Đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến “thời COVID-19”

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 23:25, 21/04/2020

(VLR) Trong thời điểm dịch COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, người tiêu dùng hạn chế tối đa việc mua sắm, giao dịch trực tiếp tại siêu thị, cửa hàng hay đi chợ,… thay vào đó, nhu cầu sử dụng các trang thương mại điện tử, các dịch vụ mua sắm trực tuyến tăng đáng kể do sự tiện lợi của nó đem lại.

Thói quen tiêu dùng thay đổi

Hạn chế ra ngoài, tránh tiếp xúc với người lạ, hạn chế trao trả tiền mặt… đó là những lời khuyên từ các chuyên gia y tế nhằm ngăn ngừa dịch bệnh truyền nhiễm nói chung, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19. Thực hiện chỉ dẫn này, thói quen mua sắm trực tiếp qua hệ thống siêu thị, chợ truyền thống, trung tâm thương mại của người dân giảm rất nhiều.

Theo báo cáo của Nielsen và Infocus, do sự lây lan nhanh chóng dịch COVID-19 dẫn đến thói quen sinh hoạt và tiêu dùng bị tác động đáng kể. Những cửa hàng hiện hữu bị tác động mạnh, với 50% người dân đã giảm tần suất ghé thăm các siêu thị, cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống. Ngoài ra, 25% số người được hỏi cho biết đã tăng cường mua sắm trực tuyến và giảm các hoạt động mua sắm bên ngoài.

Bà Mai Lan Vân, Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần VinID nhận định: “Số lượng người mua sắm trực tuyến trên VinID trong mùa dịch đã tăng gấp ba lần so với bình thường. Có giai đoạn tính năng Scan & Go (tính năng quét mã mua hàng tại các siêu thị VinMart, VinMart+) còn tăng gấp 15 lần”. Như vậy có thể thấy, nhu cầu và thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng nhờ những tiện ích mà mua sắm trực tuyến đem lại.

Thực tế, tư duy mua sắm của người dân đang có những chuyển biến theo hướng tích cực, không chỉ đem lại sự thuận tiện, văn minh, minh bạch thị trường, phù hợp với xu hướng phát triển của toàn cầu, mà còn tạo động lực thúc đẩy cho các loại hình dịch vụ mới có liên quan về tài chính, giao nhận vận chuyển, trao đổi thương mại của các nhà phân phối, các nhà cung cấp nền tảng công nghệ… phát triển.

Đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến

Xu hướng tiêu dùng, mua sắm tại các kênh bán lẻ hiện đại tại thành phố đang ngày càng mở rộng và phát triển, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì thế, khách mua hàng nên thận trọng khi chọn lựa sản phẩm, nên chọn những website bán hàng tin cậy để tránh rủi ro không đáng có. Nhất là khi mới đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt sản phẩm giả, kém chất lượng phục vụ phòng chống dịch COVID-19 được rao bán trên các sàn thương mại điện tử.

Sở Công Thương TP. HCM khuyến cáo

Dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều lĩnh vực kinh tế, kể cả lĩnh vực bán lẻ truyền thống, nhưng đây lại được cho là cơ hội ngắn hạn cho thương mại điện tử. Do tâm lý ngại ra ngoài đi chợ, mua hàng vì sợ lây nhiễm bệnh, nhiều người dân đã lựa chọn mua các sản phẩm thiết yếu, các vật dụng y tế qua mạng internet, vì thế hoạt động thương mại điện tử gần đây khá sôi nổi. Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ cũng nhanh chóng thích nghi với tình hình hiện tại, đẩy mạnh các sản phẩm trực tuyến sẵn có.

Theo Saigon Co.op, nhằm phục vụ cho nhu cầu mua sắm của khách hàng, hạn chế tụ tập đông người ở một địa điểm, Saigon Co.op tăng cường dịch vụ bán hàng tận nhà. Cụ thể, hơn 800 điểm bán của Saigon Co.op sẽ tăng cường đặt hàng và giao hàng qua điện thoại kể từ ngày 16/3. Nhân viên siêu thị sẽ gửi đến tận nhà khách hàng phiếu đặt hàng, khách hàng chỉ cần chọn lựa theo danh mục này và liên hệ siêu thị theo số điện thoại trên phiếu đặt hàng, hàng sẽ được đưa tới tận nhà.

Đại diện Lotte Mart cũng cho biết hệ thống SpeedL đang tập trung mở rộng mua sắm online trong mùa cao điểm. Số lượng đơn hàng của sàn này tăng 150% - 200% so với ngày thường từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, nguồn hàng hệ thống siêu thị Lotte Mart phân bổ cho trang online tăng gấp đôi. Nhà bán lẻ cũng phải cắt cử thêm nhân sự lo bán online.

Các ứng dụng giao hàng trực tuyến, như Be, Grab,… cũng đã kết hợp với các siêu thị, các nhà bán lẻ nhằm thực hiện dịch vụ đi chợ hộ, giao hàng tận nhà. Khách hàng khi đặt hàng qua các ứng dụng ngoài việc được giao hàng tận nhà, còn nhận được nhiều ưu đãi, khuyến mãi lên tới 30% - 50%, mua hàng với giá rẻ hơn do sự cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ.

Bên cạnh đó, sàn thương mại điện tử Lazada vừa cho ra mắt dịch vụ nổi bật là Điểm lấy hàng tự động qua tủ khóa thông minh (Smart locker). Đây có thể coi là giải pháp “giao hàng không tiếp xúc” giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus. Ngoài ra, sàn giao dịch này cũng đẩy nhanh tốc độ giao hàng qua các sáng kiến mới, ví dụ dịch vụ chuyển phát P2P (Point-to-Point) trong hai giờ với các đối tác chọn lọc tại TP. HCM và Hà Nội.

Nhiều thương hiệu tiến hành đưa các sản phẩm truyền thống trước giờ chỉ giao dịch trực tiếp lên sàn thương mại điện tử, đơn cử như sản phẩm bảo hiểm. Tiki là đơn vị tiên phong hợp tác với các đơn vị bảo hiểm để bán sản phẩm qua sàn thương mại điện tử.

Quang Anh