Sức hút nguồn nhân lực logistics

Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 10:20, 24/05/2014

(VLR) Hiện nay có thể nói ngành logistics của nước ta đang là chủ đề nóng trong toàn cảnh kinh tế. Và nguồn nhân lực cho logistics đang là nhu thật tế của toàn ngành.

Hiện nay có thể nói ngành logistics của nước ta đang là chủ đề nóng trong toàn cảnh kinh tế. Và nguồn nhân lực cho logistics đang là nhu thật tế của toàn ngành.

Theo số liệu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cả nước có hơn 300.000 DN hoạt động trong lĩnh vực logistics với số lượng lao động lên đến khoảng 1,5 triệu. Tuy vậy, nguồn nhân lực trên chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của ngành. Với tốc độ tăng trưởng trung bình 30% mỗi năm, nguồn nhân lực đang là đối tượng được các DN trong ngành “săn lùng” hàng đầu hiện nay.

YẾU VÀ THIẾU

Thống kê của các tổ chức trong ngành thì nguồn nhân lực hiện nay có tới 80,26% được đào tạo chủ yếu từ kinh nghiệm làm việc, số còn lại thì được đào tạo từ các khoá ngắn hạn trong nước, hoặc được các công ty lớn thuê chuyên gia nước ngoài đào tạo. Có thể thấy sự thiếu hụt rõ nét ở chỗ nguồn nhân lực được “xoay vòng” từ DN này sang DN khác và nếu có sự đãi ngộ tốt hơn họ lại quay về… vì vậy hiện nay các DN sẵn sàng đưa ra các chính sách tốt nhằm giữ chân nhân viên của mình khi họ đã có kinh nghiệm. Theo ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội VLA: “Thật sự nguồn nhân lực cho logistics hiện nay của nước ta còn thiếu và yếu do chưa có chương trình đào tạo tại các trường đại học. Và nhân sự logistics hầu hết được đào tạo qua công việc thực tiễn hàng ngày, vì vậy việc yếu trong chuyên môn là khó tránh khỏi…”.

Một thực tế khác là lớp cán bộ giàu kinh nghiệm hiện nay đang dần đến tuổi về hưu, lớp kế thừa lại không bắt kịp tiến độ phát triển của ngành, trong bối cảnh sự phát triển của thế giới đang dịch chuyển dần về phía Đông, cùng với sự sôi động đó nước ta cũng chuyển mình mạnh mẽ để theo kịp tiến độ. Trong khi đó, để theo kịp các nước trong khu vực, ngoài việc đầu tư mạnh mẽ, thì nguồn nhân lực để điều hành “cỗ máy” khổng lồ logistcis là việc vô cùng cấp thiết. Tuy nhiên, việc đào tạo đang gặp không ít khó khăn bởi nghiệp vụ cho logistics chưa có trường đại học nào đưa vào đào tạo, nếu có thì cũng xa rời thực tế. Các bài giảng chỉ tập trung giới thiệu về giao nhận hoặc các thao tác cơ bản, thiếu tính chuyên sâu và nghiệp vụ thực tế. Như vậy, có thể khẳng định rằng các chuyên gia được đào tạo chuyên nghiệp về lĩnh vực này quá ít so với nhu cầu phát triển dịch vụ. Một phần của việc khó trong đào tạo là tính chuyên nghiệp trong quản trị logistics đòi hỏi nghiệp vụ khá cao nên các trường đại học bị lúng túng trong việc xây dựng chương trình giảng dạy.

SỨC HÚT CỦA NGUỒN NHÂN LỰC LOGISTICS

Nếu như những năm đầu thập niên 90, số DN kinh doanh dịch vụ giao nhận, logistics chỉ đếm được trên đầu ngón tay thì đến nay, như đã nói ở trên, số DN kinh doanh loại hình dịch vụ béo bở này đã lên tới hàng ngàn DN. Thời kỳ cao điểm, thống kê cho biết gần như tuần nào cũng có công ty giao nhận, logistics được cấp phép hoạt động, hoặc bổ sung chức năng logistics. Chính sự phát triển đến mức ồ ạt này dẫn đến tình trạng thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường logistics. Bên cạnh việc thiếu hụt về số lượng thì chất lượng của nguồn nhân lực cũng là vấn đề đang được quan tâm.

Với nguồn nhân lực chắp vá, vừa thiếu lại vừa yếu, chúng ta sẽ không có nổi một cơ hội để cạnh tranh bình đẳng với các đối thủ đến từ những hãng vận tải lớn và danh tiếng của nước ngoài hiện chỉ chiếm một con số nhỏ nhưng thị phần của họ nắm giữ lại là con số khổng lồ. Có thể khẳng định tính cấp thiết của việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực cung cấp cho dịch vụ logistics. Một nguồn nhân lực được đào tạo bài bản sẽ là chìa khóa thành công cho các doanh nghiệp kinh doanh logistics của chúng ta vốn còn đang rất nhỏ lẻ và thiếu kinh nghiệm trên “chiến trường” không cân sức này.

Trước thực trạng khan hiếm nhân lực có trình độ cao phục vụ cho công việc hàng ngày, một số trường đại học đã đưa môn logistics vào ngành học chính quy như Đại học Quốc tế TP.HCM, Đại học RMIT, Đại học Giao thông vận tải… và đã được các sinh viên đặc biệt quan tâm. Sự “săn lùng” lao động cho ngành logistics được đưa lên cao trào khi các doanh nghiệp đã đến trực tiếp các trường đại học tổ chức các diễn đàn, hướng nghiệp và tuyển dụng tại chỗ cho công ty của mình. Không dừng lại ở đó, các doanh nghiệp sẵn sàng đưa ra các chính sách ưu ái cho các sinh viên đến thực tập hoặc làm việc. Có thể nói nhân lực cho logistics đang dần trở nên “nóng” do tính khan hiếm và “độ khó” của công việc.

Ông Nguyễn Công Bằng – Phó vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT cho rằng: “Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của chúng ta là phải cập nhật những kiến thức luật pháp trong nước và quốc tế về vận tải đa phương thức, các hoạt động chính của logistics và kỹ năng vận hành dịch vụ logistics cho nguồn nhân lực hiện có, song song với việc đào tạo nghiệp vụ chuyên môn là đào tạo nâng cao trình độ tiếng Anh, đảm bảo được việc giao dịch, thủ tục và lập chứng từ nghiệp vụ…”.