Có 93% doanh nghiệp Đức cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam

Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 02:12, 10/06/2022

(VLR) Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam tin tưởng vào triển vọng kinh doanh và kỳ vọng tích cực vào tăng trưởng kinh tế nhiều hơn so với thời điểm mùa thu năm 2021. Có gần 93% doanh nghiệp Đức cho biết họ sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam và hơn 64% kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ phát triển tốt hơn trong 12 tháng tới.

Hình ảnh tại buổi họp báo công  bố kết quả khảo sát đánh giá niềm tin doanh nghiệp Đức do mạng lưới các Phòng Công nghiệp và thương mại Đức tại nước ngoài thực hiện (Ảnh: M.P)

Hình ảnh tại buổi họp báo công bố kết quả khảo sát đánh giá niềm tin doanh nghiệp Đức do mạng lưới các Phòng Công nghiệp và thương mại Đức tại nước ngoài thực hiện (Ảnh: M.P)

Ngày 8/6 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam tổ chức họp báo công bố kết quả khảo sát đánh giá niềm tin doanh nghiệp Đức do mạng lưới các Phòng Công nghiệp và thương mại Đức tại nước ngoài thực hiện.

Theo đó, kết quả khảo sát đánh giá việc mở cửa biên giới cùng với các chính sách quyết liệt và kịp thời của Chính phủ Việt Nam tạo động lực cho phục hồi kinh tế sau đại dịch. Doanh nghiệp Đức lạc quan hơn về triển vọng phát triển kinh tế trong 12 tháng tới so với thời điểm mùa thu năm 2021.

Đáng chú ý, có hơn 46% doanh nghiệp được khảo sát có kế hoạch tuyển dụng thêm lao động trong năm tới. Các doanh nghiệp Đức cũng bày tỏ rằng các yếu tố quan trọng nhất đối với quyết định đầu tư và kinh doanh của họ ở Việt Nam là tình hình chính trị ổn định, có nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật và các nhóm ngành khác, và vận tải và logistics.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức nhận định, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài nhờ tham gia các Hiệp định Thương mại Tự do.

Có hơn 73% doanh nghiệp Đức tin rằng việc triển khai Hiệp định giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam làm tăng khả năng cạnh tranh của họ tại Việt Nam. Họ thường xuyên tận dụng Hiệp định Thương mại Tự do giữa ASEAN và Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Khi triển khai hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, doanh nghiệp Đức đánh giá những yếu tố sau là quan trọng nhất: có nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật (58,3%), chất lượng giáo dục của các ngành kỹ thuật (58,3%), và hàng rào thương mại thuế quan (56,5%).

Theo đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức, mặc dù doanh nghiệp Đức thể hiện khả năng chống chịu trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, họ vẫn đang đối mặt với các rủi ro và thách thức do sự bất ổn toàn cầu, khiến họ lo ngại hơn về sự phát triển kinh doanh trong năm tới.

Hiện tại, họ cho rằng rủi ro lớn nhất là giá nguyên liệu thô, sau đó là giá năng lượng và sự thiếu hụt lao động tay nghề cao. Xung đột Nga-Ukrainecũng gây ra tác động về kinh tế đến doanh nghiệp Đức. Chi phí năng lượng và nguyên liệu thô tăng cao cùng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng và logistics là những vấn đề đáng lo ngại nhất. Điều này dẫn đến những thay đổi trong hoạt động đầu tư kinh doanh quốc tế của họ như điều chỉnh đánh giá rủi ro về địa điểm và tách rời về mặt kinh tế (decoupling) giữa các khu vực trên thế giới.

Ông Robin Hoenig, Tư vấn cấp cao về chính sách thương mại (châu Á/ASEAN) đánh giá: Việt Nam là một trong 2 nước ở ASEAN có Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) sau Singapore. Vị chuyên gia này đánh, đây là Hiệp định có chất lượng cao không chỉ liên quan đến việc giảm thuế quan mà cả các yếu tố phi thuế quan như: mở cửa các thị trường hàng hóa đầu vào, yêu cầu quy định với doanh nghiệp nhà nước hay các hoạt động thương mại điện tử, phát triển bền vững…Đây là một thế mạnh của Việt Nam thu hút các doanh nghiệp Đức cũng như châu Âu đầu tư, kinh doanh.

Về giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực, bà Đào Thu Trang, Trưởng Bộ phận tư vấn chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức cho biết thêm: các doanh nghiệp Đức đang hỗ trợ đào tạo nghề song hành, chất lượng cao, trong nhiều lĩnh vực khác nhau như cơ diện tử, logistics, nhà hàng…

Không chỉ đào tạo nghề, Đức còn hỗ trợ đào tạo nhà quản lý tầm trung hiểu biết thêm các kỹ cách quản lý, cũng như tiêu chuẩn công nghiệp Đức.

Việc có nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng vận hành máy móc hiện đại, thành thạo các kỹ năng vận hành sản xuất sẽ giúp Việt Nam thu hút tốt hơn đầu tư từ Đức cũng như các quốc gia phát triển khác.

Khảo sát đánh giá niềm tin doanh nghiệp Đức toàn cầu là cuộc khảo sát hàng năm của mạng lưới các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại nước ngoài (AHKs). Vào mùa xuân năm 2022, khảo sát nhận được phản hồi từ 4.200 doanh nghiệp Đức, chi nhánh và công ty con trên toàn thế giới cũng như các công ty có quan hệ chặt chẽ với Đức. Kết quả cuộc khảo sát sẽ là kim chỉ nam nhằm đánh giá về tình hình phát triển và triển vọng phát triển kinh doanh của doanh nghiệp Đức cũng như những kỳ vọng của nhà đầu tư Đức đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Đối tượng tham gia khảo sát là các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đang hoạt động trong nhiều ngành và lĩnh vực khác nhau: dịch vụ (46,4%), công nghiệp/ xây dựng (39,3%), và thương mại (14,3%). Các doanh nghiệp nhỏ có ít hơn 100 nhân viên chiếm 64,3%. Các doanh nghiệp tầm trung với lượng nhân viên không quá 1.000 người chiếm 7,1% và 28,6% đến từ doanh nghiệp lớn với hơn 1.000 nhân viên.