Truyền thông thương hiệu trên nền tảng số: Kể chuyện về thương hiệu là điều cốt yếu
Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 08:23, 15/05/2021
Tại Việt Nam, thương hiệu Biti’s đã rất quen thuộc với công chúng trong khoảng thời gian hơn 30 năm qua
Bitis’s
Tại Việt Nam, thương hiệu Biti’s đã rất quen thuộc với công chúng trong khoảng thời gian hơn 30 năm qua. Tái định vị thương hiệu và gắn liền với “câu chuyện cuộc đời”, Biti’s đã quay trở lại với hình ảnh thân thiện hơn, gần gũi hơn nhưng không kém phần cá tính khi hướng mục tiêu của mình về giới trẻ Việt.
Năm 2001, Biti’s đã từng gắn hình ảnh “dòng máu Lạc Hồng” vào bước chân thần tốc của thế hệ trẻ cho thiên niên kỷ mới nhưng bùng nổ nhất có lẽ phải nói đến năm 2016 với “Đi để trở về”. Câu chuyện Biti’s kể không giống với cách lan tỏa câu chuyện về tính thực của Airbnb, không giống với điều thần kỳ của LEGO, mà đó là đời thật, là những thứ chúng ta vẫn thấy hàng ngày nhưng thực ra chúng ta lại quên mất sự hiện diện. Không quan trọng là đi bao lâu, không quan trọng đi bao xa, không quan trọng là ai và như thế nào, sẽ luôn có nơi để trở về.
Năm 2021, Biti’s lần nữa tạo thêm sự chú ý khi mang đến những sản phẩm đậm chất Việt Nam, cộng tinh thần “tự hào Việt Nam” vào sản phẩm để tôn vinh những kỳ tích Việt Nam đã làm được trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Điều đáng nói ở đây là Biti’s đã gần như tận dụng triệt để mọi kênh tiếp cận khách hàng trên internet. Bước đầu tiên, Biti’s đã sử dụng các video ca nhạc với một tiếp cận mới: Sản phẩm không chỉ đơn thuần là “đặt vào trong MV” mà sản phẩm là “cảm hứng để tạo thành MV”. Cùng với sự tham gia của các sĩ nổi tiếng vào từng thời điểm như Soobin Hoàng Sơn (2016), Sơn Tùng (2017), Đen Vâu và Justa Tee (2021), Biti’s đã tạo nên sóng lớn trong cộng đồng mạng tại Việt Nam.
Và có lẽ đây là điểm tựa để làn sóng viral cho các MV của Biti’s tăng lên nhanh chóng và chiếm trọn spotlight của người dùng trên internet. Ví dụ, MV “Đi để trở về” (mùa 1) có tới hơn 80 triệu lượt xem trên youtube, “Đi về nhà” (2021) có tới 87 triệu lượt xem trên youtube. Có lẽ đến thời điểm hiện tại, chưa thương hiệu giày nào tại Việt Nam có thể có câu chuyện về “tình yêu, ý nghĩa cuộc sống” được nhắc đến nhiều hơn Biti’s.
Lego
Một trong những biểu tượng về xây dựng câu chuyện thương hiệu không thể không kể tới LEGO. Là một hãng sản xuất đồ chơi trẻ em có mức độ nhận biết thương hiệu rộng rãi trên toàn thế giới, LEGO đã xây dựng hàng ngàn câu chuyện về mình với một nội dung cốt lõi: “Điều thần kỳ đến từ những miếng ghép”. Đáng ngạc nhiên là dù khách hàng sử dụng sản phẩm của LEGO là trẻ em thì những câu chuyện về LEGO lại được tạo ra từ những người trưởng thành.
LEGO đã xây dựng hàng ngàn câu chuyện về mình với một nội dung cốt lõi: 'Điều thần kỳ đến từ những miếng ghép'
Một trong những câu chuyện đó là về David Aguilar, người đã chế tạo cánh tay giả bằng LEGO, một kỳ công đáng kinh ngạc của sự khéo léo và kỹ thuật. Aguilar đã có thể thực hiện động tác chống đẩy đầu tiên của mình với bộ phận giả và việc chia sẻ câu chuyện của anh ấy chắc chắn sẽ giúp truyền cảm hứng và thúc đẩy những người khác đạt được thành tích như anh ấy. Đó cũng là minh chứng cho sự trao quyền mà LEGO có thể cung cấp cho người dùng, những người có thể làm bất cứ điều gì họ muốn với sản phẩm LEGO (Branfton.com).
Airbnb
Trong vài năm vừa qua, Airbnb trở thành một thương hiệu và có thể là một lựa chọn tham khảo gần giống như Agoda cho khách du lịch trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, mô hình tựa như Airbnb có thể kể đến như Luxstay hay Urban Getaway. Airbnb là một sàn giao dịch thương mại điện tử mà tại đó một người có thể cho thuê nhà/phòng của họ, và khách du lịch có thể sử dụng website hoặc ứng dụng Airbnb để đặt thuê theo vị trí điểm đến.
Airbnb trở thành một thương hiệu và có thể là một lựa chọn tham khảo gần giống như Agoda cho khách du lịch trên toàn thế giới
Câu chuyện của Airbnb chính là câu chuyện của khách hàng. Airbnb tạo không gian trực tuyến để người cho thuê nói về những câu chuyện của họ và người thuê nói về những ấn tượng của họ. “Câu chuyện từ cộng đồng Airbnb” đã trở thành nguồn cảm hứng cho chiến dịch tái định vị thương hiệu để xây dựng nên những hình ảnh và đoạn phim ngắn về những người đã sử dụng dịch vụ của Airbnb. Điều này đã khiến cho Airbnb từ môi trường ảo thành cuộc sống thật với những trải nghiệm thật. Airbnb đã tạo nên một câu chuyện rõ ràng về những trải nghiệm du lịch “thực” với Airbnb. Bên cạnh đó, Airbnb thường xuyên lan tỏa các câu chuyện trên kênh youtube riêng với hơn 200 nghìn lượt theo dõi và xuất bản nội dung dưới dạng tạp chí để chi tiết hơn về những trải nghiệm của khách hàng với các điểm đến của Airbnb. Bài học từ Airbnb đó là câu chuyện về tính xác thực, về cách kể với hai câu hỏi lớn nhất “Ai kể và Kể về điều gì?”.