Để thị trường nội địa "thích ứng" với COVID-19
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 16:05, 04/03/2020
Từ khi virut corona “xâm nhập” vào Việt Nam, nhiều chuyên gia nhận định dường như chủng virus mới này có thể sẽ tiến triển theo thời gian tương tự như SARS và sẽ “thoái trào” vào những tháng hè khi thời tiết ấm áp hơn, sau đó mọi việc sẽ quay lại nhịp sống bình thường.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố “Chính phủ chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người dân”, thể hiện quyết tâm rất cao chống lại dịch bệnh. Tuy nhiên, cũng nhờ COVID-19 mà những khiếm khuyết lâu nay của nền kinh tế bộc lô.
Đơn cử như sự phụ thuộc vào Trung Quốc ở cả hai chiều xuất – nhập đã khiến hoạt động sản xuất đứng trước nguy cơ đình đốn. Việc Trung Quốc đóng cửa khẩu để chống dịch khiến cho nhiều mặt hàng của chúng ta rớt gia, thiếu nguyên liệu sản xuất… Nó chẳng khác gì cái kiểu ‘khi doanh nghiệp Trung Quốc “hắt hơi”, doanh nghiệp Việt Nam khó tránh “sổ mũi”’.
Song song, những khuyếm khuyết của nền kinh tế còn được thể hiện quá các điểm nghẽ về chơ chế, chính sách. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phát hiện điểm nghẽn cơ chế chính sách với 20 điểm chồng chéo ở các luật liên quan đến thủ tục đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, nhà ở…
Các điểm nghẽn về cơ chế và chính sách cũng là rào cản quá lớn khi triển khai các dự án hay thực hiện công việc thường dẫn tới thời gian đầu tư kéo dài nhiều năm, chậm trễ hoàn thành mục tiêu làm vuột mất cơ hội thị trường, thậm chí có khi đẩy doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản. Nếu các điểm nghẽn này được tháo gỡ, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trôi chảy, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho xã hội.
Chẳng có doanh nghiệp nào, quốc gia nào có thể tự mình làm từ A đến Z vì chúng ta đang sống trong một thế giới hội nhập và phụ thuộc lẫn nhau và chuỗi giá trị toàn cầu là mô thức phổ biến của các ngành công nghiệp. Chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam là một mắt khâu đang trở nên mong manh và dễ bị tổn thương.
Theo đó, thị trường 100 triệu dân của Việt Nam là rất lớn, việc bỏ qua thị trường nội địa chỉ tập trung xuất khẩu không khác gì việc sinh ra đứa con đầu chưa nuôi được tốt nhưng đã sinh ra đứa thứ hai.
Bên cạnh đó, quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do xuyên Thái bình dương, xuyên Đại Tây dương như CPTPP và EVFTA... đang khơi dậy những động lực và mở ra những không gian mới cho việc đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy tăng tỉ lệ nội địa hóa và nguồn cung ứng từ các thị trường tiềm năng ngoài Trung Quốc và Đông Bắc Á.
Để có thể xuất khẩu tốt, sản phẩm phải được chuẩn hoá chất lượng quốc tế, còn nếu sản phẩm làm theo kiểu cho có, xuất một đến hai lô sẽ kết thúc. Mỗi ngành hàng, các doanh nghiệp phải đầu tư máy móc - kỹ thuật, công nghệ nhà máy hiện đại ngang hàng khu vực. Chính COVID-19 là dịp để chúng ta nhìn nhận lại năng lực sản xuất, chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nói rằng: “Phải rất coi trọng thị trường trong nước, đồng thời đa dạng hóa thị trường quốc tế, định hình lại các chuỗi giá trị thông qua tái cấu trúc nền kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào bất kỳ thị trường nào. Chúng ta ngày càng ngộ ra rằng muốn vươn ra thị trường thế giới thì phải đứng vững trên thị trường nội địa”.
Nói cách khác, COVID-19 có thể là dịp để các cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam”. Rồi, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết, tận dụng tối đa các thị trường mới mở ra từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng các kênh cung ứng và đa dạng hoá thị trường.
Có thể nói, nước ta đã và đang hội nhập sâu vào sân chơi toàn cầu hóa, chưa khi nào khát vọng làm giàu trong nhân dân lên cao như giai đoạn hiện nay, cái cần lớn nhất chính là tạo động lực cho từng cá nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp, sẵn sàng bỏ vốn và trí tuệ ra làm giàu.
Và trong cơn đại dịch này, hơn bất cứ lúc nào, phát huy nội lực của mỗi doanh nghiệp, tận dụng tốt thị trường nội địa là yêu cầu bức thiết đòi hỏi chúng ta phải thích ứng nhanh chóng. Đồng thời, cởi bỏ những nút thắt không cần thiết về cơ chế để tạo đà cho doanh nghiệp phát triển và hội nhập cũng là chuyện cơ quan chức năng cần phải tiến hành ngay lúc này.