Học gì từ 3 chuỗi cung ứng rau quả của Ấn Độ?

Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 08:13, 08/06/2016

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Quản trị chuỗi cung ứng (SCM) mặt hàng rau quả phức tạp hơn rất nhiều so với các SCM khác do bản chất dễ hỏng của sản phẩm, sự biến động cao trong nhu cầu và giá cả, mức độ quan tâm của người tiêu dùng về an toàn, chất lượng thực phẩm và phụ thuộc lớn vào điều kiện khí hậu. Hiện nay, tại Ấn Độ có 3 dạng chuỗi cung ứng mặt hàng rau quả tiêu biểu có cấu trúc và hiệu quả vận hành khác nhau mà Việt Nam có thể nghiên cứu và ứng dụng.

(Vietnam Logistics Review) Quản trị chuỗi cung ứng (SCM) mặt hàng rau quả phức tạp hơn rất nhiều so với các SCM khác do bản chất dễ hỏng của sản phẩm, sự biến động cao trong nhu cầu và giá cả, mức độ quan tâm của người tiêu dùng về an toàn, chất lượng thực phẩm và phụ thuộc lớn vào điều kiện khí hậu. Hiện nay, Ấn Độ có 3 dạng chuỗi cung ứng mặt hàng rau quả tiêu biểu có cấu trúc và hiệu quả vận hành khác nhau mà Việt Nam có thể nghiên cứu và ứng dụng.

Chuỗi cung ứng truyền thống

Đây là một chuỗi phức tạp, cấu trúc đa dạng với sự tham gia của nhiều tổ chức, thành viên như đại lý, tổ chức bán đấu giá, bán buôn, bán lẻ truyền thống, dạng bán lẻ nhỏ như cửa hàng trang trại, bên đường, vỉa hè. Đại lý, nhà bán đấu giá và bán buôn là thương nhân. Nông dân là người trồng trọt và cung ứng sản phẩm cho chuỗi.

Nông dân bán sản phẩm cho khách hàng thông qua nhiều đối tác trung gian khác nhau và các trung gian này hưởng toàn bộ phần giá trị gia tăng trên thị trường.

Mô hình chiếm 95 - 98% các chuỗi cung ứng hiện nay. Trong chuỗi này, các trung gian hưởng khoảng 75% tổng lợi nhuận ròng của toàn bộ chuỗi.

Chuỗi "trục bánh xe và nan hoa"

Là chuỗi cung ứng trong đó nhà bán lẻ đóng vai trò chính. Chỉ có vài dạng tổ chức được tham gia vào loại mô hình chuỗi cung ứng này như nông dân, nhà bán lẻ có tổ chức, bán buôn.

Các trung tâm mua, trung tâm phân phối và cửa hàng bán lẻ là các đơn vị hoạt động của các nhà bán lẻ. Hộ nông dân nhỏ và hộ nông dân ký kết hợp đồng với nhà bán lẻ là nguồn cung cấp rau quả chính cho chuỗi cung ứng.

Các nhà bán lẻ tổ chức thu thập sản phẩm rau quả trực tiếp từ nông dân qua các trung tâm mua hàng và sau đó vận chuyển đến trung tâm phân phối của họ. Trong mô hình này, rau quả đi qua 4 giai đoạn: nông dân bán sản phẩm cho các trung tâm mua - chuyển tới các trung tâm phân phối - cung ứng tiếp đến các cửa hàng lẻ và từ đó đến tay người tiêu dùng cuối cùng.

Mô hình chuỗi giá trị

Các DN kinh doanh mặt hàng rau quả chấp nhận mua sắm rau quả trực tiếp từ nông dân hoặc thông qua các hợp đồng với nông dân hoặc tham gia vào hoạt động của các trang trại sản xuất rau quả với hình thức thuê mướn nông dân.

Mô hình này hoàn toàn dựa vào sự tích nhập dọc về phía sau của các doanh nghiệp phân phối hướng tới hình thành một chuỗi giá trị toàn thể cho sản phẩm đi từ nông trại đến bàn ăn. Trong chuỗi cung ứng này, các đối tác chính là nông dân, các nhà phân phối và khách hàng.

Đánh giá "sức mạnh" của từng chuỗi cung ứng

Về bản chất, chuỗi cung ứng cần được xem như một thực thể thống nhất gồm các thành viên phối hợp với nhau để tận dụng nguồn lực vốn có của các DN này. Sức mạnh của chuỗi cung ứng chính là sức mạnh của sự hợp nhất nhiều tổ chức riêng biệt. Tuy nhiên, sự hợp nhất này lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, quy mô, trình độ và kiến thức của các DN thành viên có tính chất quyết định.

Tại các chuỗi cung ứng truyền thống của Ấn Độ, có rất nhiều thành viên tham dự nhưng không có bất kỳ thành viên nào đủ khả năng kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng. Lý do là các hộ nông dân và DN tham gia đều nhỏ, manh mún và phân tán, quan hệ trong chuỗi lỏng lẻo, ít ràng buộc.

Dẫn đến hiện tượng các thương nhân với khả năng tiếp cận thị trường tốt hơn đã thâu tóm toàn bộ phần lợi ích trong chuỗi cung ứng. Sức mạnh của các tổ chức không được tận dụng triệt để, dẫn tới các chuỗi cung ứng kém hiệu quả.

Với chuỗi cung ứng dạng "trục bánh xe và nan hoa” do nhà bán lẻ tổ chức thì cấu trúc này được thống nhất cao hơn, nhà bán lẻ là người nắm luật chơi chính trong chuỗi cung ứng, giữ vai trò quyết định trong nối kết các quan hệ chuỗi. Để giảm rủi ro, họ sở hữu phần lớn các khâu cơ bản trong chuỗi cung ứng và ký hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và bao tiêu với các nông hộ để duy trì đủ hàng hóa đầu vào.

Điều này cho phép tập hợp các hộ nông dân sản xuất manh mún nhỏ lẻ vào một hệ thống sản xuất tập trung và sản xuất theo yêu cầu của thị trường. Với cấu trúc đồng sở hữu như vậy, các liên hệ ràng buộc trong chuỗi cung ứng đảm bảo sự chặt chẽ, hiệu quả cao hơn.

Hạn chế lớn nhất của mô hình này là trong thực tế, có rất ít DN bán lẻ có quy mô đủ lớn để lãnh đạo các chuỗi cung ứng.

Trong chuỗi cung ứng theo mô hình giá trị, có nhiều tổ chức cùng tham dự và chia sẻ trách nhiệm theo các khâu. Thông thường thì các DN chế biến rau quả hoặc nhà bán lẻ đều có thể tích hợp về phía sau để tạo sự thống nhất và duy trì sức mạnh cho chuỗi cung ứng.

Sự tích hợp này có thể ở dạng liên doanh liên kết, cho phép các DN nhỏ và vừa với thế mạnh nhất định tham gia vào chuỗi cung ứng này. Những thế mạnh đặc thù của họ sẽ được khai thác và tạo ra phần giá trị gia tăng cao hơn. Như vậy, không có một tổ chức nào phải chịu trách nhiệm gánh vác toàn bộ chuỗi cung ứng, mọi DN tham dự và đóng góp phần lợi thế hữu dụng nhất của mình và hưởng phần lợi ích từ những nỗ lực tham dự đó.

Yếu tố quan trọng nhất quyết định sự tồn tại của chuỗi cung ứng là sự liên kết chặt chẽ, đồng hướng theo yêu cầu của thị trường mục tiêu mà chuỗi cung ứng hướng tới.

Tuy nhiên, để có những chuỗi cung ứng dựa trên mô hình giá trị đòi hỏi những điều kiện nhất định của DN và môi trường mà không phải ngay một lúc có thể hội đủ. (Những điều kiện này sẽ được trình bày trong số báo tiếp theo).