Quản trị rủi ro hàng hải thời bùng nổ thông tin
Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 13:59, 09/09/2016
(Vietnam Logistics Review) Trong kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh vận tải biển, rủi ro luôn tồn tại khiến DN phải quản trị, ngăn ngừa khi rủi ro xảy ra.
Ngày nay, với sự phát triển của phương tiện truyền thông đặc biệt là internet, các sự kiện hay các dấu hiệu rủi ro có thể phát tán rất nhanh và ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ đến DN vận tải biển mà là toàn ngành hàng hải. Để quản trị rủi ro trong ngành hàng hải, mô hình khuyếch đại dư luận xã hội về rủi ro - SARF và cách sử dụng những hiểu biết về mô hình này là vô cùng quan trọng.
Mô hình SARF
SARF được thế giới biết đến năm 1988. Mục đích chính của SARF là chỉ ra hiểm họa tương tác với quá trình tâm lý, xã hội, thể chế và văn hóa theo cách có thể khuyếch đại hay giảm bớt phản ứng của công chúng, dư luận xã hội đối với rủi ro. Khuyếch đại rủi ro (risk amplification) có thể được hiểu là những hiểm họa hay sự kiện nào đó được các chuyên gia đánh giá rủi ro ở mức tương đối thấp nhưng lại nhận được sự quan tâm đặc biệt trong cộng đồng xã hội. Ngược lại, giảm bớt rủi ro xảy ra khi những hiểm họa được các chuyên gia đánh giá nghiêm trọng nhưng ít được xã hội quan tâm. Mô hình SARF có thể được hình dung giống như các gợn sóng sau khi ném một hòn đá xuống ao. Các gợn sóng lan ra xa, vây quanh ảnh hưởng trước hết đến nạn nhân trực tiếp, sau đó đến công ty, rồi lan ra cả ngành công nghiệp.
SARF trong quản trị rủi ro hàng hải
Vị trí của ngành hàng hải trong mô hình SARF
Các tổ chức trong ngành hàng hải nhìn chung đều cố gắng giảm bớt phản ứng của dư luận với rủi ro. Tuy nhiên, tùy thuộc vào bối cảnh cụ thể, một tổ chức có thể hành động để khuyếch đại nhận thức của dư luận về rủi ro. Ví dụ như nhà bảo hiểm hàng hải, người làm việc với rủi ro hàng ngày, lấy doanh thu từ phí bảo hiểm khách hàng nộp. Họ tăng doanh thu bằng cách phóng đại mối hiểm họa có thể xảy ra ở những khu vực nhạy cảm để thiết lập mức phí bảo hiểm cao và giảm chi phí bằng cách sử dụng các phương pháp để ngăn ngừa tai nạn. Tuy nhiên, khi tai nạn xảy ra, họ muốn giảm các tín hiệu rủi ro để giảm khoản bồi thường phải trả. Chủ tàu muốn chế ngự những ảnh hưởng của tai nạn để giữ được niềm tin của xã hội đối với họ và bảo vệ lợi ích của họ. Tuy nhiên, thường thì khi các dấu hiệu rủi ro được truyền tải qua phương tiện truyền thông thì chúng sẽ bị khuyếch đại. Hậu quả là chủ tàu phải sử dụng phương tiện truyền thông cho thấy hành động để giải quyết vấn đề như nỗ lực để làm sạch biển sau tai nạn tàu. Đó là một trong những cách để làm giảm phản ứng xấu của dư luận với rủi ro của chủ tàu.
Vụ tràn dầu Exxon Valdez
Vụ tràn dầu tàu Exxon Valdez là một ví dụ điển hình về sức mạnh truyền tin mà những hình ảnh về một thảm họa môi trường được lan truyền qua các phương tiện truyền thông có thể hình thành trong nhận thức của công chúng.
Ngày 24.3.1989, tàu Exxon Valdez bị mắc cạn và gây nên vụ tràn dầu lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ cho đến thời điểm đó. Thảm họa này đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới trong một thời gian dài vì nó được đề cập đến quá thường xuyên trên các phương tiện truyền thông. Tác giả đã tập hợp 154 bài báo của Tạp chí Quốc tế Lloyd’s List viết về thảm họa trong một năm và phân loại theo chi tiết khuyếch đại rủi ro và chi tiết làm giảm bớt rủi ro bị dư luận đả kích như: những nỗ lực của công ty Exxon trong việc làm sạch vết dầu loang; số tiền lớn mà công ty Exxon đã chi để giải quyết hậu quả của thảm họa; ảnh hưởng tốt của thảm họa này tới việc đẩy nhanh quá trình thông qua những quy định cần thiết; và việc buộc tội các cơ quan tổ chức khác về chuẩn bị và thực hiện kế hoạch ứng phó với những trường hợp khẩn cấp. Kết quả là chỉ có 24% bài báo được viết theo cách làm giảm bớt rủi ro từ phản ứng của dư luận xã hội, còn lại 76% bài báo làm khuyếch đại dư luận. Do đó, công ty Exxon đã mất rất nhiều sau thảm họa này. Hãy nhìn vào mô hình SARF cho vụ tràn dầu Exxon Valdez để thấy rủi ro bị khuyếch đại đã lan xa thế nào. (Hình 1).
Các quy luật chung
Quy luật chung nhất là tất cả mọi tổ chức đều hành động vì lợi ích của chính họ. Công ty Exxon và những người bảo hiểm của họ cố gắng làm giảm dư luận xã hội trong khi nhóm môi trường có vẻ như muốn tăng nó lên. Và có lẽ, cách tốt nhất để làm giảm dư luận xã hội đối với rủi ro là thông qua sự im lặng của các phương tiện truyền thông và các nhóm lợi ích.
Các tổ chức trong ngành hàng hải hành động để tận dụng các cơ hội, giảm bớt khó khăn và vượt qua thách thức trong quản trị rủi ro. Những khó khăn của ngành công nghiệp hàng hải sau tất cả những tác động tiêu cực của các vụ tai nạn hàng hải là làm sao để tăng niềm tin của xã hội. Tuy nhiên, niềm tin tăng lên chậm chạp, mong manh và dễ bị phá vỡ.
Ngày 24.3.1989, tàu Exxon Valdez bị mắc cạn và gây nên vụ tràn dầu lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ
Ngày nay mô hình SARF là một công cụ phổ biến để quản trị rủi ro dù rằng nó có những yếu điểm như: khuyếch đại dư luận xã hội không giải thích được tại sao sự quan tâm của công chúng lại có thể nhanh chóng tan đi hay không tăng lên ngay từ đầu, mặc dù có lẽ nó nên thế. Vì thế, muốn sử dụng mô hình SARF để quản trị rủi ro thành công, các cơ quan tổ chức nên đào tạo con người, sử dụng đánh giá tốt, làm việc trong một hệ thống hỗ trợ quản lý tích cực, có quy trình dễ hiểu và lưu văn bản tốt.
Tóm lại, rủi ro luôn luôn tồn tại quanh chúng ta, đặc biệt trong ngành hàng hải. Vì vậy, các tổ chức của ngành hàng hải nên hiểu về khuyếch đại và giảm bớt dư luận xã hội. Từ những hiểu biết này, các công ty vận tải biển cần chuẩn bị kế hoạch ứng phó sự cố để có phản ứng đúng bất cứ lúc nào. Khi một sự kiện không thuận lợi xảy ra như một tai nạn tàu và tràn dầu, ngành hàng hải không chỉ là nạn nhân của tai nạn mà còn là nạn nhân của sự khuyếch đại dư luận xã hội của rủi ro. Vì vậy, các cơ quan tổ chức của ngành hàng hải cần phải hiểu mô hình SARF và tính đến nó khi xác định khó khăn, thách thức của quản trị rủi ro trong ngành. Xây dựng niềm tin của xã hội và luôn luôn đi trước là những biện pháp tốt mà ngành này cần để hành động trong mô hình SARF.