Còn 16.000 doanh nghiệp cần Bộ Tài chính giải cứu

Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 15:25, 07/04/2020

(VLR) Dự thảo gia hạn thuế, tiền thuê đất của Bộ Tài chính sau hai lần được mở rộng đối tượng hỗ trợ vẫn đang tiếp tục được lấy ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp. Thế nhưng, 16.000 doanh nghiệp vẫn chưa được nằm trong diện hỗ trợ thuế này, và chỉ 1-2 tuần nữa nhiều doanh nghiệp buộc phải ngừng sản xuất.

Còn 16.000 doanh nghiệp cần Bộ Tài chính giải cứu

Còn 16.000 doanh nghiệp cần Bộ Tài chính giải cứu

Sau khi tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành và địa phương, Bộ Tài chính vừa qua đã có công văn trình Chính phủ bổ sung 4 nhóm đối tượng được gia hạn thuế, tiền thuê đất. Trong số này có cả hoạt động kinh doanh bất động sản, sản xuất ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống.

Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), với những bổ sung mới này, khoảng 98% doanh nghiệp (DN) sẽ được hưởng lợi với tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn lên tới 180.000 tỷ đồng (tăng gần 100.000 tỷ đồng so với nội dung đã trình Chính phủ trước đó).

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, con số 98% chưa thực sự đầy đủ, bởi 2% còn lại của 800.000 DN trên cả nước tương đương với 16.000 DN vẫn chưa được xem xét hỗ trợ gia hạn thuế.

Đáng chú ý, hiện có hơn 1.000 DN trong lĩnh vực đồ uống bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hầu hết hàng hóa không tiêu thụ được. Hơn 200.000 công nhân lao động của Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam đã gián đoạn việc làm. Thế nhưng, dự thảo lần 3 của Bộ Tài chính vẫn chưa đưa lĩnh vực này vào gia hạn thuế, tiền thuê đất.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam, không những người lao động mà nguồn thu của nhà nước cũng bị tác động do ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Hàng năm, hiệp hội này nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 60.000 tỷ đồng.

“Đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét để cho những ngành đồ uống vào diện gia hạn thuế, tiền thuê đất. Đặc biệt là nước giải khát không có lỗi gì cả, việc không được bổ sung vào hỗ trợ thuế quả là một thiệt thòi lớn cho chúng tôi”, ông Việt bày tỏ.

Theo các chuyên gia, dự thảo gói hỗ trợ tài khóa giãn nộp thuế, tiền thuê đất dù đã được bổ sung lần thứ 2 nhưng vẫn có thể bỏ sót những ngành nghề chịu thiệt hại trực tiếp từ dịch COVID-19. Do vậy, để tránh phải bổ sung lại nhiều lần, dự thảo cần phải bao quát được tất cả các đối tượng chịu thiệt hại.

PGS.TS Nguyễn Thị Thùy Dương, Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, để bao quát được tất cả các đối tượng chịu thiệt hại, Bộ Tài chính chỉ cần quy định những DN nào bị thiệt hại do đại dịch COVID-19 sẽ được hưởng gói hỗ trợ trên, không nên phân biệt cụ thể ngành nghề.

Ngoài việc hỗ trợ gia hạn thuế và tiền thuê đất, các chuyên gia cũng cho rằng, Chính phủ cần có cơ chế cho các DN, cá nhân có đóng góp cho phòng chống dịch COVID-19. Chẳng hạn như hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào cho các DN sản xuất thiết bị y tế phòng chống dịch, miễn thuế thu nhập cá nhân cho phần tiền thưởng của các y, bác sĩ.

Rõ ràng, áp lực với cơ quan quản lý trong việc phải đưa ra một chính sách kịp thời nhưng vẫn phải đảm bảo đầy đủ, phù hợp với chính sách tài khóa của quốc gia là không hề đơn giản. Và dự thảo lần này sau 2 lần được mở rộng đối tượng hỗ trợ vẫn đang tiếp tục được lấy ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia, hiệp hội DN. Tuy nhiên, vẫn cần phải nhấn mạnh rằng, yếu tố thời điểm đã vô cùng cấp bách, chỉ 1-2 tuần nữa thôi có những nhóm DN buộc phải ngừng sản xuất, không thể cầm cự được nữa.

Ông Nguyễn Viết Vinh, Giám đốc Marketting và Truyền thông Tập đoàn Rượu bia – Nước giải khát Aroma cho hay: “Nếu DN chúng tôi không được nằm trong danh sách đối tượng được miễn giảm thuế và tiền thuê đất thì có thể khẳng định chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi chúng tôi không còn đủ nguồn lực để duy trì hoạt động sản xuất. Kể cả sau khi đã kiểm soát được dịch, chúng tôi cũng không còn sức để vực dậy, nguy cơ phá sản rất cao. Bởi hiện tại hai tháng nay chúng tôi không có một đồng doanh thu nào, hai nhà máy đóng cửa”.

Mới đây, trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã có một bản báo cáo về tác động của dịch COVID-19 đến nền kinh tế Việt Nam.

Kết quả từ cuộc khảo sát cho thấy, để đối phó với những khó khăn do tác động của đại dịch, 65,5% DN thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên; 35,3% DN phải cắt giảm lao động; 34,0% phải cắt giảm lương nhân công lao động và 34,5% DN đã phải cho lao động nghỉ việc không lương; 44,7% DN cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh; 34,7% các DN lựa chọn tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh để chờ qua thời kỳ khó khăn và 15,1% DN thực hiện chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới.

Báo cáo này cũng chỉ ra, cho dù dịch COVID-19 khó có khả năng gây tác động trong trung và dài hạn tuy nhiên, nền kinh tế cũng sẽ cần thêm ít nhất một quý nữa để phục hồi sau khi dịch được khống chế.

Tiền phong