Thaco đầu tư phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ
Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 10:31, 17/06/2021
Dây chuyền may áo ghế xuất khẩu (Ảnh: Thaco)
Nhà cung ứng đồng thời là nhà xuất khẩu
Tại Việt Nam, mỗi năm các doanh nghiệp phải bỏ ra hàng tỷ USD để nhập khẩu linh phụ kiện, khiến chi phí sản xuất trong nước cao hơn từ 10 - 20% so với khu vực, sản xuất bị động, tỷ lệ nội địa hóa thấp. Do đó, nhiều doanh nghiệp có xu hướng tìm kiếm nhà cung ứng đủ mạnh để chủ động nguồn linh kiện, gia tăng hàm lượng sản xuất trong nước theo chủ trương của Chính phủ.
Từ thực tiễn hoạt động sản xuất lắp ráp ô tô, đặc biệt là yêu cầu về nguồn linh kiện, gần 20 năm trước, Thaco Auto đã xây dựng chiến lược phát triển CNHT với quy mô lớn, đầu tư Khu công nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng lớn nhất Việt Nam tại Quảng Nam,hướng tới mục tiêu kép: gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, xuất khẩu ô tô và linh kiện phụ tùng. Đây là hướng đi phù hợp để phát triển CNHT một cách quy mô, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất linh phụ kiện ô tô, cơ khí cùng nhiều lĩnh vực khác. Điều này lý giải vì sao Thaco Auto thành công với hai “làn sóng ngược” là xuất khẩu ô tô trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp chuyển sang nhập khẩu; đồng thời xuất khẩu linh kiện phụ tùng.
Ngoài ra, doanh nghiệp đã liên doanh, liên kết với các nhà sản xuất trong và ngoài nước có công nghệ phù hợp để tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế; sản xuất và cung ứng linh kiện OEM. Với cách làm này, Thaco Auto vừa là nhà cung ứng, vừa là nhà xuất khẩu.
Muốn cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp FDI và cạnh tranh với các doanh nghiệp phụ trợ nước ngoài buộc sản phẩm phải có chất lượng và giá thành tốt. Do đó, việc đầu tư công nghệ rất quan trọng. Đây cũng là giải pháp được Thaco Auto ưu tiên hàng đầu. Riêng năm 2021, doanh nghiệp đã đầu tư các công nghệ mới với tổng giá trị hơn 300 tỷ đồng, bao gồmnâng cấp công nghệ ép phun nhựa, thổi nhựa với các máy ép từ 100 - 2000 tấn, máy thổi nhựa 2500ml và 10 - 30l, đầu tư công nghệ định hình nhiệt khuôn kín SMC, máy ép thuỷ lực 400 tấn...; đồng thời xây dựng hệ thống sản xuất trên nền tảng số hóa.
Mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu
Việc đầu tư phát triển CNHT đã đem đến những thành công nhất định khi đến nay, Thaco Auto đã chủ động trong sản xuất lắp ráp ô tô, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa (các dòng xe do doanh nghiệp sản xuất hiện có tỷ lệ nội địa hóa từ 20 - 60%, cao nhất Việt Nam hiện nay); đồng thời tạo tiền đề để phát triển các lĩnh vực như cơ khí, nông nghiệp và các ngành nghề khác. Quá trình đầu tư của Thaco Auto đã góp phần gia tăng giá trị sản xuất trong nước, từng bước giảm nhập siêu, cân bằng cán cân thương mại.
Dây chuyền lắp ráp dây điện ô tô (Ảnh: Thaco)
Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam với mục tiêu phục vụ thị trường trong nước, xuất khẩu sang khu vực từng bước được hiện thực hóa. Là đối tác sản xuất, lắp ráp ô tô của các thương hiệu quốc tế, Thaco Auto nắm rõ yêu cầu, quy trình sản xuất linh kiện theo tiêu chuẩn toàn cầu, trên cơ sở đó xây dựng lộ trình nội địa hóa phù hợp với tiêu chuẩn của các hãng xe. Thaco Auto đã cung ứng linh kiện (kính xe tải, xe bus, cản xe, nhíp, tappi sàn, la phông trần, sơn linh kiện nhựa xe máy…) theo hình thức OEM cho nhiều hãng ô tô và xe máy tại Việt Nam. Dự kiến năm 2021, doanh thu linh kiện phụ tùng trong nước của Thaco Auto tăng gấp 3 lần so với năm 2020.
Năm 2021, Thaco Auto đặt mục tiêu gia tăng doanh thu xuất khẩu linh kiện phụ tùng dự kiến 25 triệu USD; đồng thời mở rộng chủng loại, xuất khẩu thêm nhiều sản phẩm mới như kính xe bus, ốp thông gió xe bán tải, thùng tải lửng, nắp che bồn CNG… sang Hàn Quốc, Úc, Lào.