Yếu tố tác động đến hoạt động phối hợp chuỗi cung ứng kỳ 1
Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 15:05, 20/10/2014
(Vietnam Logistics Review) Toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại quốc tế đang đặt ra cho các DN những thách thức về kiểm soát và tích hợp dòng chảy hàng hóa, thông tin, tài chính một cách hiệu quả. Đòi hỏi DN phải xây dựng một chuỗi cung ứng nhanh nhạy, tính thích nghi cao và sáng tạo để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
TÍCH HỢP DÒNG CHẢY HÀNG HÓA, THÔNG TIN, TÀI CHÍNH
Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), VN đã và đang thực hiện theo các cam kết của WTO và hội nhập ngày một sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng của các DNVN đang gặp phải những vấn đề và thách thức làm giảm hiệu quả vận hành chuỗi. Chính vì vậy, để giúp DN phát huy hết tiềm năng, biến tiềm năng thành lợi thế cạnh tranh, dễ dàng vượt qua đối thủ, cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các hoạt động bên trong cũng như bên ngoài DN.
Quan hệ phối hợp và các yếu tố cấu thành quan hệ phối hợp chuỗi cung ứng
Có ba mắt xích quan trọng trong hoạt động phối hợp, đó là: Đồng bộ hóa hoạt động logistics; Chia sẻ thông tin và Cơ chế ưu đãi. Mối quan hệ phối hợp này đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nó tạo điều kiện cho các đơn vị trong cùng một DN hay giữa các DN trong cùng một chuỗi dễ dàng trao đổi, gắn kết với nhau.
Do vậy, cần phải hiểu rõ về các yếu tố đó có tác động như thế nào đến hiệu quả của chuỗi cung ứng. Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả chuỗi cung ứng gồm tất cả giải pháp và biện pháp can thiệp nhằm cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng, đó là: các yếu tố căn bản của đồng bộ hóa hoạt động logistics góp phần làm giảm sự bất ổn, mức chênh lệch, chi phí hàng tồn kho và đáp ứng mong muốn, nhu cầu của khách hàng tốt hơn, từ đó, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng; Sự phối hợp, chia sẻ thông tin nhằm gắn kết thông tin giữa các bên có liên quan, giúp cho việc hợp tác tuân theo các quy tắc chia sẻ thông tin quốc tế, đồng thời, các bên có thể tháo gỡ các vấn đề một cách dễ dàng nhất; Cơ chế ưu đãi giúp tạo điều kiện cho việc phân chia lợi ích và phân phối rủi ro nhằm thúc đẩy phát triển các nhân tố độc lập, mang lại giá trị chung cho toàn bộ chuỗi cung ứng.
Đồng bộ hóa hoạt động logistics
Đồng bộ hóa logistics có nghĩa là đề xuất, thực hiện các sáng kiến nhằm tạo ra hoặc cải thiện giá trị thu mua, tiêu thụ và phân phối sản phẩm dịch vụ trên thị trường. Sự phối hợp này nhằm tạo ra nhiều sản phẩm trên thị trường để đáp ứng và hiểu được nhu cầu, mong muốn của khách hàng; thực hiện tốt việc quản lý hàng tồn kho, cơ sở vật chất, vận tải giữa các bên sẽ góp phần hạ thấp chi phí hàng tồn kho, đa dạng sản phẩm, loại bỏ hàng hóa đã lỗi thời, giảm thiểu các trường hợp không mong muốn như sai sót hay những trì hoãn ảnh hưởng đến hiệu quả của chuỗi cung ứng.
Các hoạt động cơ bản trong sự phối hợp giữa các bên nhằm tạo ra và cung cấp các giá trị thực sự cho khách hàng là thách thức lớn đối với các DN. Gogindarajan và Gupta (2001), đã đưa ra ba lĩnh vực có quan hệ mật thiết với nhau nhằm đảm bảo sự đồng bộ hóa hoạt động
logistics, đó là: xác định khách hàng; nhận ra giá trị của khách hàng và xây dựng qui trình tạo ra giá trị cho khách hàng. Nếu DN xác định được đối tượng khách hàng cần hướng tới, mang lại giá trị cho khách hàng và thiết kế mô hình kiến trúc chuỗi giá trị khách hàng toàn diện thì đồng nghĩa với việc DN này đã tạo ra một lợi thế cạnh tranh theo cách nhìn nhận của khách hàng.
Đồng bộ hóa hoạt động logistics là bài toán khó đối với các DN VN trong giai đoạn hiện nay.
Chia sẻ thông tin
Phối hợp, chia sẻ thông tin nhằm tạo ra những luồng thông tin chính xác, kịp thời và cần thiết để đưa ra quyết định. Các bên thường có những thông tin khác nhau, nhưng những thông tin này lại không được chia sẻ, vì vậy, thông tin phải đầy đủ và toàn diện là cần thiết trong chuỗi cung ứng. Ví dụ như, các đại lý bán lẻ hiểu rõ nhu cầu của khách hàng hơn là nhà sản xuất. Ngược lại, nhà sản xuất hiểu rõ sản phẩm hơn các đại lý. Vì thế, việc trao đổi giữa nhà sản xuất và đại lý được thực hiện thông qua đơn hàng theo từng thời kỳ sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ thiếu hụt hay chênh lệch thông tin, và hoàn thiện sản phẩm một cách tốt nhất, mang lại sự hài lòng cho khách hàng.
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, DN có thể ứng dụng các dịch vụ CNTT như Internet,
Intranet, các gói phần mềm ứng dụng hay hệ thống hỗ trợ quá trình đưa ra quyết định... để việc chia sẻ thông tin giữa khách hàng và các bên liên quan trở nên dễ dàng hơn, chuỗi cung ứng vì thế sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Tuy nhiên, vấn đề tiếp cận thông tin và chia sẻ thông tin giữa các bộ phận trong chuỗi cung ứng ở VN chưa thực sự nhanh nhạy, dẫn đến tình trạng phối hợp vẫn còn lỏng lẻo trong chuỗi. Theo kết quả điều tra nghiên cứu trên Tạp chí Nghiên cứu Thương mại (2012, 5, tr.35-38) cho thấy một con số đáng buồn về sự chia sẻ thông tin giữa các nhà bán lẻ VN: 78,1% được hỏi trả lời rằng họ không muốn chia sẻ thông tin chính thức và cả không chính thức, đặc biệt là thông tin nhạy cảm như dữ liệu tài chính hay tình hình biến động thị trường với nhau và với nhà cung cấp. Do đó, dòng chảy thông tin bị hạn chế sẽ cản trở mối quan hệ kênh và ảnh hưởng đến hoạt động của chuỗi cung ứng. Chỉ có khoảng 15% các DN bán lẻ lớn như Big C, CoopMart, Fivimart, Trần Anh... và nhà phân phối địa phương là thường có sự trao đổi thông tin liên lạc hai chiều với nhau về những vấn đề phát sinh trên thị trường và cùng nhau đưa ra những điều chỉnh hợp lý, cần thiết, đúng thời điểm giúp giảm thiểu các cản trở trong chuỗi cung ứng của DN.
Thực trạng khép kín trong hoạt động chia sẻ thông tin ở nhiều DN bán lẻ VN sẽ gây ra nhiều khó khăn, khiến DN khó bắt nhịp với những thay đổi của thị trường, đặc biệt là sự thay đổi trong hành vi mua sắm của khách hàng. Các chủ DN cho rằng nếu không chia sẻ thông tin sẽ dẫn tới việc khi có những thay đổi nhỏ về nhu cầu sản phẩm của người tiêu dùng tại đầu vào của chuỗi cung ứng và được diễn giải ngày càng sai lệch, bị thổi phồng khi thông tin đến được với các DN sâu trong chuỗi cung ứng. Các DN đảm nhận các vị trí khác nhau trong chuỗi cung ứng phải đối mặt với những tình huống riêng liên quan đến nhu cầu thị trường và đây chính là nguyên nhân phá vỡ mối quan hệ hợp tác giữa các bên của chuỗi cung ứng. Các DN ứng phó theo nhiều cách, mà trước hết, sẽ tạo ra sự thiếu hụt hàng hóa, sau đó, dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung sản phẩm của nhà cung cấp hoặc nhà bán lẻ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động DN. Bởi vậy, thông tin giao tiếp hiệu quả có vai trò quan trọng trong việc duy trì mối quan hệ dài hạn của DN bán lẻ (người mua) để đạt được hiệu suất cao trong hoạt động
kinh doanh.
(Còn tiếp...)