Cảng biển trước áp lực cạnh tranh chất lượng dịch vụ
Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 09:32, 05/06/2021
Cảng TCIT đã đầu tư các cẩu bờ hiện đại lớn nhất Việt Nam có tầm với 24 hàng container để nâng cao năng lực xếp dỡ
Chia sẻ nguồn hàng
Khi cảng Gemalink đi vào hoạt động, ngay lập tức 2 tuyến tàu mẹ đi Mỹ của hãng CMA-CGM lâu nay vẫn làm hàng tại cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) và 1 tuyến của cảng SSIT đã chuyển qua Gemalink. Bởi cảng này do hai tập đoàn lớn trong lĩnh vực hàng hải và khai thác cảng là Công ty CP Gemadept và Tập đoàn CMA-CGM góp vốn cùng đầu tư. Với những lợi thế như năng lực xếp dỡ lên đến 1,5 triệu TEUs/năm, chiều dài cầu bến 800m có thể tiếp nhận cùng lúc hai tàu mẹ, trọng tải 200 ngàn DWT. Cùng đó, Gemalink chú trọng đầu tư trang thiết bị và công nghệ hiện đại, trong đó dàn 6 cẩu STS và 18 cẩu E-RTG của Gemalink thuộc thế hệ tiên tiến hàng đầu thế giới. Đồng thời, đây là cảng nước sâu duy nhất khu vực CM-TV có bến chuyên dụng cho tàu feeder (tàu gom) và sà lan kết nối khu vực TP. HCM, Đồng bằng sông Cửu Long, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn và các nước trong khu vực như Philippines, Thái Lan, Campuchia…Tất cả những ưu thế đó đã giúp Gemalink có ưu thế hơn hẳn trong việc thu hút nguồn hàng về cảng so với các cảng khác.
Dự kiến trong năm 2021, Gemalink sẽ khai thác ít nhất 80% công suất thiết kế. Từ năm 2022, cảng phấn đấu khai thác hết công suất giai đoạn 1 là 1,5 triệu TEUs. Giai đoạn 2 của cảng dự kiến được triển khai vào cuối năm 2021, mở rộng với cầu tàu dài 1.500m, nâng trọng tải tàu cập cảng và có thể đón các con tàu lớn nhất thế giới trong tương lai gần với tải trọng lên đến 250 ngàn DWT. Khi đưa vào hoạt động toàn dự án, cảng có thể tiếp nhận đồng thời 3 tàu mẹ ra vào làm hàng, với công suất 2,4 triệu TEUs/năm.
Có nhiều ý kiến cho rằng, sự có mặt của “siêu cảng” Gemalink sẽ khiến các cảng khác phải cạnh tranh gay gắt để hút hàng. Đồng thời, các bến cảng container như TCIT, TCTT, SSIT, CMIT… có thể đối diện với nguy cơ “tuột tay” nhiều tuyến dịch vụ trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhận định về vấn đề này, ông Phạm Quốc Long, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Gemadept cho biết, theo tính toán, lượng hàng container thông qua khu vực CM-TV mỗi năm tăng từ 800 ngàn đến 1 triệu TEUS. Thực tế cho thấy, với đà này chỉ trong vòng 2 năm tới, công suất khai thác của cảng Gemalink 1,5 triệu TEUs sẽ được lấp đầy. Do đó, trong thời gian từ 1-2 năm tới, các cảng kế cận với chiều dài cầu bến, độ sâu luồng lạch thấp hơn có thể bị “tổn thương” về nguồn hàng. Nhưng khi Gemalink đạt công suất thiết kế, cơ hội về hàng hóa mới sẽ chia đều cho các bến cảng. “Hơn nữa năng lực, cầu bến của Gemalink có hạn. Trong khi các cảng hiện hữu đều có các đối tác nước ngoài, hãng tàu trong liên doanh nên các hãng tàu đang khai thác tại các bến trong cụm CM-TV khó chuyển sang Gemalink”, ông Phạm Quốc Long nói.
Tăng sức cạnh tranh
Trước xu hướng tất yếu của thị trường, thời gian qua các cảng container tại CM-TV đã không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư trang thiết bị mới, bảo đảm tăng năng lực để thu hút hãng tàu và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Ông Kurita, Tổng Giám đốc Cảng TCIT cho biết, hiện TCIT đã đầu tư các cẩu bờ hiện đại lớn nhất Việt Nam có tầm với 24 hàng container cùng với 22 chiếc cẩu bãi,10 xe đầu kéo và 2 xe nâng cùng nhiều trang thiết bị khác. Tới đây, TCIT sẽ tiếp tục trang bị thêm 3 cẩu bờ với kích thước lớn hơn để thay thế 3 cẩu bờ cỡ trung hiện tại. Với các trang thiết bị này, cảng có thể tiếp nhận các tàu trọng tải từ 20 ngàn TEUs, năng lực khai thác của cảng TCIT tới năm 2021 dự kiến sẽ tăng 1,5 lần so với năm 2020. Nhờ đó, năm 2020, năng suất xếp dỡ tàu của TCIT đạt 130 container/giờ, tăng 13% so với năm 2019; đạt kỷ lục xếp dỡ 207,4 container/giờ/tàu.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam Hồ Kim Lân, bến cảng Gemalink đưa vào khai thác nâng tổng công suất xếp dỡ container khu vực CM-TV lên 8,3 triệu TEUs. Như vậy, sản lượng thông qua 7,55 triệu TEUs năm 2020 đã đạt gần 91% công suất thiết kế các bến cảng. Với tốc độ phát triển 18% mỗi năm như hiện nay, chủ yếu là hàng đi tuyến xa, sử dụng tàu lớn, chỉ cần 3 năm nữa là lượng hàng qua cảng nước sâu CM-TV sẽ tăng gấp đôi. Nghĩa là, nguy cơ quá tải cung cầu cảng biển cho tàu lớn tại CM-TV đã hiển nhiên, cảng Gemalink đưa vào sử dụng cả hai giai đoạn cũng chỉ trụ thêm được vài năm nữa.
Cùng với việc đầu tư trang thiết bị, các DN triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách kinh doanh và tổ chức điều hành sản xuất, nâng cao chất lượng dịch vụ; nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng để rút ngắn thời gian giải phóng tàu, tiết kiệm chi phí. Từ những ngày đầu khai thác, với vị thế là một cảng nước sâu CMIT luôn một trong những cảng có năng suất xếp dỡ cao nhất trong cụm cảng CM-TV nói riêng và cả nước nói chung với năng suất trung bình trên mỗi cẩu là 32 container/ giờ. Với sản lượng trung bình của mỗi tàu từ 5.000 – 10.000 TEUs và có những tàu lên đến 12.000 TEUs. Ưu tiên hàng đầu của CMIT vẫn là khai thác tàu ở mức năng suất cao nhất để giải phóng tàu trong vòng 24- 50 giờ theo đúng tiến độ nhưng vẫn đảm bảo độ chính xác và an toàn cao nhất. Nhờ đó, năng lực khai thác của CMIT vẫn luôn duy trì ở mức ổn định suốt những năm qua mặc dù ngày càng có nhiều thử thách về thị trường.
Theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc cảng CMIT, mục tiêu của các cảng tại Cái Mép không phải là cạnh tranh với các cảng trong cụm hay trong nước mà là hướng tới mục tiêu lớn hơn là cạnh tranh với các cảng trong khu vực và thế giới. Cạnh tranh ở đây được hiểu là cạnh tranh bằng chất lượng, dịch vụ và giá cả. Hiện tại, năng suất xếp dỡ tại CMIT cao sánh ngang với các cảng trong khu vực và trên thế giới. Đây là một trong những lý do vì sao CMIT luôn được các hãng tàu tin tưởng lựa chọn làm nơi tiếp đón những con tàu container siêu lớn mà đại diện là tàu Margrethe Maersk đã cập cảng CMIT vào ngày 26/10/2020 với trọng tải 214,121 DWT – là tàu container lớn nhất từng cập cảng Việt Nam. Trên toàn thế giới, chỉ có khoảng 20 cảng có đủ năng lực để tiếp nhận tàu với kích cỡ này. “Đây cũng là lý do để từ đầu năm đến nay CMIT thu hút được thêm 2 tuyến tàu đi Mỹ”-ông Kỳ cho biết thêm.