Sẽ có những tác phẩm xứng tầm về Quảng Ngãi

Văn hóa - Ngày đăng : 22:13, 07/05/2020

(VLR) Nguyễn Quang Long là một trong những cái tên không quá xa lạ với khán giả yêu nghệ thuật truyền thống nói chung, yêu hát xẩm nói riêng. Trong gần 20 năm qua anh đã cùng những cộng sự nỗ lực phục hồi và đưa nghệ thuật hát xẩm trở lại và quen thuộc với công chúng.

Vốn sinh ra ở quê hương Kinh Bắc gắn với những câu hát quan họ, rồi duyên nợ đã đưa Quang Long theo học ngành thanh nhạc, lý luận âm nhạc ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nên ở Nguyễn Quang Long đã hội tụ hai con người, một nhà nghiên cứu lý luận và một nghệ sĩ biểu diễn. Vì vậy, trong suốt quá trình phục hồi, lưu giữ và truyền bá nghệ thuật hát xẩm, Nguyễn Quang Long vừa ở vai trò một nhà nghiên cứu vừa trực tiếp hát những câu xẩm. Album “Xẩm Hà Nội” được NXB Âm nhạc phát hành đầu năm 2016 là thành quả đầu tiên của công cuộc phục hồi nghệ thuật này. Sau đó, Nguyễn Quang Long cùng với các nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, Khương Cường, Phạm Đình Dũng, Nguyễn Quang Long thành lập nhóm Xẩm Hà Thành với mong muốn góp phần tái hiện lại một nét đẹp của Hà Thành 36 phố phường xưa kia và thổi thêm sức sống mới để nét đẹp ấy được nối dài theo hơi thở của thời đại. Cũng từ đây, nhiều bài xẩm do Nguyễn Quang Long sáng tác đã ra đời và được công chúng đón nhận. Chẳng hạn những bài xẩm mang tính thời sự như: Xẩm Trà đá, Xẩm sai Tiễu trừ cướp biển, Xẩm Đường lưỡi bò, Xẩm Cá chết… hay những bài xẩm trữ tình tôn vinh nét đẹp của Hà Nội và tình yêu như Bốn mùa hoa Hà Nội, Tứ vị Hà thành…

Album thứ hai “Trách ông Nguyệt Lão” được giới thiệu đúng những ngày tháng cuối cùng của năm 2019 mang ý nghĩa đặc biệt đối với Nguyễn Quang Long đó là ghi dấu ấn hành trình 25 năm đi theo âm nhạc chuyên nghiệp, 20 năm theo nghiệp nghiên cứu, lý luận âm nhạc. Nói về “Trách ông Nguyệt Lão”, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long chia sẻ, anh vốn quê hương Kinh Bắc lại có thời gian dài sống trong

Tôi tin rằng, từ những giá trị truyền thống, đan xen với những phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội trong giai đoạn hiện nay sẽ là nguồn đề tài hay, gợi nguồn cảm hứng cho các nhạc sĩ cả nước sáng tác để trong thời gian tới, thông qua cuộc thi này, Quảng Ngãi sẽ có thêm nhiều tác phẩm hay, xứng tầm với thời đại.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long

quan họ, tìm hiểu những điều thú vị từ quan họ, ở đó bắt gặp nhiều câu chuyện tình đượm buồn mà không bi lụy, lại rất đẹp. Đó là sự khát khao một tình yêu, đã được gặp ở đời nhưng chưa có duyên đến với nhau, để rồi người trong cuộc mượn cớ trách móc ông Nguyệt Lão không se duyên để thể hiện tình yêu của mình dành cho người trong mộng. Cũng từ đấy, một ngày Nguyễn Quang Long nghĩ tại sao xẩm lại không có bài nào nói về câu chuyện tình đẹp này. Và thế là không lâu sau đó, “Trách ông Nguyệt Lão” ra đời. Khi trở thành một MV, đạo diễn Nguyễn Nhật Giang đã xây dựng thành câu chuyện của một chàng nhiếp ảnh gia Hà Nội điển trai phải lòng chị hai quan họ duyên dáng sau một lần lạc bước vào xứ Kinh Bắc. Để rồi, chàng trai mơ lại những hình ảnh đó, chàng tìm về Kinh Bắc thì được biết cô gái đã ra Hà Nội. Chàng tiếp tục tìm nhưng không thấy cô gái trong mộng của mình đâu. Thứ duy nhất kết nối chàng với xứ Kinh Bắc ấy là gặp lại nhóm xẩm chàng đã gặp ở hội xuân Kinh Bắc tại đất kinh kỳ Hà Nội...

Cũng theo dòng thời sự, vừa qua trong đợt dịch COVID-19, Nguyễn Quang Long và nhóm Xẩm Hà Thành vừa cho ra mắt tác phẩm “Tiễu trừ Corona”, góp thêm tiếng nói của âm nhạc cổ truyền dân tộc trong cuộc chiến chống loại virus nguy hiểm đang hoành hành và gây xáo trộn trên phạm vi toàn cầu này. Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long chia sẻ, trong những ngày cam go, lo lắng, bài xẩm có pha chút hài hước khi có lời khá dí dỏm ngay ở những ngày đầu như “corona xa ta ra” được khai thác vào trong tác phẩm, lại được sử dụng như một chất liệt chính hát tốp ca lặp đi lặp lại liên tục trong tác phẩm tạo sự gắn kết giữa hai phần nội dung mà hai giọng hát chính đảm nhận. “Điệu sai” là âm hưởng chính của bài xẩm này dù nó vốn không phải điệu xẩm chính tông mà là được các nghệ nhân khai thác làm phong phú thêm cho âm nhạc của nghệ thuật hát xẩm. Dẫu được khai thác từ lâu nhưng rất ít được sử dụng, nhưng khi được sử dụng lại cho ra những bài xẩm hết sức độc đáo. Chẳng hạn như cố nghệ nhân Hà Thị Cầu từng hát bài xẩm “Thuốc phiện” bằng “điệu sai” để dóng lên hồi chuông về chuyện này. Tuy nhiên, thường gặp nhất là “điệu sai” được vận dụng để truyền tải các vấn đề lớn của dân tộc. Chẳng hạn như tuyên truyền ủng hộ phong trào Bình dân học vụ do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động năm 1945, nghệ nhân Vũ Đức Sắc đã sáng tác bài “Tiễu trừ giặc dốt”.

Trong suốt quá trình phục hồi, lưu giữ và truyền bá nghệ thuật hát xẩm, Nguyễn Quang Long vừa ở vai trò một nhà nghiên cứu vừa trực tiếp hát những câu xẩm…

Tác phẩm “Tiễu trừ Corona” có lời khá giản dị: “Không nên đi lại, tụ tập đông người, có việc quan trọng, rời nhà bước ra, cách xa hai mét”… Tất cả những chất liệu âm nhạc cũng như lời ca, hay câu “trend” được sử dụng hoàn toàn có chủ đích và chủ đích này chỉ nhằm hướng tới nội dung đề cao cách mà chúng ta đã và đang làm để phòng chống dịch bệnh. Những thành quả đạt được không phải là ngẫu nhiên mà nhờ sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống từ nhà chức trách đến nhân dân: “Chính quyền kiên quyết/ Y tế tiên phong/ Truyền thông nối cánh/ Tin nhanh đến muôn nhà” hay “Doanh nhân chung sức/ Nghệ sĩ chung tay/ Nhân dân cùng góp/ Cảnh giác nêu cao/ Phòng dịch khắp nơi nơi/ Corona mà thò ra/ Là ta cùng diệt hết” và còn nữa lời dặn của cha ông ta “Thương lấy bí cùng, bầu ơi thương lấy bí cùng, nét đẹp ghi nhớ dang tay đón kiều bào, ấy là hay nhất”… Đạo diễn Nguyễn Nhật Giang cho biết: “Chúng tôi dựng bài xẩm này hết sức đơn giản, nhanh nhất có thể để kịp thời góp phần cổ vũ cuộc chiến chống dịch đồng thời nâng cao ý thức của cộng đồng nhưng việc lấy hình ảnh nền là mái đình truyền thống làng Việt cũng là ý đồ của nhóm, bởi lẽ đình là một thiết chế xã hội xưa đại diện cho văn hóa làng xã, cho nhân dân, và cuộc chiến chống dịch này không chỉ của riêng chính quyền, ngành y tế mà là của toàn dân”. Tác giả Nguyễn Quang Long cho biết thêm: “Không phải ngẫu nhiên xuất hiện tốp hát phụ họa trong bài xẩm, đó chính là đại diện cho quần chúng nhân dân, nói lên tiếng nói và thể hiện sự chung sức chung lòng cùng đất nước đẩy lùi dịch bệnh”.

Nguyễn Quang Long chia sẻ rằng, anh luôn khao khát được cống hiến cho niềm đam mê lớn của mình đó là âm nhạc, đặc biệt là lĩnh vực âm nhạc truyền thống. Mới đây, anh là một trong những người cũng nhiệt tình tham gia trong đợt vận động sáng tác ca khúc về quê hương Quảng Ngãi do Tạp chí Vietnam Logistics Review tổ chức. Anh chia sẻ, người Việt Nam chúng ta, những ai yêu ca hát, chẳng mấy ai không thuộc những câu ca: “Ta nhớ quê ta có núi Ấn, có sông Trà...” những câu hát trong bài “Nhớ đàn xe nước” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, một trong những ca khúc có thể được xếp hàng kinh điển của nền âm nhạc mới Việt Nam. Cùng với núi Ấn tên gọi đầy đủ là núi Thiên Ấn, sông Trà là Trà Khúc, Quảng Ngãi còn nhiều địa danh “thiêng” như đảo Lý Sơn với truyền thống về hải đội Hoàng Sa, hay vùng đất nổi tiếng từng là căn cứ địa cách mạng Sơn Tịnh, với cuộc khởi nghĩa Ba Tơ... Không chỉ có vậy, Quảng Ngãi còn là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, bên cạnh Bài Chòi là một đặc sản của vùng đất Nam Trung bộ mà Quảng Ngãi, Bình Định và Quảng Nam được coi là cái nôi, giới văn học nghệ thuật còn quan tâm đến nghệ thuật chèo Bả Trạo đặc sắc. Chèo Bả Trạo là loại hình nghệ thuật không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cư dân miền biển Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ. Hay những lễ hội “xông biển” đầu năm mới cầu mưa thuận gió hòa, vụ mùa khai thác thủy sản bội thu… Biết kể thế nào cho hết những cái hay cái đẹp của đất và người Quảng Ngãi, người dân trung hiếu mà chất phác, mộc mạc, gần gũi; miền quê giàu truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm; miền đất giàu bản sắc văn hóa được sinh ra gắn liền với tình yêu vùng đất con người. Cùng với thời gian, Quảng Ngãi đang ngày càng phát triển, những tác phẩm âm nhạc cả âm nhạc mới và cổ truyền dân tộc vẫn đang hiện hữu và còn vẹn nguyên giá trị với người dân Quảng Ngãi cũng như cả nước, song, vẫn cần lắm một lượng tác phẩm mới, thể hiện đúng vị trí, tầm vóc và khát vọng mang tính thời đại của Quảng Ngãi hòa vào khát vọng vươn ra biển lớn của đất nước Việt Nam. Tôi tin rằng, từ những giá trị truyền thống, đan xen với những phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội trong giai đoạn hiện nay sẽ là nguồn đề tài hay, gợi nguồn cảm hứng cho các nhạc sĩ cả nước sáng tác để trong thời gian tới, thông qua cuộc thi này, Quảng Ngãi sẽ có thêm nhiều tác phẩm hay, xứng tầm với thời đại.

Trần Hoàng Thiên Kim