Khám phá miền biên viễn Cao Bằng
Văn hóa - Ngày đăng : 14:54, 26/11/2018
Với địa hình miền núi, giao thông không thuận lợi, nhưng chính vẻ đẹp tự nhiên và các nét văn hóa đặc trưng của vùng đất này làm cho Cao Bằng mang vẻ độc đáo riêng, thu hút bước chân du khách tìm kiếm, trải nghiệm những điều mới lạ.
Cao Bằng có cảnh quan đẹp như cổ tích với những đỉnh núi đá vôi hình nón, những thung lũng đẹp một cách ma mị trong sương sớm. Các cao nguyên đá vôi xen kẽ với các ngọn núi có độ cao trung bình trên 200m. Nằm ở phía Bắc, đồng thời chịu ảnh hưởng của gió lạnh từ phía Bắc thổi xuống mà Cao Bằng có khí hậu mát mẻ hơn so với các vùng khác của Việt Nam. Nơi đây có khí hậu ôn hòa mát mẻ suốt bốn mùa. Đặc biệt, vào mùa đông (khoảng tháng 12 đến tháng 2) nhiệt độ xuống thấp từ 5°C - 8°C. Tại một số đỉnh núi cao hơn thậm chí có thể nhìn thấy tuyết rơi trong các đợt rét lạnh.
Cao Bằng là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa đa dạng của đông đảo các dân tộc anh em cùng chung sống, có tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch. Với dân số khoảng trên 500 ngàn người, với hơn 95% đồng bào dân tộc cùng sinh sống, trong đó chiếm tỷ lệ lớn là dân tộc Tày, Nùng, Dao và H’Mông. Mỗi dân tộc lại có nét văn hóa riêng mang đậm bản sắc với các lễ hội đặc trưng như lễ hội Pháo hoa, Nàng Hai, Hội Kỳ sầm,...
Hệ thống di tích lịch sử cách mạng và các danh lam thắng cảnh của tỉnh được giữ gìn, tôn tạo. Các giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật, dân ca, dân nhạc, dân vũ, dân gian truyền thống được nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục và phát huy giá trị. Hiện nay, toàn tỉnh có 215 di tích, trong đó có 02 di tích Quốc gia đặc biệt, 28 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 65 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Tiêu biểu phải kể đến khu di tích quốc gia Pác Bó, nơi gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam; Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, nơi thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam; Khu di tích chiến thắng Đông Khê, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan sát trực tiếp, chỉ huy chiến dịch Biên Giới năm 1950; Ngoài ra còn có các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu khác như thành nhà Mạc, đền Vua Lê,...
Bên cạnh đó, những danh lam thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ là điểm đến lý tưởng cho hành trình khám phá Cao Bằng. Thác Bản Giốc được ghi nhận là thác lớn thứ 4 trên thế giới trong các thác nước nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia. Thác Bản Giốc nằm cách thị xã Cao Bằng 80km về phía Bắc, nằm trên biên giới giáp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thác Bản Giốc rộng hơn 200m, thác nước đổ từ độ cao 70m, qua ba tầng khác nhau. Dưới ánh nắng mặt trời, khách tham quan có thể chứng kiến thác nước bảy màu. Màu của thác nước sẽ thay đổi mỗi ngày tùy thuộc vào thời tiết của vùng. Khách du lịch có thể đi trên thuyền (bè tre) và ngắm thác nước từ khoảng cách gần, chứng kiến một cảnh tượng thiên nhiên đẹp hiếm có. Từ thác Bản Giốc, đi khoảng 4km, du khách có thể đến thăm một trong những hệ thống hang động đặc sắc nhất Việt Nam – hệ thống hang động Ngườm Ngao. Nơi đây có một hệ thống nhũ đá và măng đá tạo nên những khung cảnh thật sinh động, kỳ thú. Vô vàn nhũ đá mọc từ dưới lên, từ trên các vòm đá cao rủ xuống với nhiều hình dạng, phản chiếu ánh sáng lung linh, huyền ảo. Đưa mắt nhìn bốn phía lên trên vách đá vôi, du khách sẽ bắt gặp rất nhiều hình ảnh kỳ thú giống như cây tơ hồng, bầu sữa mẹ, con cóc thần, cây đàn đá... Và càng không thể bỏ qua những điểm nhấn nổi bật nhất của Ngườm Ngao là cây san hô và con tàu, thác vàng, thác bạc, đài sen úp ngược, cột đá cô đơn... Tất cả những cảnh vật trên đều do bàn tay thiên nhiên tạo ra. Ngoài những danh lam thắng cảnh đặc sắc kể trên, Cao Bằng còn có những địa danh đáng chú ý khác như Động Hang Dơi (huyện Hạ Lang), Hồ Thang Hen (huyện Trà Lĩnh), suối Lê Nin, hang Cốc Bó (huyện Hà Quảng),...
Sở hữu điều kiện, tiềm năng, lợi thế trên, Cao Bằng là nơi hội tụ nhiều yếu tố đặc trưng, thế mạnh để phát triển du lịch bền vững. Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, Cao Bằng đã đẩy mạnh khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch gắn với các di tích lịch sử văn hóa như: di tích Pác Bó, lễ hội Lồng tồng, Hội Thanh minh...; du lịch sinh thái thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao; du lịch nghỉ dưỡng Phia Oắc - Phia Đén, khu nghỉ dưỡng cao cấp Sài Gòn Bản Giốc.
Những năm qua, hệ thống giao thông đến các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh được đầu tư khang trang, thuận tiện cho việc đi lại của du khách. Đồng thời, công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, quy hoạch xây dựng các khu, điểm du lịch trọng điểm cũng được đầu tư, số lượng khách du lịch đến Cao Bằng tăng cao, góp phần không nhỏ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.