Thị trường chứng khoán đã tạo đáy, đầu tư thế nào hiệu quả?
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 19:52, 27/05/2022
Thị trường đã tạo đáy chưa?
Câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư (NĐT) đặt ra khi VN-Index tăng liên tục 8 phiên trước, và đang chinh phục mốc 1.280 điểm là thị trường đã tạo đáy chưa?
Mới đây, các chuyên gia chứng khoán tại SSI đã đưa ra góc phân tích tín hiệu định lượng khi thị trường tạo đáy và cách hành xử phù hợp. Thị trường tài chính có câu “Thông tin phản ánh lên giá.” Khi nhìn từ góc độ phân tích ngày bùng nổ theo đà, chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời mang tính định lượng.
Ngày bùng nổ theo đà (Follow - Through Day (FTD), NĐT biết cách quan sát hành động giá của chỉ số thị trường để xác nhận xu hướng mới. Cụ thể, quan sát đáy mới và phiên ngừng rơi. Khi thị trường đang ở trong xu hướng giảm và liên tục phá đáy, hãy đứng ngoài và theo dõi sát sao vì tín hiệu ngừng rơi có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.
Ngày 25/5 là ngày tạo đáy của VN-Index.
Tìm kiếm ngày nỗ lực hồi phục (Rally Attempt). Khi thị trường tạo đáy mới xong, đó là một ngày thị trường chung đóng cửa tăng giá. Hoặc nếu mở cửa, thị trường giảm giá nhưng cuối phiên kéo lên và đóng trên 50% biên độ dao động cũng chấp nhận.
Ngày bùng nổ theo đà sẽ ở ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 kể từ phiên nỗ lực phục hồi, thị trường có thể xuất hiện phiên FTD. Đó là một phiên khi chỉ số bật tăng mạnh ở mức 1 - 2%, cùng khối lượng lớn hơn phiên trước đó, dòng tiền lan tỏa khắp các mã và nhóm ngành. Điều này sẽ xác định 70% khả năng thị trường tạo đáy và sẽ cho một sóng tăng.
Dựa trên các phân tích kể trên, cho thấy phiên ngày 17/5 là phiên đáp ứng được ngày tạo đáy mới và phiên ngừng rơi và ngày nỗ lực hồi phục khi thị trường tạo đáy tại 1.156 điểm. Sau đó đóng cửa giá cao nhất trong phiên, đạt 1.228 điểm. Đây là phiên nỗ lực hồi phục, tín hiệu đầu tiên cho việc tạo đáy của VN-Index.
Đến ngày 25/5 là phiên thứ 7 sau phiên nỗ lực hồi phục, VN-Index đóng cửa tại mức 1.268 điểm, tăng 35,05 điểm, tương đương tăng 2,84% so với mức đáy, với thanh khoản 655 triệu đơn vị, cao hơn phiên trước đó với sự lan tỏa toàn bộ nhóm ngành trên thị trường. Điều này báo hiệu khả năng thị trường bước vào xu hướng tăng mới.
Lạc quan nhưng cần cẩn trọng
Khi thị trường chung xuất hiện tín hiệu tạo đáy, tâm lý chung của NĐT sẽ rất hưng phấn và lạc quan. Tuy nhiên, NĐT cần phải ghi nhớ không phải phiên bùng nổ theo đà nào cũng thành công. Theo thống kê, 1/3 số phiên bùng nổ theo đà thất bại và thị trường tiếp tục giảm. Thậm chí có hai hoặc ba thị trường gấu, mức giảm từ 18% đến 20% hoặc nhiều hơn ở một hoặc nhiều chỉ số thị trường chung.
Khi ngày Bùng nổ theo đà xuất hiện, NĐT sẽ cảm giác về một cú tăng bùng nổ: Mạnh, dứt khoát và thuyết phục. Lúc này 75% các cổ phiếu sẽ tăng theo xu hướng thị trường chung, NĐT nào cũng cảm thấy như ''người khát nước trên sa mạc'' tìm được dòng nước. Ai nấy đều vui vẻ, hưng phấn và lạc quan trở lại. Chính sự lạc quan, thiếu cảnh giác, sẽ làm cho NĐT mắc phải những sai lầm nếu như trường hợp ngày bùng nổ theo đà này thất bại.
Do đó, chuyên gia tại SSI lưu ý, có 3 điều NĐT cần quan tâm, đó là: Giải ngân từ từ. Bởi sự hưng phấn và mong muốn tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng sẽ làm NĐT giải ngân toàn bộ tài chính vào thị trường. NĐT cẩn thận trước khi hành động bước tiếp theo sau ngày bùng nổ theo đà sẽ khiến chúng ta không bị “sốc” khi ngày bùng nổ thất bại.
SSI khuyến nghị nhà đầu tư nên lựa chọn những cổ phiếu tốt để đưa vào danh mục đầu tư mới, tránh rủi ro.
Điều thứ 2 là, NĐT đếm số ngày phân phối: Đây là một trong các ngày chỉ số thị trường giảm điểm ít nhất 0,2% với khối lượng cao hơn phiên hôm trước. Ngày phân phối xuất hiện ở ngày thứ nhất hoặc thứ hai sau ngày bùng nổ theo đà, khả năng ngày bùng nổ sẽ thất bại.
NĐT luôn biết mình đang ở đâu trong chu kỳ tăng giá mới: Một chu kỳ tăng giá của thị trường sẽ kéo dài 1 – 2 năm, nếu ngày bùng nổ theo đà xuất hiện ở giai đoạn cuối của thị trường tăng giá, thì đây khả năng sẽ là ngày bùng nổ theo đà thất bại.
Hiện tại, VN-Index đang ghi nhận cú sụt giảm sâu, rơi hơn 24%, phá toàn bộ các đường trung bình động quan trọng như MA50, MA200, hay nói cách khác, thị trường đã vi phạm dọc. Ngày 25/5, VN-Index ghi nhận phiên bùng nổ theo đà, nhưng NĐT cần giữ cái nhìn bình tĩnh, hạn chế mua giá cao, bởi lượng cung trên đầu vẫn rất lớn, không thể loại trừ việc ngày bùng nổ thất bại.
Tìm cổ phiếu khỏe để mua vào. Bởi ngày bùng nổ theo đà chỉ là điều kiện cần. NĐT luôn có phương án kiểm soát rủi ro. Trong đợt giảm vừa qua, kể cả trong khá nhiều lần điều chỉnh trước, nhiều NĐT đã mất hết thành quả trong mỗi lần điều chỉnh mạnh. Chính vì vậy, việc vạch ra 1 kế hoạch quản trị rủi ro là một chiến lược cần phải có, giúp NĐT vừa giữ được thành quả đầu tư vừa rèn luyện tâm lý của mình trong mỗi lần điều chỉnh.
Một câu hỏi lớn đặt ra lúc này là “Tiền đâu ra để mua?”. Với những NĐT đang đứng ngoài hoặc đã đưa tài khoản về tỷ trọng tiền mặt tối đa từ trước thì việc giải ngân rất dễ dàng. Còn đối với những NĐT còn nắm nhiều cổ phiếu, khoản lỗ lớn thì phải xử lý ra sao? NĐT nên “soi” danh mục mà mình đang nắm giữ, mã nào không có cơ bản, không có câu chuyện đầu tư để dòng tiền hỗ trợ hoặc nó đã từng tốt mà bây giờ sẽ không còn tốt nữa vì tính chu kỳ, thì sẽ phải cho mình bản lĩnh để thực hiện cơ cấu dần sang những cổ phiếu tốt trên thị trường.
Một danh mục cổ phiếu tốt là điều kiện cần, điều kiện đủ là điều NĐT tìm hiểu, quan sát và vận dụng thêm nhiều yếu tố khác có thể chọn ra cổ phiếu thích hợp nhất cho từng thời điểm, kế hoạch giải ngân và quản lý danh mục chặt chẽ trong giai đoạn thị trường có nhiều chuyển biến sắp tới.
Những cổ phiếu được SSI khuyến nghị trong đợt này là FPT, DGC, ANV, REE, GMD… Tính đến thời điểm này, các DN trên đều tăng trưởng tích cực về lợi nhuận trong quý 1/2022. Ngoài ra còn nhiều DN tiếp tục công bố kết quả kinh doanh tích cực là điểm mấu chốt để NĐT lựa chọn thêm vào danh mục.