Âm nhạc là những thanh âm thổn thức của tâm hồn
Văn hóa - Ngày đăng : 11:40, 22/08/2020
Chuyện đời, chuyện nghề
Thạc sĩ, Giảng viên thanh nhạc Nguyễn Khánh Trang được sinh ra tại thành phố biển Nha Trang xinh đẹp, trong gia đình có cả ba và mẹ điều làm nghệ thuật. Có lẽ vì thế mà niềm đam mê nghệ thuật đã ngầm ăn sâu vào máu thịt để tạo nên một Khánh Trang toàn tâm toàn ý, dành cả cuộc đời mình cho âm nhạc.
Năm 1992, Khánh Trang tốt nghiệp hạng xuất sắc Trung cấp Thanh nhạc. Năm 2002, chị tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành Thanh nhạc tại Nhạc viện TP. HCM. Năm 2005, chị tốt nghiệp Thạc sĩ - Chuyên ngành Biểu diễn Thanh nhạc tại Nhạc viện TP. HCM, đạt hạng xuất sắc.
Từ sau khi tốt nghiệp thủ khoa đại học, chị được giữ lại công tác tại Nhạc viện TP. HCM. Không chỉ giảng dạy tại đây, Khánh Trang còn giảng dạy tại nhiều trường đại học khác như: Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Bình Dương, Trường Đại học Cà Mau, Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu, Trường Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương...
Khi hỏi về kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình làm nghệ thuật của mình, chị cho biết, ở mỗi giai đoạn cuộc đời sẽ để lại cho con người ta những kỷ niệm đẹp riêng. Nhưng với chị, những lần đầu tiên chính là những khoảnh khắc chị không bao giờ quên.
Một trong những lần đầu tiên chị nhớ nhất là vào năm 1989, chị tham gia cuộc thi hát ca khúc chính trị được tổ chức tại TP. Nha Trang - đây là lần đầu tiên chị tham gia cuộc thi lớn về âm nhạc. Nhờ ngoại hình xinh đẹp cùng chất giọng cao vút, chị chinh phục được Ban Giám khảo và mang về 2 giải thưởng cao nhất gồm giải nhất và giải người hát về Bác Hồ hay nhất.
Chị còn nhớ năm đó, nền báo chí nước ta chưa phát triển như bây giờ. Tờ báo Khánh Hòa một tuần cũng chỉ phát hành một số báo, được lên báo là cả một niềm vinh dự rất lớn. Chị vẫn nhớ như in cảm xúc lâng lâng, vui sướng, hạnh phúc đến vô cùng khi cầm trên tay tờ báo Khánh Hòa có ảnh chị trên trang bìa, trên đó có dòng chữ Khánh Trang - Con chim sơn ca của phố biển. Chính cái lần đầu tiên đó tạo nên động lực vô cùng lớn, thúc đẩy chị đến với những khao khát to lớn hơn trong lĩnh vực âm nhạc.
Từ đó tới nay, chị Khánh Trang đã có gần 20 năm đào tạo thanh nhạc cho các thế hệ học trò tại Nhạc viện TP. HCM. Nhiều ngôi sao lớn của nền âm nhạc Việt và nhiều giảng viên đang công tác tại Nhạc viện TP. HCM cũng từng là học trò của chị, như: ca sĩ, giảng viên thanh nhạc Phạm Khánh Ngọc; ca sĩ, giảng viên thanh nhạc Kiều Bích Hiền, ca sĩ Phương Uyên, Hàn Thái Tú, Triệu Hồng Ngọc, Đức Phúc, Thảo Trang idol, Quốc Thiên idol, Mi Ngân,...
Nếu được chọn lại, tôi vãn chọn âm nhạc
Nuôi dưỡng cảm xúc là yếu tố rất quan trọng của người làm âm nhạc. Khánh Trang luôn tự biết cách nuôi dưỡng cảm xúc của bản thân. Chị luôn nói đùa với các học trò của mình rằng: “Dù cô đã 50 tuổi rồi nhưng tâm hồn cô vẫn chỉ ở tuổi 15 thôi!”.
Chị ví âm nhạc chính là một cuộc hôn nhân vĩnh cửu mà chị sẽ gắn bó cả đời. Chị tâm sự, có nhiều lúc quá bận rộn, quá mệt mỏi vì công việc, phong độ làm việc và mức độ yêu thích công việc có chùng xuống nhưng chưa bao giờ chị có ý nghĩ sẽ rời bỏ âm nhạc, sẽ ngừng công việc giảng dạy của mình và nếu được lựa chọn lại thì chị vẫn chọn theo đuổi âm nhạc.
Trong giáo dục, mà đối với riêng âm nhạc, chúng ta không nên nhồi nhét kiến thức một cách máy móc, đó là điều không cần thiết. Ngoài truyền đạt những kỹ năng, kỹ thuật cơ bản thì việc nuôi dưỡng cảm xúc âm nhạc cho học trò và cho chính giảng viên là vấn đề cần quan tâm.
Hiện tại, Khánh Trang đang là giám khảo Cuộc thi sáng tác ca khúc về quê hương Quảng Ngãi lần thứ 1 - 2020. Chị kỳ vọng cuộc thi sẽ chọn ra được nhiều ca khúc hay, mang giá trị ứng dụng cao trong môi trường thiếu những tác phẩm mới có sự trau chuốt kỹ lưỡng như hiện nay. “Ở góc độ một người làm công tác sư phạm âm nhạc, tôi đánh giá Cuộc thi góp phần lớn trong việc nâng cao thẩm mỹ âm nhạc của con người, nhất là trong giới trẻ”.
Chị Khánh Trang cho biết, cuộc thi được tổ chức vô cùng chuyên nghiệp và nghiêm túc, chắc chắn sẽ lựa chọn ra tác phẩm tuyệt vời phục vụ cho xã hội, không chỉ giới hạn trong Quảng Ngãi mà còn có sức lan tỏa trong cả nước. “Tôi đang kỳ vọng Cuộc thi sẽ nhận được nhiều tác phẩm hay, đi vào lòng công chúng. Nếu các tác phẩm
tham gia có giá trị thật sự, tôi sẵn sàng đưa vào giảng dạy ngay. Điển hình, tôi vừa dựng xong ca khúc Ngồi bên trời bên biển của nhạc sĩ Quỳnh Hợp sáng tác gửi tặng Ban Tổ chức cuộc thi để sinh viên Nhạc viện làm bài thi tốt nghiệp”.
Tiêu chí để chọn ra một tác phẩm hay dưới góc nhìn của một nhà sư phạm âm nhạc, chị cho biết, có hai yếu tố quyết định gồm giai điệu và nội dung lời ca. Cả hai yếu tố này phải có sự hòa quyện uyển chuyển vào nhau và truyền tải được những tâm tình, những cảm xúc của tác giả, chạm đến trái tim của người nghe.