VnTPA - Những giải pháp để phát triển bất động sản du lịch Việt Nam

Bất động sản - Ngày đăng : 10:53, 13/04/2022

(VLR) Hội Bất động sản Du lịch Việt Nam (VnTPA) vừa tổ chức Hội nghị Ban chấp hành VnTPA mở rộng nhằm đưa ra các giải pháp mới và chương trình hành động mới để phát triển bất động sản du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới.

Các đại biểu dự Hội nghị Ban chấp hành VnTPA mở rộng

Các đại biểu dự Hội nghị Ban chấp hành VnTPA mở rộng

Tại hội nghị, ông Bùi Ngọc Sương – Chủ tịch VnTPA cho biết “ Hội sẽ thành lập các câu lạc bộ (CLB) golf, CLB Bất động sản Du lịch ở các tỉnh thành, CLB Môi giới Bất động sản Du lịch, CLB các nhà đầu tư nước ngoài và các CLB chuyên ngành thuộc lĩnh vực bất động sản du lịch để tập hợp nhiều nhất những cá nhân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản du lịch (BĐSDL) Việt Nam”.

Việt Nam có hơn 100.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐSDL bao gồm khách sạn, resort, trung tâm giải trí du lịch, nhà hàng, quán bar…. Đây là ngành có mức thu nhập bình quân cao so với các ngành khác với hơn 4 triệu lao động tham gia nên có tiềm năng phát triển lớn, ông Thân Thành Vũ – Phó Chủ tịch VnTPA cho biết.

Cũng xuất phát từ tiềm năng phát triển trên và với mong muốn mang lại nhiều quyền lợi hơn cho hội viên. VnTPA dự kiến phát hành Thẻ hội viên VnTPA Pass. Những lợi ích của doanh nghiệp khi tham gia bao gồm: Tiếp cận cộng đồng khách hàng lớn; Mở rộng thị trường cung cấp sản phẩm và dịch vụ của mình; Xây dựng hình ảnh thương hiệu; Kết nối đầu tư.

Còn đứng về góc nhìn của doanh nghiệp, ông Trần Kim Chung – Chủ tịch Tập đoàn CT Group cũng có những đóng góp giúp phát triển bất động sản du lịch Viêt Nam trong giai đoạn mới như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông qua việc sử dụng Metaverse và phát triển đồng tiền số dành riêng cho BĐSDL. Những ứng dụng này sẽ giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư tăng cường tính thanh khoản, giúp giảm bớt được sự yếu kém của dịch vụ, hạn chế được các rủi ro do chiến tranh, dịch bệnh và các yếu tố địa chính trị.

“ Ngành du lịch Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển, trong đó tiềm năng to lớn về tài nguyên thiên nhiên, thắng cảnh thiên nhiên, di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được thế giới công nhận. Đồng thời, các ngành dịch vụ phục vụ cho du lịch cũng được nhà nước quan tâm, hỗ trợ, đầu tư cho ngành du lịch phát triển thuận lợi. Những lợi thế trên giúp du lịch luôn là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn để mang về nguồn lợi khổng lồ cho đất nước hàng năm.

Nhiều chính sách phát triển về du lịch được Đảng và Nhà nước ban hành, trong đó có rất nhiều chính sách đưa ra nhằm khuyến khích đầu tư, phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế đến tham quan và nghỉ dưỡng.

Thông qua cách làm của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, chúng ta chỉ cần tổ chức mở rộng nhiều hoạt động truyền bá toàn ngành, toàn dân cùng làm để các ban ngành đoàn thể từ trung ương đến địa phương có sự điều chỉnh cách xây dựng và kế hoạch mang yếu tố nâng đỡ, giúp đỡ cho du lịch. Trong đó, vai trò của ngành giao thông, người làm văn hóa, nghề truyền thống, cơ sở lưu trú, thiết kế đô thị, ẩm thực, nghệ thuật…giữ nhiệm vụ và trọng trách không nhỏ “. Bà Lưu Thị Thanh Mẫu – CEO Xanh Phúc Khang Corporation chia sẻ tại Hội nghị của VnTPA.

Tuấn Anh