Bộ Tài chính dự kiến đề xuất giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 16:16, 14/06/2022
Bộ Tài chính vừa cho biết, trong bối cảnh giá xăng dầu trong và ngoài nước liên tục tăng cao trong thời gian gần đây, Bộ đang phối hợp các cơ quan có liên quan nghiên cứu phương án về khả năng tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu để góp phần kịp thời kiềm chế lạm phát.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết hiện Bộ Tài chính đang dự kiến đề xuất trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thẩm quyền giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Giá xăng dầu đang ở mức cao kỷ lục. Ảnh: PHI HÙNG
Tại kỳ điều hành chiều 13-6, giá xăng dầu trong nước tiếp tục lập đỉnh mới, mức cao nhất từ trước đến nay.
Cụ thể, xăng E5 tăng thêm 880 đồng/lít, lên mức 31.110 đồng/lít; giá xăng A95 tăng gần 800 đồng/lít, lên mức 32.370 đồng/lít. Giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này cũng tăng rất cao, 2.490-2.630 đồng/lít. Cụ thể, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel lên mức 29.020 đồng/lít, dầu hỏa 27.830 đồng/kg.
Giá xăng dầu tăng cao đã tác động rất lớn đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết lạm phát bình quân năm tháng đầu năm nay của nền kinh tế tăng 2,25%, thì giá xăng dầu tăng cao gần 50% đã góp vào 1,8 điểm phần trăm; giá gas tăng trên 20%, góp 0,3 điểm phần trăm trong mức lạm phát bình quân chung của nền kinh tế.
Nếu tình hình này vẫn tiếp diễn trong thời gian tới sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế, nguy cơ lạm phát tăng cao. Do đó, thời gian qua, rất nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp, người dân đề xuất Chính phủ nên có các giải pháp để kiềm chế giá xăng dầu nhuư giảm thuế, phí với xăng dầu: giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cũng cho hay, đời sống hiện nay vốn đã quá khó khăn do hai năm đại dịch COVID-19. Chúng ta không để giá cả tăng lên nữa để tiếp tục bào mòn đời sống của người dân. Nếu chúng ta không kịp thời có biện pháp kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu thì hệ quả về mặt lạm phát sẽ rất lớn, phải uống “một liều thuốc rất đắng”.
Và giải pháp nhanh nhất lúc này để kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu, theo ông Ngân, là giảm thuế bảo vệ môi trường.
“Việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chỉ cần làm thủ tục trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Còn luật thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải làm đầy đủ các bước quy trình, phải đi qua các khâu từ Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế thẩm định, mất nhiều thời gian và thủ tục” - đại biểu Ngân nói.
Trước đó, vào chiều 23-3, tại phiên họp thứ chín, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31-12 để kịp thời hỗ trợ, chia sẻ với người dân, doanh nghiệp, góp phần bình ổn thị trường xăng dầu trong nước, kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.