Cảng Đồng Nai: Chú trọng quản lý rủi ro, đảm bảo chất lượng dịch vụ

Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 11:58, 16/06/2020

(VLR) Quản lý rủi ro là một phần cốt lõi trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Để bảo đảm hoạt động an toàn và ổn định, đồng thời quản lý việc sử dụng tài sản và nguồn lực hiệu quả, trong nhiều năm qua, Công ty Cổ phần Cảng Đồng Nai (PDN) đã thiết lập và duy trì Hệ thống kiểm soát quản trị rủi ro (QTRR) trong toàn Công ty. Nhờ duy trì tốt hệ thống này mà PDN luôn chủ động ngăn ngừa và hạn chế thấp nhất các rủi ro, trong nhiều trường hợp có thể chuyển “nguy thành cơ”, đảm bảo cung cấp cho khách hàng các dịch vụ tốt nhất.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Tổng Giám đốc PDN

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Tổng Giám đốc PDN

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Tổng Giám đốc PDN phấn khởi chia sẻ với Tạp chí Vietnam Logistics Review về hiệu quả của Hệ thống QTRR và nhiều giải pháp chiến lược khác mà PDN đang áp dụng để luôn đạt được kết quả, hướng đến việc cải thiện tốt chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng.

Tình hình kinh tế trong nước và thế giới luôn có nhiều biến động, tiềm ẩn trong đó rất nhiều rủi ro. Gần đây nhất, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã gây gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Mặc dù vậy, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của PDN vẫn tăng trưởng ổn định. Nhờ đâu mà PDN duy trì được kết quả này, thưa ông?

Là một doanh nghiệp tiên phong của tỉnh Đồng Nai trong nhiều năm qua, định hướng của PDN là phát triển mạnh hoạt động khai thác cảng và dịch vụ logistics. Từ cuối năm 2019 đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã lan rộng và tác động mạnh đến thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu, gây gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm hàng hóa trên thế giới và Việt Nam, đình trệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Việt Nam có độ mở của nền kinh tế lớn và có đường biên giới nối dài với Trung Quốc nên cũng đã bị dịch cúm xâm nhập và phải hứng chịu những ảnh hưởng không nhỏ. Hiện tại các doanh nghiệp Việt Nam đang phải nỗ lực để được tồn tại và duy trì vượt qua đại dịch. Cụ thể tại PDN, Ban Lãnh đạo đã kịp thời đưa ra giải pháp tăng cường hoạt động của các dịch vụ trong nước để bù đắp cho dịch vụ vận chuyển quốc tế đang phải hứng chịu hậu quả từ COVID-19.

Trong 4 tháng đầu năm 2020, tổng doanh thu đạt 230,1 tỷ đồng, so với cùng kỳ và kế hoạch năm đạt lần lượt là 101,4% và 30,7%; Lợi nhuận trước thuế đạt 51,4 tỷ đồng, đạt 98,7% so cùng kỳ, 32,1% so kế hoạch năm 2020. Trong những năm qua, ngoài việc hiện đại hóa cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chúng tôi luôn chú trọng đến việc dự báo, đánh giá và sẵn sàng ứng phó với các rủi ro nhằm đảm bảo hoạt động cảng được thông suốt, hạn chế thấp nhất thiệt hại trong các tình huống bất khả kháng như dịch COVID-19 hiện nay.

Xin ông cho biết rõ hơn về Hệ thống QTRR mà Công ty đang áp dụng? Ở tầm vĩ mô, ông nhận định như thế nào về cơ hội cũng như những rủi ro có thể xảy ra với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 này?

Tại PDN, chúng tôi thiết lập, xây dựng Hệ thống QTRR gồm 3 tầng bảo vệ độc lập và kiểm soát chéo. Bước 1 được thực hiện tại các bộ phận sản xuất kinh doanh, nơi có trách nhiệm nhận dạng, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro phát sinh hàng ngày trong quá trình vận hành, báo cáo kịp thời, đầy đủ khi phát hiện các rủi ro; Bước 2 được thực hiện tại các phòng ban chức năng, nơi chịu trách nhiệm xây dựng quy chế, chính sách quản trị tập trung theo từng lĩnh vực nhằm quản lý, kiểm tra giám sát, đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật và quy định của công ty, đo lường và khắc phục lỗi sau kiểm tra; Bước 3 được thực hiện thông qua Ban kiểm soát nội bộ, nơi chịu trách nhiệm lập kế hoạch và kiểm soát hàng quý dựa trên danh sách các rủi ro trọng yếu đã được xác định. Hệ thống kiểm soát quản lý rủi ro được cung cấp đầy đủ nguồn lực, công cụ để hoạt động hiệu quả và được thực hiện thống nhất từ cấp cao nhất tới từng nhân viên.

Năm 2020, nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng chậm do ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19, ngoài ra chiến tranh thương mại, biến động tỷ giá, lãi suất, nguy cơ tấn công khủng bố... cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong nước, bên cạnh những khó khăn như kinh tế tăng trưởng chưa bền vững, năng suất lao động, cạnh tranh còn thấp, nền kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng như xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc qua Việt Nam. Việt Nam bắt đầu thực thi các cam kết hiệp định thương mại tự do như: CPTPP, EVFTA... ở mức độ sâu rộng mở ra nhiều cơ hội thu hút và tận dụng dòng vốn FDI, sự bùng nổ logistics thương mại điện tử - bán lẻ và các vụ mua bán, sáp nhập trong ngành... Dựa trên những dự báo này chúng tôi sẽ có từng kế hoạch cụ thể để tận dụng cơ hội phát triển và hạn chế các rủi ro.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA sẽ mang đến nhiều cơ hội phát triển cho ngành logistics Việt Nam. Là thương hiệu mạnh trong ngành logistics, PDN đã có những chuẩn bị gì để tận dụng các cơ hội phát triển mới, thưa ông?

Về cơ sở vật chất, trong năm 2020, PDN tiến hành các thủ tục đấu thầu xây dựng thêm 01 bến tàu 30.000DWT (bến B5), mở rộng thêm 8,0ha bãi tại khu vực Cảng Gò Dầu, trong đó có 5,0ha bãi thuê liền kề tiếp giáp với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để đón đầu lượng hàng hóa cho những năm tới. Đồng thời, PDN xây dựng bến tàu 5.000DWT và triển khai lắp đặt thêm 2 cần cẩu Liebherr sức nâng 30 tấn ở khu vực Long Bình Tân phục vụ lượng hàng hóa các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP. HCM. Tính đến thời điểm hiện tại, Cảng Long Bình Tân có diện tích 178.000m2 gồm 03 cầu cảng với tổng chiều dài cầu 294m và khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 5.000DWT. Cảng Gò Dầu có diện tích 549.400m2, gồm 06 cầu cảng với tổng chiều dài cầu 782m và khả năng tiếp nhận tàu lớn nhất lên đến 30.000DWT.

Về nguồn nhân lực, tập thể Ban Lãnh đạo và nhân viên PDN luôn năng động, sáng tạo, tận tâm với mọi hoạt động trong Công ty. Đây chính là điểm mạnh, là “tài sản” lớn để PDN tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức vươn mình ra biển lớn, cùng khách hàng và đối tác hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai.

Xin cảm ơn ông!

Nguyên Bảo