Dữ liệu lớn tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp
Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 09:37, 10/03/2020
Ông Mã Thanh Danh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần KiDo, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Quốc tế CIB
Chào ông Mã Thanh Danh! Tập đoàn Kido được biết đến là “ông lớn” trong ngành thực phẩm, đặc biệt rất thành công trong với dòng sản phẩm kem và dầu. Xin ông cho biết, đâu là chìa khóa dẫn đến thành công của Tập đoàn?
Tập đoàn KiDo chính thức góp mặt vào thị trường thực phẩm tại Việt Nam từ năm 1993, suốt chặng đường hơn 2 thập niên, Tập đoàn KiDo khẳng định được sự năng động, sáng tạo, tiên phong trong thị trường qua các chuỗi sự kiện mang tính bước ngoặt, đánh dấu sự phát triển lớn mạnh không ngừng đặc biệt là trong 2 lĩnh vực kem và dầu.
Đối với ngành kem, theo tôi đây là lĩnh vực đòi hỏi hệ thống logistics lạnh phải hiệu quả và linh hoạt. Đa số các doanh nghiệp logistics lạnh hiện đại của Việt Nam đều hợp tác với chúng tôi. Chúng tôi sở hữu một chuỗi cung ứng lạnh hoàn chỉnh từ kho bãi, vận chuyển, phân phối đến khách hàng đặc biệt là năng lực công nghệ quản trị chuỗi logistics ngành lạnh. Ngành lạnh là ngành đặc thù, đòi hỏi không chỉ giải quyết hai vấn đề là “on time” và “in full”, tức là đúng giờ và đủ hàng mà còn phải đảm bảo chất lượng, phải chính xác từng chi tiết như nhiệt độ phải luôn ở mức -20oC và hệ thống mát phù hợp.
Với ngành dầu, đây là thị trường rộng lớn, dù kinh tế suy thoái hay có biến động thì nhu cầu về dầu vẫn không giảm. Ngành dầu là ngành hàng hóa bị biến động bởi 2 yếu tố là biến động giá trên thị trường thế giới và tỷ giá USD. Tập đoàn KiDo chúng tôi giải quyết được 2 vấn đề này. Ngoài cơ sở vật chất ngành dầu từ cảng bơm dầu, kho bãi, đến việc phân phối đến người tiêu dùng, chúng tôi có công nghệ kiểm soát được giá thành ngành dầu và tỷ giá. Và những vấn đề liên quan đến logistics, kỹ năng mềm, kỹ năng về quản trị chuỗi giá trị cũng là những yếu tố góp phần thành công cho Tập đoàn.
Bằng các công nghệ như IoT, AI và đặc biệt là Big Data (dữ liệu lớn) đã góp phần không nhỏ trong việc tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy theo ông, dữ liệu lớn nói riêng và công nghệ nói chung có phải là một trong những yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp chiếm ưu thế cạnh tranh?
Cạnh tranh về dữ liệu sẽ là xu hướng cạnh tranh mới của các doanh nghiệp trong tương lai. Với bất kể ngành nào, các quyết định đầu tư kinh doanh không dựa vào việc phân tích nguồn dữ liệu thì chắc chắn mất lợi thế cạnh tranh, mà tôi thường gọi đó là “quyết định mù”.
Tôi lấy ví dụ cụ thể về ngành logistics. Trong toàn bộ chuỗi cung ứng, chúng ta có 3 cụm hoạt động cơ bản. Thứ nhất là thông tin tìm kiếm nguồn hàng của doanh nghiệp. Nếu ta có kết nối hệ thống dữ liệu thì chúng ta sẽ có thông tin để tìm kiếm nguồn hàng tốt vào đúng thời điểm chúng ta cần. Ví dụ, KiDo làm về dầu ăn, trên thực tế chúng tôi đã mua dữ liệu của các đối tác trong ngành dầu của toàn thế giới, chúng tôi có hiệp hội trong ngành dầu cọ, do đó chúng tôi có khả năng chốt được giá tốt dù giá thành có biến động theo thị trường.
Tiếp theo là giai đoạn vận chuyển. Chúng tôi sẽ lựa chọn đối tác làm logistics hiệu quả nhất và lựa chọn phương tiện tối ưu hóa chi phí và tiết kiệm thời gian. Thế giới đã đi theo hệ thống số hóa hết tất cả các hàng hóa. Công nghệ giúp chúng tôi tối ưu hóa trên tất cả các công đoạn một cách chính xác, nhanh chóng, dễ dàng.
Đến giai đoạn chuyển ra thị trường, nhờ vào số hóa, nhờ vào hệ thống công nghệ mà chúng ta biết được đâu là nhà phân phối tốt nhất và thời điểm phân phối đơn hàng tốt nhất. Ví dụ cụ thể, với sản phẩm bánh trung thu Kinh Đô, trong 3 tháng chúng tôi có thể triển khai 120.000 điểm bán. Hãy bắt đầu từ dữ liệu, từ công nghệ thì doanh nghiệp mới quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả nhất.
Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về chỉ số tinh thần khởi nghiệp. Khởi nghiệp đang là một trào lưu, hiện tượng ở người trẻ nhưng chưa có thống kê nào cụ thể về số người thành công. Người ta bắt đầu lo ngại về việc “nói thì dễ nhưng làm chẳng xong”. Nhiều bạn trẻ khi chỉ mới lên ý tưởng đã nghĩ mình sẽ thất bại, nhưng vẫn cứ làm. Là cố vấn cho nhiều chương trình về khởi nghiệp, ông nghĩ thế nào về vấn đề này?
Phong trào khởi nghiệp ở nước ta đang rất sôi nổi, nhưng trên thực tế, nhiều dự án khởi nghiệp chưa mang tính đột phá. Là cố vấn cho nhiều chương trình khởi nghiệp, tôi đưa ra những bài học thành công và thất bại của những người đi trước để tìm ra mô hình hiệu quả hơn. Chúng ta nói về những yếu tố thành công trong khởi nghiệp nhưng đầu tiên, chúng ta cần học từ những thất bại trước.
Một trong những thất bại của khởi nghiệp là bề dày kinh nghiệm chưa có. Họ chỉ mới có ý tưởng thì không thể nào thành công. Chúng ta không thể xây dựng được phương án giải quyết chính xác cái khó khăn. Ví dụ với ngành logistics, chúng ta làm sao giải quyết được vấn đề rỗng chiều về, chỉ cần giải quyết “một món” đó thôi thì đã thành công rồi. Điều quan trọng là khi khởi nghiệp, chúng ta chưa tập hợp được đồng đội đủ mạnh để thực thi. Khái niệm tôi đưa ra là thực thi thần tốc. Đó chính là, ai cũng nhìn thấy được cơ hội, nhưng vấn đề là ai làm được và làm nhanh ra thị trường người đó thắng.
Xin trân trọng cám ơn ông!