏi được kinh nghiệm, người tham gia phải có kiến thức nền tảng nhất định về chuyên ngành của mình. Và sau khi đi tu nghiệp về, bằng nền tảng kiến thức đó, họ ứng dụng vào thực tiễn cho DN của mình rồi cứ thế mà phát triển.
- Đâu là những khó khăn trong việc phát triển ngành dịch vụ logistics ở các nước mới phát triển, thưa ông?
Theo tôi thì khó khăn đầu tiên đó là vấn đề về vốn. Khi bạn có vốn đủ mạnh thì các công ty mới có thể cung cấp dịch vụ trọn gói dịch vụ logistics. Thứ hai, rất nhiều công ty logistics chưa ý thức được tầm quan trọng của việc mua bảo hiểm cho DN. Khi DN đăng ký mua bảo hiểm, họ phân tán bớt rủi ro và do vậy, khi có bất trắc xảy ra, họ có thể bảo toàn hoạt động của mình nhờ các quyền lợi bảo vệ từ bảo hiểm.
- Nhưng khó khăn hiện giờ là làm sao thuyết phục các công ty nên đăng ký mua bảo hiểm? Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics có thể hỗ trợ được gì cho các DN?
Tôi nghĩ các DN phải mua bảo hiểm để bảo vệ chính những hoạt động kinh doanh của mình. Không DN nào có thể lường trước được tất cả các trục trặc hay tai nạn có thể xảy ra trong quá trình thực hiện dịch vụ logistics.
Hiệp hội nên tìm hướng giúp đỡ hội viên bằng cách thương lượng các gói bảo hiểm ưu đãi khi mua với khối lượng lớn. Chẳng hạn, Hiệp hội chọn một đơn vị bán bảo hiểm uy tín rồi làm cầu nối để giới thiệu, khuyến khích hội viên mua.
Với số lượng người mua bảo hiểm lớn, Hiệp hội có lợi thế nhất định trong việc thương lượng giá bảo hiểm thật ưu đãi cho các thành viên. Sau này, Hiệp hội nên ra điều kiện sao cho các DN khi tham gia vào Hiệp hội phải mua bảo hiểm để bảo toàn hoạt động của mình và xem đó như là một chứng nhận chất lượng của các DN thành viên. Một khi tập hợp được một lượng lớn DN tham gia Hiệp hội như hiện nay, tiếng nói của Hiệp hội sẽ càng có giá trị. Hiệp hội có thể tổ chức Hội thảo nói về vấn đề bảo hiểm DN. Đây cũng là chủ đề nóng và rất đáng được các DN quan tâm. Ngoài ra, chúng ta còn một loại bảo hiểm nữa, đó là bảo hiểm cho khách hàng gửi hàng.
- Chân thành cảm ơn ông!