Giải pháp đầu tư phát triển cơ sở hạ tần logistics

Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 08:42, 09/03/2015

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Để phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta đang trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ như là một trong những hướng đột phá chiến lược. Trong quá trình này thì công tác đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để phát triển lĩnh vực dịch vụ logistics càng đóng vai trò quan trọng.

(Vietnam Logistics Review) Để phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta đang trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ như là một trong những hướng đột phá chiến lược. Trong quá trình này thì công tác đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để phát triển lĩnh vực dịch vụ logistics càng đóng vai trò quan trọng.

GIẢM CHI PHÍ LOGISTICS - NHIỆM VỤ QUAN TRỌNG

Cơ sở hạ tầng GTVT nói chung và cơ sở hạ tầng logistics nói riêng có vai trò ngày càng to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Điều này đã được minh chứng và thấy rõ ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đã phát triển. Ở nước ta, với sự đầu tư lâu dài và khá lớn, hệ thống cơ sở hạ tầng GTVT sau hơn 25 năm đổi mới đã có nhiều đổi thay và hoàn thiện hơn. Có thể nói, từ một hệ thống kết cấu hạ tầng yếu kém cả về số lượng và chất lượng, chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh trước đó thì đến nay kết cấu hạ tầng nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông VN đã sở hữu một số lượng lớn các hệ thống đường bộ, đường thủy và các cơ sở vật chất rất to lớn như cảng biển và sân bay. Mặc dù vậy, tuy đã có được một hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông lớn như thế nhưng cơ sở hạ tầng giao thông của VN vẫn luôn được xếp vào hàng yếu kém về trình độ kĩ thuật và công nghệ so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và so với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN.

Lĩnh vực logistics có vai trò rất quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, có thể nói hệ thống cơ sở hạ tầng logistics của nước ta đã được đầu tư khá lớn, tuy nhiên, kết quả có thể nói là còn nhiều hạn chế. Điều này đã làm cho giá và chi phí sản xuất hàng hóa nước ta nhìn chung còn cao, và do đó, sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta bị suy giảm nhiều. Tình hình này đặt ra cho ngành logistics VN một nhiệm vụ vô cùng khó khăn là làm sao để chi phí
logistics ngày càng giảm xuống để giá cả hàng hóa và dịch vụ của nước ta không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi chi phí logistics. Để làm được điều này thì một trong những giải pháp quan trọng là đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics để từ đó các quá trình logistics trở nên hiệu quả hơn và đồng bộ hơn.

GIẢI PHÁP ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CƠ SỞ HẠ TẦNG LOGISTICS

Gắn quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng với quy hoạch phát triển logistics

Nước ta đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu và rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Trong xu thế này thì các quan hệ thương mại quốc tế giữa VN với thế giới ngày càng lớn và phát triển nhanh. Từ đó thì việc phát triển các dịch vụ logistics để phục vụ cho các quá trình giao thương được đặt ra hết sức bức thiết. Theo đó thì việc quy hoạch các hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống GTVT gắn kết với quy hoạch các trung tâm logistics, các khu công nghiệp như hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, hệ thống kho tàng, bến bãi... nhằm phục vụ cho công tác vận chuyển các hàng hóa và dịch vụ một cách nhanh chóng và hiệu quả là cần thiết. Tất cả các nguồn tài nguyên cho ngành như cảng, sân bay, cảng thông quan nội địa cần được cải cách nhanh chóng và sắp xếp một cách hợp lí trong một kế hoạch liên hoàn, có khả năng tương tác và tác động tương hỗ một cách hiệu quả cao. Nhà nước cần xây dựng và phát triển hệ thống cảng biển, các bến cảng gắn với các vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp, xây dựng các trung tâm logistics gần các cửa khẩu, sân bay, cảng biển lớn để việc vận chuyển hàng hóa là thuận lợi và chi phí thấp. Trên cơ sở thực hiện những điều như thế thì việc phát triển vận tải cần đảm bảo được đầu tư hiện đại với khả năng và chất lượng ngày càng cao, chi phí thấp và tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu các tác động đến
môi trường.

Ngoài ra, việc đầu tư này cũng sẽ làm tăng sức cạnh tranh của vận tải biển để chúng ta có thể mở rộng thị trường vận tải biển trong khu vực và trên thế giới. VN là nước có những tiềm năng về kinh tế biển rất lớn với đường biển dài từ Bắc chí Nam. Ngoài ra, nước ta còn có nhiều cảng và vịnh biển, lại nằm trên đường và ngõ giao thương sôi động bậc nhất thế giới nên là điều kiện rất thuận lợi để quy hoạch và xây dựng hệ thống cảng biển và thực hiện các dịch vụ thương mại hàng hải khác. Vận tải biển là lĩnh vực vận chuyển có cước phí rẻ, chuyên chở được khối lượng lớn nên được xem là lĩnh vực được sử dụng nhiều nhất trong việc vận chuyển hàng hóa. Vì thế, VN cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển vận tải biển để có thể phát huy lợi thế so sánh của mình trong điều kiện quốc tế hết sức thuận lợi. Việc phát triển
logistics cần được thực hiện một cách phù hợp, gắn kết với quá trình phát triển hàng hải và đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa được an toàn và có hiệu quả.

Nâng cấp cơ sở hạ tầng kĩ thuật logistics

Môi trường kinh doanh đóng một vai trò rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của các DN nói chung và các DN logistics nói riêng. Mục tiêu của giải pháp này là nhằm tạo ra một môi trường kĩ thuật thuận lợi cho hoạt động logistics. Việc hoàn thiện cơ sở vật chất - kĩ thuật đáp ứng các nhu cầu logistics sẽ giúp cho hoạt động này ngày càng tăng trưởng và phát triển nhanh chóng. Đồng thời với đó là giúp kéo giảm các chi phí logistics cho các DN và qua đó làm gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Để nâng cấp cơ sở hạ tầng logistics thì một số biện pháp cần được thực hiện.

Trước hết, Nhà nước cần có định hướng và thực hiện việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ cho lĩnh vực
logistics bao gồm các hệ thống cảng, hệ thống kho bãi, sân bay, đường sá. Để thực hiện các dự án này thì cần các nhà đầu tư trong và ngoài nước đủ năng lực tài chính và khả năng kĩ thuật để có thể thực hiện đúng tiến độ và đạt chất lượng với số vốn tiết kiệm và đạt được hiệu quả cao.

Biện pháp tiếp theo cần thực hiện là đơn giản hóa và khoa học hóa cơ chế quản lý nhằm tránh tình trạng chồng chéo trách nhiệm và quyền hạn giữa các cơ quan quản lí nhà nước dẫn đến tình trạng thiếu trách nhiệm và lãng phí, từ đó làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án. Các hạng mục và công trình lớn cần được quản lý một cách có hiệu quả nhằm đạt chất lượng và hoàn thành đúng tiến độ, tránh làm ảnh hưởng đến các nguồn vốn và ngân sách của Nhà nước.

Kế tiếp, cần hạn chế tính độc quyền trong quá trình khai thác các hệ thống giao thông. Hiện nay, đối với một số hệ thống giao thông, Nhà nước vẫn còn duy trì tình trạng độc quyền nên đã làm giảm động lực phát triển là cạnh tranh. Điều này đã làm cho các hệ thống giao thông này dần dần bị lạc hậu và không hiệu quả. Do đó, Nhà nước cần mở cửa hơn nữa cho các nhà đầu tư và các DN thuộc các thành phần kinh tế ở trong và ngoài nước được tham gia khai thác và vận hành. Có như thế thì các hệ thống giao thông lạc hậu như đường sắt mới có thể thu hút thêm các nguồn lực cũng như có động lực để cạnh tranh và
phát triển.

Tăng cường phát triển hạ tầng và các trung tâm logistics

Đối với các DN logistics thì cơ sở hạ tầng là một yếu tố rất quan trọng, có ảnh hưởng đến sự hoạt động hay không hoạt động của các DN này. Cơ sở hạ tầng là cơ sở nền tảng về kĩ thuật để đưa hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng. Sự tăng trưởng kinh tế của VN trong những năm vừa qua đã tạo nên một nhu cầu rất to lớn về cơ sở hạ tầng và các dịch vụ GTVT. Trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất và hạ tầng logistics, Nhà nước cần đóng vai trò là người quản lý, tạo ra khung pháp lí và môi trường hoạt động cho các DN xây dựng hệ thống hạ tầng logistics bằng cách đề ra các chính sách thích hợp và xây dựng hệ thống pháp luật. Đối với lĩnh vực cơ sở hạ tầng logistics, cơ sở hạ tầng GTVT và hạ tầng CNTT là hai lĩnh vực cần ưu tiên tập trung phát triển. Có thể nói, trong hệ thống logistics thì hoạt động vận tải là một trong những hoạt động quan trọng nhất và chiếm tỉ trọng lớn chi phí logistics.

Nhà nước cần có chính sách để đẩy mạnh đầu tư xây cảng nước sâu, cảng vận chuyển, cảng container, cảng nội địa. Mặt khác, cũng cần thực hiện xây dựng nhà ga hàng hóa chuyên dụng với các khu quốc tế theo quy trình nghiệp vụ, thực hiện nâng cấp, hiện đại hóa và xây dựng thêm các kho tàng, bến bãi, trang bị thêm các trang thiết bị xếp dỡ hàng hóa và container ở các điểm giao nhận. Nhà nước cần lên kế hoạch và thực hiện xây dựng các trung tâm logistics tại các vùng kinh tế trọng điểm có kết nối bằng đường sắt với các cảng biển lớn để tập trung hàng XNK và thành phẩm. Để có thể sớm tạo nên các trung tâm logistics, cần thực hiện bổ sung quy hoạch, xây dựng các cảng biển quốc tế với mạng lưới các trung tâm logistics để thực hiện có hiệu quả các dịch vụ trước và sau cảng.

Đối với hạ tầng CNTT, Nhà nước cần có các chính sách để thúc đẩy và phát triển các công nghệ sử dụng cho hoạt động logistics để thực hiện nhanh chóng các thủ tục khai báo hải quan... Việc tin học hóa và khai thác các lợi điểm của CNTT sẽ giúp cho năng suất lao động được nâng cao, tiết kiệm được chi phí và nâng cao được lợi thế cạnh tranh, tạo nhiều thuận lợi cho các hoạt động thương mại và XNK.

Như vậy, phát triển hạ tầng logistics trong những năm sắp đến là một trong những bước đột phá chiến lược rất quan trọng. Đây là công việc rất có ý nghĩa để VN có thể hội nhập tốt hơn với các nền kinh tế trong khu vực khi mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành vào cuối năm 2015. Sự gia tăng lượng và chất của hệ thống cơ sở hạ tầng logistics VN sẽ tạo ra những cơ sở kĩ thuật để từ đó giúp VN có thể tận dụng được các lợi ích từ bối cảnh kinh tế - xã hội trong tương lai.