Tiếp tục đưa vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 11:51, 17/06/2022
Các đại biểu bên lề diễn đàn (ảnh Trịnh Lan)
Diễn đàn nhằm thảo luận các giải pháp đưa vải thiều Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng trên thế giới và tạo điều kiện cho bạn bè thế giới hiểu, tiếp cận thuận tiện hơn quả vải thiều Việt Nam.
Tại diễn đàn, một số đại biểu đánh giá, vải thiều thường chín rộ trong khoảng thời gian ngắn từ tháng 5 - 7, sản lượng lớn, thời gian thu hoạch ngắn nên việc kết nối giao thương, mở rộng thị trường và đa dạng kênh phân phối là hết sức cần thiết để việc tiêu thụ được thuận lợi. Đặc biệt, mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều để gia tăng giá trị quả vải, góp phần nâng cao thu nhập của người nông dân và phát triển kinh tế của địa phương là mục tiêu cấp thiết được đặt lên hàng đầu. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn chia sẻ, vải thiều được xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới với đa dạng phương thức bán hàng, từ kênh bán hàng truyền thống, kênh bán hàng hiện đại, đến các kênh thương mại điện tử... đã đóng góp một phần không nhỏ vào thành công chung của bức tranh xuất khẩu nông sản năm 2021.
Ngoài ra, một số ý kiến khác chia sẻ về định hướng vùng trồng vải an toàn tại các địa phương cũng như hiện thực hóa mong muốn mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều; giải pháp phát triển bền vững vải thiều; sự vào cuộc, chung tay tiêu thụ; việc quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu đặc sản vải thiều đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế...
Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, vải thiều của Hải Dương đã xuất khẩu trên 20 quốc gia, trong đó có một số thị trường như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, chiếm khoảng 10% sản lượng xuất khẩu toàn tỉnh; khoảng 40% sản lượng xuất khẩu sang thị trường truyền thống như Trung Quốc, Lào, Campuchia và 50% sản lượng tiêu thụ, chế biến trong nước. Vải thiều của Hải Dương cơ bản được sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP. Diện tích vải được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn ngày càng tăng.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho rằng, sự kiện “Vải thiều Việt Nam vươn tầm thế giới” có ý nghĩa lớn đối với tỉnh Bắc Giang cũng như tỉnh Hải Dương. Đây là một hoạt động kết nối, hỗ trợ địa phương rất thiết thực, góp phần quảng bá sâu rộng vải thiều Việt Nam tới các tổ chức quốc tế và hướng đến chinh phục thị trường thế giới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho nhấn mạnh, Bắc Giang được biết đến là “Thủ phủ vải thiều” của Việt Nam với vùng trồng chuyên canh lớn nhất cả nước, diện tích hơn 28 nghìn ha. Vải thiều Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia (Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào và Campuchia); là sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Có thể thấy, vải thiều Bắc Giang đã và đang từng bước khẳng định chất lượng vượt trội để vươn tầm thế giới. Để làm được việc đó, tỉnh Bắc Giang luôn cùng người dân trồng vải đồng lòng, thống nhất trong xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.
Năm nay thời tiết thuận lợi, rét kéo dài, mưa đều nên vải thiều sinh trưởng và phát triển tốt. Với việc kiểm soát chặt chẽ các mã vùng trồng cùng với kỹ thuật canh tác của người dân Bắc Giang ngày càng nâng lên, chất lượng vải thiều năm nay cao hơn năm trước và có thể khẳng định: Chất lượng vải thiều Bắc Giang năm 2022 cao nhất từ trước đến nay.
Những ngày này, tại các địa phương trong tỉnh Bắc Giang hoạt động thu mua vải thiều bắt đầu sôi động. Một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tiến hành khảo sát, liên kết tiêu thụ vải thiều tại thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu. Hiện nay, việc tiêu thụ vải thiều của tỉnh diễn ra khá thuận lợi, vải được thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó với giá thành cao. Đến hôm nay, vải thiều Bắc Giang đã được thu hoạch, tiêu thụ khoảng 25.000 tấn; trong đó, sản lượng tiêu thụ trong nước chiếm khoảng 60%; sản lượng xuất khẩu chiếm khoảng 40% (xuất khẩu vào các thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia...).
Tại diễn đàn, các đại biểu đều nhận định, vải thiều thường chín rộ trong khoảng thời gian ngắn từ tháng 5 đến tháng 7 hằng năm. Với sản lượng lớn, thời gian thu hoạch lại ngắn, nên việc kết nối giao thương, mở rộng thị phần sẵn có, tìm kiếm thị trường mới và đa dạng kênh phân phối là hết sức cần thiết để việc tiêu thụ được thuận lợi. Đặc biệt, mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều để gia tăng giá trị của quả vải, góp phần nâng cao thu nhập của người nông dân và phát triển kinh tế của địa phương là mục tiêu cấp thiết được đặt lên hàng đầu.
Tuy nhiên, để có được sản phẩm vải thiều đạt chất lượng vào các thị trường yêu cầu cao thì đòi hỏi người nông dân, cán bộ kỹ thuật, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước phải cùng nhau hợp lực để xây dựng được chuỗi các quy trình nghiêm ngặt, khép kín, từ khâu lựa chọn thổ nhưỡng, chăm sóc cây trồng, đến chế biến và tiêu thụ.
Theo Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, với năng lực tốt về nguồn cung, cùng với quá trình mở cửa hội nhập sâu rộng, Việt Nam đã từng bước khẳng định vị trí trên thị trường nông sản thế giới. Nếu như kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2000 đạt 4,2 tỷ USD, thì đến năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020.
"Đây là cơ hội cho nông sản Việt Nam nói chung và vải thiều nói riêng vươn xa trên thị trường thế giới. Chúng ta cần tận dụng được cơ hội và vượt qua các rào cản để nhiều người dân trên thế giới được thưởng thức nhiều hương vị đặc sắc từ nông sản Việt Nam", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ diễn đàn, đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương, hợp tác xã sản xuất vải thiều và doanh nghiệp xuất khẩu vải thảo luận về quy trình trồng, chăm sóc vải thiều sạch, phát triển thị trường tiêu thụ vải thiều với chủ đề "Lời giải cho bài toán xuất khẩu vải thiều Việt Nam". Trong đó, tập trung vào việc đáp ứng tiêu chuẩn vải thiều vào các thị trường, giải pháp mở rộng thị trường và tăng sản lượng xuất khẩu vải thiều; trưng bày một số sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương...
Tại đây, các đại biểu tham gia khai mạc triển lãm số và gian hàng số vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới.