Diễn đàn logistics lần 2: Logistics thúc đẩy thương mại và hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu

Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 08:45, 05/01/2015

(VLR) (Vietnam LOgistics Review) Sự phát triển của ngành logistics trong bối cảnh hội nhập toàn cầu đang cho thấy sức mạnh của ngành này đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Do đó đòi hỏi sự gắn kết giữa DN đang hoạt động trong lĩnh vực logistics - xuất nhập khẩu với các cơ quan quản lý Nhà nước, để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Diễn đàn Logistics Việt Nam lần thứ 2 đang tạo ra tiếng nói thực thụ cho sự hội nhập sâu của ngành logistics vào chuỗi giá trị toàn cầu.

(Vietnam Logistics Review) Sự phát triển của ngành logistics trong bối cảnh hội nhập toàn cầu đang cho thấy sức mạnh của ngành này đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Do đó đòi hỏi sự gắn kết giữa DN đang hoạt động trong lĩnh vực logistics - xuất nhập khẩu với các cơ quan quản lý Nhà nước, để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Diễn đàn Logistics Việt Nam lần thứ 2 đang tạo ra tiếng nói thực thụ cho sự hội nhập sâu của ngành logistics vào chuỗi giá trị toàn cầu.

KHÓ KHĂN TRONG KẾT NỐI HẠ TẦNG

Năm 2014, ngành logistics VN đã có những bước phát triển mới, tăng trưởng với chất lượng tốt hơn năm 2013, và đứng thứ 48 thế giới theo nghiên cứu xếp hạng năm 2014 của Ngân hàng Thế giới về chỉ số LPI (trong năm 2012 đứng thứ 53). Các DN cung cấp dịch vụ logistics đã mở rộng quy mô DN để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, vốn điều lệ bình quân của các DN vừa và nhỏ đã tăng lên 9 tỷ đồng/DN. Tuy nhiên tỷ lệ thuê ngoài còn thấp khoảng từ 25-30%, chi phí dịch vụ logistics vẫn còn cao, mối liên kết giữa DN
logistics - DN XNK nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh chưa được như mong muốn. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa VN trên trường quốc tế.

Trong những năm qua, Chính phủ đã dành một phần lớn ngân sách và nguồn vốn ODA để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nhằm tạo điều kiện cho vận tải hàng hóa và dịch vụ
logistics phát triển. Hệ thống cảng của VN đã và đang được đầu tư xây dựng với quy mô lớn và trang thiết bị xếp dỡ hiện đại. Tuy nhiên một trong những khó khăn của khu vực cảng là cơ sở hạ tầng kết nối vùng tập trung hàng hóa còn yếu. Các địa phương hầu như còn thiếu trung tâm giao nhận hàng hóa và dịch vụ cung ứng chuyên dụng.

Theo ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, chi phí
logistics có tác động không nhỏ đến hoạt động XNK của VN vì chi phí cao sẽ làm giảm hiệu quả của nền kinh tế, giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa VN trên thị trường quốc tế. Nhưng vấn đề chính hiện nay của ngành công nghiệp cảng VN là việc vận hành hệ thống cảng còn chưa hợp lý. Trong một số thời gian cao điểm của vận chuyển hàng hóa, các hãng tàu thường đồng loạt tăng mạnh giá cước vận chuyển và các khoản phụ phí, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh. Vì vậy chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành chức năng để xử lý vấn đề này một cách triệt để, tháo gỡ các nút thắt để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của DN, cũng là giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế. Ông Vũ kiến nghị cần có chính sách vận hành hệ thống cảng một cách hợp lý, đặc biệt cần có biện pháp để kiểm soát việc thu cước tàu và phụ phí đối với các
hãng tàu.

CẦN SỰ PHỐI HỢP CHẶT CHẼ GIỮA CÁC BỘ, NGÀNH

Vấn đề cốt lõi là cần phải phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia một cách đồng bộ, hợp lý. Xã hội hóa việc đầu tư cơ sở hạ tầng, huy động tối đa mọi nguồn lực, phát triển kết cấu hạ tầng logistics dựa trên sự phân phối chặt chẽ và thực hiện đồng bộ giữa các Bộ, ngành, địa phương nhằm mục tiêu phát triển bền vững logistics, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.

Đứng trước sự hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015, và Hiệp định TPP, điều này giúp các DN VN sẽ có nhiều cơ hội lớn, nhưng thách thức cũng không nhỏ. Để có sự cạnh tranh tốt nhất, bên cạnh các DN phải chuẩn bị kỹ lưỡng và tạo nội lực mạnh mẽ để tận dụng cơ hội, thì DN cần phải có biện pháp hợp lý để giảm chi phí logistics. Ông Bùi Thiên Thu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN nói: Các DN tăng cường phối hợp với nhau, cùng nhau hoạt động có hiệu quả vì lợi ích quốc gia. Đặc biệt, các DN cảng biển cần tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động, năng lực bốc xếp và phát triển nguồn nhân lực. Cục Hàng hải VN khẳng định sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để tạo điều kiện và hỗ trợ tốt nhất trong hoạt động kinh
doanh của các DN một cách bình đẳng mà minh bạch.

Hiệp hội Chủ hàng VN cũng cho rằng, chúng ta cần tận dụng các chương trình, cam kết của Chính phủ về việc quyết tâm đơn giản, minh bạch và trong sạch các thủ tục để tạo điều kiện cho sản xuất thương mại phát triển, cắt giảm chi phí logistics. Bộ Công Thương sẽ là vai trò đầu mối hướng dẫn điều hành hoạt động dịch vụ logistics cấp quốc gia, Bộ này sẽ giữ đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành liên quan như Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ,... đề ra các chính sách đường lối, phương thức phối hợp với các Bộ, ngành. Cần tạo điều kiện thành lập thông thoáng và dễ dàng hơn để có thêm nhiều hơn nữa các hội đoàn của các ngành nghề liên quan đến dịch vụ logistics như Hiệp hội Đại lý hải quan, Hiệp hội các nhà khai thác các trung tâm phân phối, Hiệp hội các nhà quản lý mua hàng,... Tất cả các hiệp hội này có thể liên kết với nhau chặt chẽ để vừa là đại diện của ngành nghề, vừa là cầu nối của ngành với các cơ quan quản lý và xã hội.

Bộ Công Thương cần sớm chủ trì trong việc thành lập Ủy ban Điều phối Logistics Quốc gia và xây dựng Chiến lược phát triển hoặc Chương trình hành động quốc gia về
logistics. Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) sẽ tích cực tham gia đóng góp ý kiến với Bộ Công Thương về các nội dung này. Đồng thời đề nghị Bộ này cùng với Bộ GTVT và các tổ chức quốc tế tại Diễn đàn này hỗ trợ các DN dịch vụ logistics trong việc đào tạo chuyên môn và nghiên cứu phát triển. Ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho
biết thêm.

Trong Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định, trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, các giải pháp đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ trên nhiều lĩnh vực như đẩy mạnh đổi mới thể chế, chính sách nâng cao nhân lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong quản lý đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo chính sách thông thoáng cho môi trường đầu tư. Với những giải pháp như vậy, cùng sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, hy vọng rằng hoạt động logistics VN sẽ được cải thiện trong thời gian tới