Gần 1 năm về tay Masan, VinMart giờ ra sao?
Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 09:17, 24/10/2020
Quầy hàng tươi sống được cho là “linh hồn” của VinMart giúp thu hút khách hàng, tăng doanh thu
Quầy hàng tươi sống được cho là “linh hồn” của VinMart giúp thu hút khách hàng, tăng doanh thu
Thay đổi từ nhân viên…
Hai năm làm việc tại cửa hàng VinMart+ tại T6, Khu đô thị Times city (Hai Bà Trưng, Hà Nội), cũng là thời gian nhân viên Lê Thị Thúy Nga chứng kiến bước chuyển giao “đổi chủ” hệ thống bán lẻ VinCommerce (VCM) của Vingroup về tay Masan.
Như thường lệ, ca làm việc sáng với Nga và 2 nhân viên khác bắt đầu từ 6h sáng có mặt tại cửa hàng, nhanh chóng lọc hàng trên kệ, phân loại hàng giảm giá… Mọi thứ vừa hoàn tất cũng là thời điểm xe chở nguồn hàng cung ứng tới, Nga thoăn thoắt bê đồ sắp đầy lên giá tinh tươm, gọn gàng, chỉn chu rồi quay ra lau dọn sàn. Tất cả đều phải xong trước 8h30.
“Quy trình làm việc vẫn giữ như cũ song phần việc nhiều hơn bởi sau khi về Masan, chủng loại hàng hóa đa dạng phong phú hơn, đặc biệt hàng tươi sống, thịt cá và thực phẩm chế biến sẵn, được tăng cường lên gấp đôi để phục vụ khách. Nhờ vậy doanh thu của cửa hàng cũng tăng lên gấp đôi”, Nga chia sẻ.
Trong khi diện tích sàn cửa hàng không thay đổi, các mã hàng lại tăng, nên những nhân viên như Nga phải để ý cách sắp xếp từng kệ hàng, không được để trống. Tăng lượng hàng đồng nghĩa tăng việc nhưng Nga lại tỏ ra hài lòng bởi chế độ tốt hơn; ngoài lương, phụ cấp, nếu đạt tiêu chí về doanh số sẽ được thưởng theo tháng.
“Khi dịch Covid-19 xảy ra, trong khi các cửa hàng khác đều cắt giảm nhân viên thì ở đây vẫn giữ nguyên, thậm chí bọn em còn được hỗ trợ bữa ăn hàng ngày”, Nga cho hay.
Tuy nhiên từ ngày Masan tiếp quản, nhân viên tại VinMart cũng cảm nhận rõ chế tài kỷ luật nghiêm hơn.
“Chỉ cần để lạc 1 gói bim bim hay sót 1 thanh socola hết date trên kệ, nhân viên phụ trách quầy sẽ bị lập biên bản; nhẹ thì phạt ngày lương, nặng thì phạt phụ cấp thu nhập cả tháng hoặc hạ chức. Cũng gần 1 năm nay, VinMart chú ý tới thái độ phục vụ. Do đó chỉ cần bị khách hàng gọi điện phản ánh, nhân viên sẽ nhận mức phạt từ 1 tháng lương cho tới đuổi việc...”, Nga chia sẻ.
Đa dạng nguồn hàng, chất lượng có đảm bảo?
Vừa lựa những quả na Thái căng mọng, nặng tới gần 1kg/quả tại quầy hoa quả của siêu thị VinMart Times city, bà Trần Thị Lựu (Minh Khai, Hai Bà Trưng) nói với người bạn bên cạnh: “Na này rẻ hơn bên ngoài 20 nghìn đồng/kg, không rõ có ngon không?”.
Theo bà Lựu, từ ngày gia đình con gái chuyển về đây, ngày nào bà cũng đi siêu thị, ăn ngày nào mua ngày đó cho tươi ngon.
“Thời gian qua, thấy cách bài trí tại VinMart thay đổi, lượng hàng hóa cũng dồi dào, phong phú, đặc biệt tại quầy rau củ, nguồn nhập nhiều hơn chứ không chỉ của VinEco như trước”, bà Lựu chia sẻ và băn khoăn: “Hàng nhiều mình cũng có thêm lựa chọn nhưng không rõ chất lượng có được đảm bảo hay không?”.
Câu hỏi của bà Lựu cũng là nỗi băn khoăn đối với rất nhiều khách hàng khi đi mua sắm tại VinMart hiện nay.
Chị Vũ Thị Minh Lý, Trưởng quầy hàng thực phẩm tươi sống VinMart Times city, cho hay, so với trước kia, các mặt hàng tươi sống tại VinMart được tăng cường hơn, đa dạng về chủng loại và số lượng hàng nhập tương đối lớn. Chẳng hạn trước đây, quầy rau củ chủ yếu có khoảng 30 loại thì nay được bổ sung thêm hàng chục loại rau xanh khác; các loại cá, thịt gà, thịt lợn… cũng được tăng cường, bổ sung vào danh mục.
“Sự vượt trội ở danh mục sản phẩm tươi sống là dấu ấn thu hút khách hàng của VinMart hiện nay. Với tiêu chí tươi, ngon, sạch, tiện lợi, song song với chiến lược giá luôn tốt, vấn đề đảm bảo chất lượng phải được đặt lên trên”, chị Lý chia sẻ và cho biết, hiện trung tâm kiểm nghiệm chất lượng được đặt ngay trong các siêu thị “kiểu mẫu” của VinMart nhằm rà soát, siết chặt chất lượng nguồn hàng nhập.
Theo chị Lý, so với trước đây, chương trình giảm giá tại VinMart không chỉ chạy vào dịp cuối tuần mà còn kéo dài theo chương trình 10 ngày/tháng.
Ngoài ra khoảng 2 tháng trở lại đây, VinMart cũng chạy chiến dịch “giá tốt” đảm bảo thấp hơn hoặc bằng so với thị trường. “Mỗi loại hàng chúng tôi lại có hình thức nhận diện riêng để khách hàng nhận biết và dễ so sánh”, chị Lý cho biết.
Thông thường mỗi siêu thị lớn như VinMart Times city hiện đang trưng bày khoảng 20 nghìn mặt hàng. Thời gian đầu, nhiều người cho rằng, một trong những mục tiêu khi Masan tiếp quản VinMart nhằm đẩy mạnh kênh phân phối sản phẩm của chính tập đoàn.
Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị Nhung, Trưởng bộ phận thu ngân và phục vụ khách hàng VinMart Times city lại khẳng định, tất cả các mặt hàng đều được “đối xử” bình đẳng như nhau. “Tất cả các nhà cung cấp nội địa đều có cơ hội giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối VinMart/VinMart+ nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng. Hàng hóa của Tập đoàn Masan cũng sẽ cạnh tranh công bằng với các nhà cung cấp khác”, chị Nhung khẳng định.
Thoát dần khỏi “bóng Vin”
Trước thời điểm Masan tiếp quản, chuỗi VinMart/VinMart+ đang bị thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng/năm, vậy nên không ít quan điểm cho rằng “ông chủ mới” khó có thể vực dậy hệ thống bán lẻ này. Tuy nhiên sau gần 1 năm, Masan đã trả lời bằng chính kết quả “lột xác” bất chấp dịch Covid-19 ập tới ngay sau khi chuyển giao.
Đại diện Masan cho biết: “Bằng việc địa phương hóa danh mục sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu của người tiêu dùng và xây dựng định vị thương hiệu, Masan đã phát triển mô hình bán lẻ thành công cho các tỉnh thành ngoài Hà Nội. Bên cạnh đó, chúng tôi quyết đóng cửa các cửa hàng không có khả năng hòa vốn hay không đạt chỉ tiêu lưu lượng khách hàng. Đồng thời, mở mới các siêu thị/cửa hàng tại các khu vực tiềm năng”.
Với chiến lược trên, 6 tháng đầu năm 2020, trong khi có 44 cửa hàng VinMart+ mới mở cửa thì số lượng dừng hoạt động lên tới 146 cửa hàng; 1 siêu thị VinMart mới hình thành thì có tới 4 siêu thị khác đóng cửa.
“Gần 80% các cửa hàng đóng cửa tại TP HCM và các thành phố cấp 2 có tỉ lệ doanh thu/m2 và biên lợi nhuận trước thuế thấp hơn nhiều so với mức yêu cầu để đạt điểm hòa vốn tại cửa hàng. Dó đó, ban điều hành đang phải điều chỉnh mô hình hoạt động và hình thức bày trí cửa hàng, đặc biệt là ở khu vực TP HCM để đạt kết quả kinh doanh tốt hơn”, vị đại diện cho hay.
Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2020, VCM đạt doanh thu hơn 15.800 tỷ đồng. Trong đó, quí I/2020, đạt hơn 8.700 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kì năm 2019. Quí II/2020, ghi nhận doanh thu 7.104 tỷ đồng, tương đương so với cùng kì năm trước trong bối cảnh cách li xã hội do dịch bệnh Covid-19.
Đáng nói, trong quí II/2020, doanh thu từ chuỗi siêu thị mini VinMart+ tăng 51,4%, chỉ số tăng trưởng doanh thu trên cùng cửa hàng là 3%.
Cũng trong nửa đầu năm, chuỗi VinMart+ tại Hà Nội bắt đầu có lãi. VCM hiện là nền tảng bán lẻ lớn nhất về số lượng điểm bán và chiếm gần 30% thị phần kênh bán lẻ hiện đại. Điều này càng khiến Masan kiên định chuỗi VinMart/VinMart+ trên đà đạt mục tiêu hòa vốn vào cuối năm 2020.
Lý giải về việc thành lập Công ty Cổ phần The CrownX (công ty hợp nhất Masan Consumer Holdings và VCM), đại diện Masan cho hay, quyết định này nhằm giúp tối ưu cả 2 mảng sản xuất và bán lẻ của tập đoàn.
“Khi Masan Consumer ra mắt sản phẩm mới, The CrownX ngay lập tức có thể thu thập ý kiến phản hồi của khách hàng thông qua hệ thống bán lẻ VinMart/VinMart+. Đối với VCM, việc gia nhập vào sản xuất sẽ giúp nền tảng phát triển nhãn riêng đáp ứng nhu cầu của nhà sản xuất và tạo lợi thế cạnh tranh so với các nhà bán lẻ khác. Mục tiêu, đến năm 2025, hệ sinh thái của The CrownX sẽ phục vụ hơn 30 triệu người tiêu dùng Việt Nam thông qua hệ thống hơn 30.000 điểm bán”, đại diện tập đoàn chia sẻ.