Logistics - ngành dịch vụ chủ lực của Bà Rịa – Vũng Tàu

Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 08:53, 12/01/2015

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Tỉnh BR-VT đang là một cực trong cơ cấu đa trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đặc biệt là Nhóm cảng biển số 5. Với vị trí và tầm quan trọng trong chiến lược trọng tâm Phát triển dịch vụ cảng biển - logistics, phát triển kinh tế biển theo hướng “Vùng kinh tế mở” để Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải trở thành cửa ngõ quốc tế quan trọng của VN hiện nay.

(Vietnam Logistics Review)Tỉnh BR-VT đang là một cực trong cơ cấu đa trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đặc biệt là Nhóm cảng biển số 5. Với vị trí và tầm quan trọng trong chiến lược trọng tâm Phát triển dịch vụ cảng biển - logistics, phát triển kinh tế biển theo hướng “Vùng kinh tế mở” để Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải trở thành cửa ngõ quốc tế quan trọng của VN hiện nay.

PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN THEO HƯỚNG “VÙNG KINH TẾ MỞ”

Nhóm cảng biển số 5 theo quy hoạch sẽ hình thành ba cụm cảng chính là cụm cảng TP.HCM, Đồng Nai và BR-VT. Trong đó, khu vực cảng trên sông Cái Mép - Thị Vải được chú trọng phát triển thành cảng cửa ngõ quốc tế, đồng thời là động lực phát triển kinh tế cho cả vùng kinh tế động lực phía Nam. Như vậy, việc tập trung nguồn vốn ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển của các dự án trọng điểm, có tính bản lề, có tính đột phá nhằm hình thành cảng nước sâu, có khả năng hình thành tuyến vận tải biển xa kết hợp thực hiện vai trò trung chuyển quốc tế như Cảng Quốc tế Cái Mép - Thị Vải, luồng cho tàu biển trọng tải lớn đang là vấn đề quan trọng, có tính chiến lược đối với BR-VT.

Với tư cách là một cực phát triển trong cơ cấu đa trung tâm Vùng, nhiệm vụ của BR-VT đối với quốc gia là thực hiện hiệu quả các vai trò của cửa ngõ kết nối quốc gia phía Nam, đáp ứng nhu cầu luân chuyển của các loại hàng hóa XNK, trung chuyển và nội địa. Đối với khu vực ASEAN, BR-VT thực hiện hiệu quả vai trò cửa ngõ phía Đông của hành lang kinh tế phía Nam tiểu vùng Mê Kông.

Cụm cảng biển của tỉnh BR-VT có hệ thống luồng vào cảng khá sâu, cho phép các tàu trọng tải lớn (trên 100.000DWT) hành hải, đồng thời có vị trí nằm gần kề tuyến hàng hải quốc tế, giúp hàng hóa từ BR - VT đến các cảng của châu Âu, Bắc Mỹ mà không cần qua trung chuyển ở các nước khác như
Singapore, Hồng Kông. Đối với hệ thống cảng biển tỉnh BR-VT, trong những năm vừa qua đã tích cực triển khai thi công xây dựng, đã hoàn thành và đưa vào khai thác hàng loạt cảng tổng hợp, container hiện đại. Việc triển khai đầu tư xây dựng hệ thống cảng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã tuân thủ quy hoạch được duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

LOGISTICS - NGÀNH DỊCH VỤ CHỦ LỰC CỦA BR-VT TRONG TƯƠNG LAI

Trong những năm vừa qua, khu Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đã kết nối trực tiếp các tuyến hành hải đi châu Âu và châu Mỹ, giúp chủ hàng giảm thời gian vận chuyển do không phải trung chuyển qua Singapore, Hồng Kông như trước đây, từ đó giúp hàng hóa của các
doanh nghiệp giảm chi phí và tăng giá trị. Nhờ điều kiện thuận lợi đó, hàng hóa từ các địa phương lân cận trong Vùng kinh tế động lực phía Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Thuận,… cũng như hàng hóa từ các nước Tiểu vùng sông Mê Kông, đặc biệt là Campuchia sẽ được hấp dẫn tới các cảng Cái Mép - Thị Vải để trung chuyển quốc tế.

Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng phía Nam dự kiến quy hoạch khu dịch vụ hậu cần gần sân bay Long Thành được xây dựng trong tương lai, nhằm kết nối việc vận chuyển hàng hóa từ các khu vực khác đến sân bay và ngược lại. Nếu khu dịch vụ logistics được đầu tư xây dựng tại đây thì việc kết nối với hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải cũng khá thuận lợi.

Nhận diện được tầm quan trọng ấy, Quy hoạch tổng thể phát triển ngành logistics tỉnh BR-VT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã thể hiện quyết tâm của tỉnh BR-VT trong mục tiêu phát triển ngành logistics BR-VT trở thành ngành hạ tầng kinh tế then chốt, một ngành dịch vụ chủ lực của tỉnh trong giai đoạn sau năm 2015. Với chiến lược này, BR-VT sẽ thực hiện đúng vai trò, chức năng đối với Vùng, Quốc gia và Khu vực. Đóng góp vào tăng trưởng GDP, đồng thời hỗ trợ các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ khác của tỉnh phát triển vượt trội.

Theo đó, định hướng đến năm 2030, các cảng biển BR-VT đảm bảo năng lực thông qua từ 140-275 triệu tấn. Đồng thời hạ tầng giao thông kết nối được quy hoạch chi tiết và đầu tư hoàn chỉnh (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa), theo đó các trung tâm và cơ sở dịch vụ logistics được quy hoạch chi tiết và đầu tư hoàn thiện, phát huy hiệu suất và hiệu quả kinh tế. Đặc biệt là hệ thống chính sách và quy định được xây dựng hoàn chỉnh, đảm bảo năng lực thiết kế, cung cấp và duy trì chất lượng các dịch vụ công, các gói hỗ trợ cho các đối tượng cụ thể như các nhà đầu tư hạ tầng, các nhà cung cấp dịch vụ logistics, các nhà sản xuất sản phẩm phục vụ ngành logistics, các tổ chức đào tạo nguồn nhân lực logistics đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh BR-VT đã chủ trương cho các cảng biển xây dựng và phát triển Logistics 3PL (Third party, Logistics), Logistics điện tử (Electronic – Logictics) và thương mại điện tử… phù hợp với xu thế chung của thế giới là từng bước đi vào nền kinh tế tri thức, nhằm hướng đến sự bền vững trong xây dựng và phát triển quốc gia trong tương lai.