Thị trường nội địa - Giải pháp giúp doanh nghiệp thoát khủng hoảng COVID-19
Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 08:52, 17/07/2020
Thị trường nội địa là giải pháp giúp doanh nghiệp đứng vững trong khó khăn sau dịch COVID-19.
Mảnh đất màu mỡ
Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6/2020 (tháng thứ 2), nền kinh tế ở trạng thái “bình thường mới”, đạt 431 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với tháng 5 và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 928,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 2.380 nghìn tỷ đồng, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.
Thực tế cho thấy, thị trường nội địa được nhận định là mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, do đó nhiều hoạt động kết nối cung cầu đã được nhiều doanh nghiệp triển khai. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Phương cho biết, thời gian qua, hàng loạt các hoạt động kết nối nông đặc sản đã được tổ chức tại chuỗi siêu thị Big C của Tập đoàn Central Retail. Nhờ đó, hệ thống siêu thị Big C kết nối được nhiều nhà cung cấp mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm hàng hóa đặc sản vùng miền ngày càng tăng cao của người tiêu dùng.
Mặt khác, tạo cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã kết nối với Big C để đưa các sản phẩm nông sản địa phương vào bày bán tại hệ thống siêu thị của Big C lâu dài và ổn định.
Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, thời gian qua Hapro đã tổ chức nhiều chương trình liên kết, đưa các đặc sản vùng miền vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart - Haprofood - Intimex
“Việc triển khai hệ thống phân phối, liên kết chuỗi với các nhà cung ứng sẽ tạo được thị trường ổn định, người dân bán được sản phẩm và người tiêu dùng mua được sản phẩm tốt, giá hợp lý, giảm bớt áp lực về tiêu thu nông sản xuất khẩu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp”, ông Sơn phân tích.
Nhằm kết nối cung cầu sau khi bỏ giãn cách xã hội, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã liên tục tổ chức các tuần hàng nông sản của các địa phương, qua đó đã kết nối được các nhà sản xuất, phân phối lại với nhau, đặc biệt là giới thiệu bán sản phẩm của các địa phương tới người dân Hà Nội.
Thực tế cho thấy, không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mới đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu qua đó khai thác thị trường nội địa mà các doanh nghiệp nước ngoài cũng mong muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Tại “Hội nghị kết nối cung cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2020” sau dịch COVID-19 do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức vừa qua, Phó Giám đốc Cơ quan Xúc tiến thương mại - đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Dong Chul và 50 doanh nghiệp Hàn Quốc tham dự hội nghị mong muốn xây dựng được mối liên kết tiêu thụ sản phẩm chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam, qua đó tăng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam tới thị trường Hàn Quốc và thế giới.
Việc các doanh nghiệp trong nước cũng như các tổ chức quốc tế cam kết hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ hàng hóa thời kỳ “hậu” COVID-19 là hành động thiết thực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng nội địa. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các tổ chức xúc tiến thương mại của nước ngoài tại Việt Nam gặp gỡ, kết nối tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa và xuất khẩu.
Mở rộng hệ thống phân phối
Thị trường nội địa không chỉ là giải pháp giúp doanh nghiệp đứng vững trong khó khăn sau dịch Covid-19, mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm, giành được lòng tin từ các "thượng đế", nắm được lợi thế cạnh tranh với các mặt hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này cần cơ quan quản lý đưa ra các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối, điều chỉnh mô hình kinh doanh trong bối cảnh môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi.
Thị trường nội địa là giải pháp giúp doanh nghiệp đứng vững trong khó khăn sau dịch COVID-19
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Hiện nay, dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt hơn, các hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại bình thường. Để thúc đẩy các hoạt động về thương mại nội khối, xúc tiến các hoạt động và kêu gọi đầu tư mới đầu tư vào Việt Nam thì việc tổ chức kết nối các hoạt động giao thương giải quyết doanh thu, hàng tồn kho cho các doanh nghiệp từ quý I/2020 là cần thiết.
Nói về việc nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hệ thống bán lẻ qua đó thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trên thị trường nội địa, chuyên gia ngành bán lẻ Vũ Vinh Phú cho rằng, muốn phục vụ việc kích cầu thị trường nội địa cần xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất, hệ thống phân phối quốc gia bao gồm các vùng sản xuất tập trung theo thế mạnh, trung tâm dự trữ hàng hóa, nhà máy chế biến, các dịch vụ logistics.
Đồng thời, thiết lập hệ thống các chợ đầu mối nhằm bảo đảm cho hàng hóa sản xuất ra được giao dịch một cách công khai minh bạch trên thị trường, bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đồng tình với ý kiến này, Tổng Giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn cũng kiến nghị, thời gian tới, những thủ tục hành chính thành lập doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các chuỗi bán lẻ cần phải thông thoáng, tốn ít chi phí và thời gian. Cơ quan quản lý cần làm tốt công tác kiểm soát thị trường, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế…