Liên kết chuỗi cung ứng gạo Việt Nam
Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 14:34, 11/10/2016
(Vietnam Logistics Review)Để xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm gạo phục vụ thị trường trong và ngoài nước bền vững cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân trong chuỗi: Nhà sản xuất (nhà nông); Doanh nghiệp (thu gom, chế biến, xuất khẩu) và Nhà nước.
Các thành tố trong chuỗi cung ứng gạo
Việt Nam đã trở thành một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Song, vị thế cạnh tranh gạo Việt Nam trên thị trường thế giới vẫn đứng sau Thái Lan với khoảng cách khá xa. Chuỗi cung ứng gạo, đặc biệt là gạo xuất khẩu của một số địa phương chưa hình thành rõ ràng; chưa có sự liên kết rõ ràng và hiệu quả giữa các nhân tố trong chuỗi cung ứng.
Nhà cung cấp tham gia chuỗi cung ứng gạo xuất khẩu với vai trò cung cấp cho nhà sản xuất các yếu tố đầu vào sản xuất cơ bản gồm: Giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nhà cung cấp giống lúa thường là:
1, Các đơn vị chuyên nghiên cứu, khảo nghiệm giống cây trồng, họ tiến hành lưu trữ và bảo tồn nguồn gen giống cây trồng. Đồng thời tổ chức sản xuất và kinh doanh giống cây trồng, kinh doanh vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất giống.
2, Các DN, đơn vị nghiên cứu sản xuất và cung cấp giống tư nhân cung cấp giống lúa dựa trên các hợp đồng liên kết hoặc đặt hàng với ngành nông nghiệp của các tỉnh nhằm đảm bảo cung cấp đúng chất lượng, chủng loại giống và đáp ứng nhu cầu gieo giống lúa gạo trên địa bàn các tỉnh.
3, Các hộ nông dân chủ động lưu trữ lại giống để tạo ra giống lúa mới cho mùa sau. Tuy nhiên, giống lúa được cung ứng theo hình thức này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, chất lượng không cao.
Nhà cung cấp phân bón và thuốc bảo vệ thực vật: Các DN này tương đối đông đảo, phân bón và thuốc có chất lượng, góp phần giảm lượng phân bón nhập khẩu, giúp
cơ quan chức năng kiểm soát được chất lượng, bình ổn giá phân bón, giảm chi phí vận chuyển, bảo đảm phù hợp với chủ trương phát triển nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, do nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, kinh tế còn khó khăn nên nhiều nông dân sản xuất vẫn sử dụng các loại thuốc giá rẻ nhập lậu, không có nguồn gốc.
Nhà sản xuất là nhân tố có ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng và khối lượng sản phẩm của chuỗi cung ứng. Sản xuất lúa gạo ở Việt Nam chủ yếu là các hộ nông dân. Bên cạnh đó là tổ nhóm, hợp tác xã sản xuất được liên kết sản xuất giữa các hộ nông dân trong cùng địa phương với nhau. Việc chuyển giao khoa học công nghệ và ứng dụng vào thực tế sản xuất lúa gạo theo hướng hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn do các DN chưa tham gia tích cực và sâu rộng vào chuỗi liên kết sản xuất lúa chất lượng hàng hóa. Tại nhiều vùng (đặc biệt các tỉnh miền núi phía Bắc), việc sử dụng máy móc thiết bị công nghệ trong sản xuất còn thấp, thiếu thông tin khoa học kỹ thuật, thiếu thông tin thị trường, chậm cải tiến trong hoạt động sản xuất, tâm lý ỷ lại vào sự hỗ trợ từ các dự án hay Nhà nước. Theo ước tính của các chuyên gia, trung bình mỗi năm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thiệt hại tới nửa tỷ USD (tương đương cả chục nghìn tỷ đồng) vì thiếu các loại máy móc phục vụ thu hoạch, bảo quản lúa.
Nhà thu mua, chế biến là nhân tố đóng vai trò quan trọng làm cầu nối đưa sản phẩm từ nhà sản xuất đến thị trường. Chức năng chính là thu mua thóc với khối lượng lớn, xay xát, chế biến thành gạo thành phẩm, dự trữ khối lượng gạo thành phẩm lớn và thực hiện các hoạt động kinh doanh để phân phối đến với thị trường. Sự liên kết giữa các nhà thu mua, chế biến, kinh doanh gạo với nông dân về hỗ trợ giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ kỹ thuật canh tác, bao tiêu sản phẩm còn nhiều hạn chế.
Nhà bán lẻ: bao gồm các siêu thị, đại lý, các cửa hàng bán lẻ tại các địa phương trên cả nước. Họ đóng vai trò quan trọng trong việc phản hồi thông tin của người tiêu dùng cho các thành phần khác trong chuỗi cung ứng là nhà sản xuất và nhà thu mua.
Công ty vận chuyển: Trong khâu vận chuyển lương thực, khối lượng vận chuyển đường thủy chiếm tỷ trọng khoảng 3/4 còn lại vận chuyển đường bộ khoảng 1/4. Riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long khối lượng vận chuyển đường thủy chiếm tới hơn 90%. Qui cách lúa gạo khi vận chuyển cũng giống như khi dự trữ, chủ yếu là đóng bao PP cỡ 25-50 kg/bao và bốc xếp thủ công là chính nên tỷ lệ hao hụt khá nhiều.
Giải pháp
Để xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm gạo phục vụ thị trường trong và ngoài nước bền vững cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân trong chuỗi: Nhà sản xuất (nhà nông); DN (thu gom, chế biến, xuất khẩu); Nhà nước. Ví dụ như mô hình liên kết DN với nông dân sản xuất lúa của công ty bảo vệ thực vật An Giang với khoảng 28.000 hộ dân để tạo cánh đồng lớn 65.000ha sản xuất lúa đồng bộ.
Tiếp tục tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các giải pháp khoa học công nghệ hiện đại để có thể tạo được giống lúa cho năng suất cao, phẩm chất gạo tốt, kháng sâu bệnh, thích ứng được với điều kiện khí hậu của từng vùng. Tăng cường trao đổi giữa nhà cung ứng giống lúa, nhà khoa học với người nông dân về kỹ năng, kinh nghiệm canh tác, gieo trồng. Các DN cần chủ động tiếp xúc và hỗ trợ vốn cho người nông dân thông qua các hình thức hỗ trợ tín dụng như cho vay ưu đãi; đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến lúa, gạo chất lượng cao; hỗ trợ mua bảo hiểm nông nghiệp để giảm thiểu các tổn thất.
Các cơ quan quản lý nhà nước cần đề xuất và xây dựng quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao phù hợp với từng vùng, đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo tưới, tiêu. Tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, chọn tạo các giống lúa chất lượng có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu tốt với sâu bệnh và thích hợp với các vùng cụ thể. Hỗ trợ các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại; tìm đầu mối xuất khẩu gạo có chất lượng cao sang các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Xây dựng và triển khai thực hiện chính sách phát triển hợp tác, liên kết sản xuất kết hợp với tiêu dùng, xây dựng cánh đồng lớn, chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra lượng hàng hóa lớn, đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nhà nước cũng xem xét việc nới lỏng điều kiện trở thành DN xuất khẩu gạo.
Tập trung vận động, hướng dẫn nông dân khai hoang để tiếp tục tăng diện tích lúa nước, sản xuất theo các quy trình, quy chuẩn nhằm đảm bảo tiêu chuẩn tiêu dùng trong và ngoài nước. Hỗ trợ DN cụ thể bằng những chính sách ưu đãi về vốn vay cho xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao.