Hoàn thiện hệ thống logistics quốc gia (kỳ cuối)

Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 09:20, 07/05/2015

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Logistics là một trong ba trụ cột quan trọng tạo thuận lợi thương mại giúp quốc gia nói chung và DN nói riêng nâng cao hiệu quả hoạt động, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

(Vietnam Logistics Review) Logistics là một trong ba trụ cột quan trọng tạo thuận lợi thương mại giúp quốc gia nói chung và DN nói riêng nâng cao hiệu quả hoạt động, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Để hoàn thiện hệ thống logistics và nâng cao hiệu quả hoạt động logistics cần có sự đầu tư đồng bộ của Chính phủ cho hệ thống cơ sở hạ tầng, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành trong việc tạo thuận lợi để rút ngắn thời gian giao hàng, đơn giản hóa và hài hòa hóa các thủ tục hải quan, tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi nhằm thu hút nguồn vốn tư nhân vào lĩnh vực này tại VN.

NHU CẦU VẬN TẢI VÀ LOGISTICS

Tăng trưởng kinh tế đã dẫn đến việc tăng trưởng nhu cầu vận tải và logistics, với sự gia tăng đáng kể về khối lượng hàng hóa được vận tải và xếp dỡ. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê VN năm 2014, hơn 950 triệu tấn hàng hóa được vận tải trong năm 2012, trong đó, vận tải đường bộ đảm nhiệm hơn 722 triệu tấn, đường thủy nội địa đứng thứ hai với tổng sản lượng hơn 168,5 triệu tấn, đường biển với hơn 61,5 triệu tấn, đường sắt với 7 triệu tấn và đường hàng không với 0,18 triệu tấn.

Vận tải đường bộ tại VN chủ yếu được sử dụng cho vận tải nội địa và phần lớn là cho các chuyến đường ngắn hoặc tầm trung giữa các trung tâm sản xuất và tiêu thụ chính hoặc các điểm quan trọng đối với giao thương quốc tế (và ngược lại). Theo Tổng cục Thống kê, khoảng cách trung bình mỗi chuyến là 61 km, sự tập trung hoạt động sản xuất gần các điểm tiêu thụ hoặc cảng chính dẫn đến các chuyến đi tương đối ngắn và khiến cho phương thức vận tải đường bộ rất thích hợp với phần lớn hàng hóa. Phương thức này cũng được sử dụng cho vận tải đường dài, đặc biệt là giữa hai trung tâm kinh tế lớn là TP.HCM và Hà Nội.

Vận tải đường thủy nội địa có một quãng đường vận chuyển trung bình là 217,6 km vào năm 2013, cho thấy rằng phương thức này thường được sử dụng cho các chuyến dài hơn so với vận tải đường bộ. Có ưu thế về khối lượng hàng vận chuyển và chi phí rẻ nhưng lại hạn chế về tốc độ dẫn đến thời gian vận chuyển dài, vận tải thủy nội địa tại VN hiện chủ yếu được sử dụng để vận chuyển các mặt hàng nông sản (gạo) và các loại hàng rời có khối lượng lớn khác (xi măng, than đá...) đặc biệt là ở ĐBSCL và sông Hồng, nơi có mạng lưới đường thủy dài hơn và chất lượng cao hơn.

Vận tải đường biển và hàng không chủ yếu được sử dụng cho lĩnh vực ngoại thương, mặc dù hai phương thức này cũng được sử dụng cho vận tải trong nước, đặc biệt là vận tải đường biển, do VN có hình dạng địa lý và đường biển dài. Tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2014 quãng đường đi trung bình trong vận tải đường biển là 2.206 km, và trong vận tải hàng không quãng đường vận chuyển trung bình là 2.556 km. So với tiềm năng phát triển vận tải biển của VN với bờ biển dài hơn 3.200 km và khả năng kết nối với các cảng biển lớn trên thế giới thì hoạt động vận tải biển chưa thực sự phát triển.

Vận tải đường sắt chỉ chiếm 6,5 triệu tấn (0,65%) trong năm 2013. Mặc dù mạng lưới đường sắt kết nối hai thành phố quan trọng nhất của VN, nhưng nó chưa được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, khoảng cách trung bình cho mỗi chuyến tàu là 567 km, do phương thức vận tải này được sử dụng cho các chuyến đi dài giữa miền Bắc và miền Nam của VN và còn kết nối cả với Trung Quốc. Một số chuyến cũng có quãng đường ngắn, nối Hà Nội với các cảng chính như cảng Hải Phòng.

HOÀN THIỆN HỆ THỐNG LOGISTICS QUỐC GIA

Thứ nhất, hiệu quả khai thác vận tải tại VN chưa cao. Vận tải đường bộ mặc dù có ưu điểm là linh hoạt và dễ khai thác nhưng chi phí cao và năng lực chuyên chở kém hơn rất nhiều so với vận tải biển, đường sắt. Do vậy, Bộ GTVT tải cần có các giải pháp nhằm phát triển hạ tầng giao thông một cách đồng bộ.

Bên cạnh việc đầu tư mạnh cho hệ thống cảng biển và đường bộ thì cần cân đối phát triển hệ thống đường sắt nhằm giảm tải cho đường bộ hiện nay đang quá tải và kém hiệu quả. Về hệ thống cảng biển, VN cần đẩy mạnh phát triển các cảng biển theo hướng trung tâm tích hợp dịch vụ logistics nhằm khai thác dịch vụ giá trị gia tăng cũng như phát triển vận tải đa phương thức kết hợp vận tải biển với các phương thức vận tải có khả năng đáp ứng nhu cầu vận chuyển lớn như vận tải đường sắt.

Thứ hai, về nhu cầu vận chuyển, hiện nay hệ thống vận tải về cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận tải nội địa, tuy nhiên, chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (12%) trong vận tải quốc tế. Do vậy cần có sự đầu tư có chọn lọc và chuyển dịch cơ cấu đội tàu phù hợp với cơ cấu hàng hóa vận chuyển trên thế giới nhằm tăng khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường, từ đó, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu dịch vụ vận tải cũng như đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngoại thương của chủ hàng VN.

Thứ ba, mặc dù có sự cải thiện về chỉ số logistics chung, đặc biệt là hạ tầng cơ sở nhưng VN cần cải thiện về chất lượng dịch vụ logistics, tính chắc chắn về thời gian giao hàng, dịch vụ hải quan. Như phân tích ở trên, hiện có hơn 306 DN thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics VN. Hiệp hội cần phát huy vai trò tích cực trong việc hỗ trợ thành viên trong việc đào tạo nghiệp vụ logistics theo tiêu chuẩn quốc tế, tham mưu cho Chính phủ về các chính sách phát triển logistics phù hợp với các quy định của quốc tế trong lĩnh vực này.