Quảng Ngãi say lòng người bởi vẻ hoang sơ

Văn hóa - Ngày đăng : 21:48, 02/05/2020

(VLR) Theo câu hát “Tình em xứ Quảng” của Nhạc sĩ Trần Ngọc, chúng tôi rủ nhau về miến đất ấy để tận mắt thấy vẻ đẹp của những cô gái xứ chùa Cầu này, cũng để là chiêm ngưỡng “những bãi cát dài trắng xóa, màu xanh của dòng nước Hàn Giang,...”

Xứ Quảng - địa danh gọi chung của tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, một rẻo đất - một tiểu vùng văn hóa độc đáo của miền Nam Trung Bộ. Quảng Nam có lẽ được người ta biết đến nhiều với sông Thu Bồn, với cửa Đại, với Chùa Cầu,... Còn Quảng Ngãi - một vùng địa hình núi thấp, xen với thung lũng giáp đỉnh núi Đá Vách, Làng Rầm, có một vùng đồng bằng nhỏ và cồn cát ven biển, vùng đồng bằng ấy được tưới tắm bởi con sông Vệ, sông Trà Bồng, Trà Khúc,... có lẽ ít được biết đến hơn. Nhưng một lần đến đó, khiến chúng tôi không thể quên vì vẻ đẹp hoang sơ và tình người nồng hậu nơi đây.

Tổ đình Thiên Ấn

Tổ Đình Thiên Ấn hay còn gọi là chùa Thiên Ấn, từ thành phố Quảng Ngãi có thể nhìn thấy được ngọn núi này. Chúng tôi mất 15 phút đi xe, ngang qua dòng sông Trà Khúc. Núi Ấn - Sông Trà vốn là biểu tượng độc đáo không thể không nhắc đến ở vùng đất này.

Núi Thiên Ấn nằm phía tả ngạn con sông Trà Khúc, chúng tôi đi con đường men theo triền núi, xoắn ốc, đường không dốc, hai bên cây cối rậm rạp, mát mẻ. Còn một con đường tắt, những bậc tam cấp kè đá dành cho người đi bộ.

Chùa Thiên Ấn được xây dựng từ năm 1694 sau đó được trùng tu nhiều lần. Lúc đầu, chùa chỉ là một am tĩnh mịch được xây dựng trên một khu đất khá rộng và bằng phẳng trên núi này.

Trong tâm thế của người đi đến chốn linh thiêng và có lẽ linh thiêng nhất với người con xứ Quảng. Chúng tôi trầm lặng và ít suy tư hơn.

Biển Lệ Thủy

Dừng chân ngay thành phố Quảng Ngãi, ghé vào quán ăn bát mì Quảng - đặc trưng xứ Quảng. Chúng tôi lên đường đi biển Lệ Thủy - Bình Trị - Bình Sơn (nghe danh Lệ Thủy, hẳn nhiều người sẽ nhầm lẫn với vùng đất nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình). Cách thành phố hơn một giờ chạy xe, chúng tôi cảm nhận rất rõ vị mặn bởi hơi gió biển đưa vào. Đón chúng tôi, Lệ Thủy đẹp như “một nàng công chúa ngủ trong rừng” - như cách ví von của một nhà báo, hoang sơ và quyến rũ.

Dừng chân ở một làng chài, chúng tôi men theo con đường mòn mà người dân thường hay đi, nhìn từ trên cao, biển trong vắt, những lớp đá trầm tích được tạo hóa xếp đặt đẹp đẽ, nhô ra biển như chờ đợi điều gì.

Biển ở đây đẹp không chỉ vì sự hoang sơ, chưa bị ảnh hưởng bởi du lịch phát triển mà còn đẹp bởi sự duyên dáng. Dọc theo bãi cát dài trắng xóa lại đột ngột có một eo biển uốn cong lại, bên hàng dừa xõa bóng. Eo biển vừa bí mật, lại vừa như sự e thẹn, ngượng ngùng của người con gái xứ Quảng nơi đây.

Chưa hết, dưới làn nước trong xanh như ngọc bích ấy lại có hàng ngàn những rạn san hô với đủ màu sắc khác nhau. Chúng tôi có thể ngâm mình hàng giờ dưới làn nước trong vắt và bơi lội cùng những chú cá nhiều màu sắc, trêu đùa những con nhím biển và ngắm vẻ đẹp của đủ loại san hô đang đung đưa theo sóng nước.

Chiều tới, cái yên bình của một làng chài lại mang cho chúng tôi những cảm xúc rất riêng. Khói bụi, ồn ào của thành phố như bị lãng quên ở nơi đây. Mặt biển, trên làn nước xanh ấy, nhấp nhô những chiếc thuyền thúng của người dân chài đánh bắt cá. Sự sống, sự bình yên cứ kéo dài trong một không gian đầy thơ mộng.

Suối Trà Bói

Con đường đi đến suối Trà Bói khá khó khăn, gồ ghề vì con đường đất xen lẫn đá sỏi. Nơi đây chủ yếu là người dân tộc sinh sống. Nhưng con suối Trà Bói ẩn mình giữa núi rừng lại đẹp một vẻ đẹp gai góc. Con suối nằm ở huyện Trà Bồng, xã Trà Giang cách đường QL1 khoảng 30km.

Vẻ đẹp đại ngàn của suối này khiến những đứa trẻ ở đây hoặc khách du lịch rất thích được chơi trò mạo hiểm là trượt giữa dòng thác.

Nước ở đây rất trong và mát lạnh dù đang giữa trưa hè nắng gắt. Nằm giữa dòng nước mát để ngắm đại ngàn xanh, suối Trà Bói như một hồ bơi tuyệt tác mà thiên nhiên đã xây dựng nên.

Hoàng Liên