Báo chí - Văn chương: Hai người bạn tri âm, duyên - nợ…
Văn hóa - Ngày đăng : 07:19, 21/06/2022
Chuyện này cũng không còn mới mẻ gì, từ những ngày đầu xuất hiện báo chí ở nước ta, hàng loạt tên tuổi những người làm báo nổi lên như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi… và rất nhiều các nhà văn, nhà thơ tên tuổi đứng ra làm báo mà tiêu biểu phải kể đến là nhà thơ Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu, người nổi tiếng với tập thơ Giấc mộng con. Ông từng làm chủ bút tạp chí Hữu Thanh, rồi qua An Nam tạp chí, cộng tác với Nam Phong tạp chí… Ngòi bút của ông luôn giữ vững cái dũng, cái nhân của người làm báo lúc bấy giờ. Nhờ công việc làm báo, ông có điều kiện vào Nam, ra Bắc, đi nhiều nơi trong nước, từ đó giúp ông có cảm hứng sáng tác bài thơ “Thú ăn chơi” lan truyền đến sau này.
Ai cũng biết giữa hai lĩnh vực viết văn và làm báo tuy gần mà xa, chẳng ăn nằm với nhau nhiều, đó là chưa nói đến những điểm khác biệt. Viết văn luôn lãng mạn, bay bổng, chưa nói đến những điều hư cấu không tưởng. Còn báo cần sự chân thật, tôn trọng sự thật khách quan. Khác với báo chí ngày nay, từ những năm 30 của thế kỷ trước, nhiều tờ báo và tạp chí lưu hành trong nước đều thiên về mặt văn chương. Bên cạnh những loại bài thuộc lĩnh vực thông tấn, các tờ báo và tạp chí thường đăng tải các tác phẩm thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, ký… Cho nên các cây bút vừa viết văn vừa làm báo rất phù hợp, họ đã dốc sức lực vào hoạt động sáng tạo của mình trong hai lĩnh vực này. Nhiều tên tuổi như Tản Đà, Nguyễn Văn Vĩnh, Mai Đăng Đệ, Nguyễn Bá Trạc, Phạm Quỳnh, Phan Khôi... sau đó là Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Lê Văn Trương, Ngọc Giao, Thanh Châu, Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng… đều xuất hiện nổi bật trong giai đoạn này. Có thể nói, đứng từ phía nghề báo mà xét, tất cả đội ngũ đông đảo các cây bút thời đó đã nhất loạt làm nên một loại hình nhà báo - nhà văn đầy ấn tượng với người đọc.
Còn hiện nay, ngoài đội ngũ những người làm báo ngày càng nhiều và trưởng thành bởi đã qua các quy trình đào tạo thì các nhà văn khắp mọi miền cũng tham gia làm báo rất đông, nhưng để so sánh với xa xưa thì nay còn quá hiếm. Còn nhớ giai đoạn phát triển vượt trội của báo in ở thập niên cuối cùng thế kỷ 20, những phóng sự của Huỳnh Dũng Nhân trở thành một hiện tượng khiến bạn đọc say mê. Những cây bút viết phóng sự tên tuổi một thời như Phùng Gia Lộc với bút ký Cái đêm hôm ấy đêm gì, nhà văn Vĩnh Quyền, Sương Nguyệt Minh, Phạm Ngọc Tiến, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Quang Thiều, Hữu Việt, Nguyễn Thành Phong, Văn Công Hùng, Trần Tuấn,… phần nhiều trong số họ đều duyên nợ với văn chương và báo chí, phần nhiều đều viết văn trước khi làm báo. Công việc viết báo, đi được nhiều, tiếp cận với biết bao số phận, với từng ngõ ngách đầy bi kịch của cuộc đời này, đặc biệt những tác phẩm phóng sự nóng hổi đậm tính văn học luôn thôi thúc nhà văn lên đường tác nghiệp. Hay nhà văn Vĩnh Quyền với những bút ký, phóng sự hấp dẫn trên báo Lao Động đã mang lại hiệu ứng trong công cuộc đổi mới đất nước. Một tác phẩm báo chí tốt cũng có sức lay động hàng triệu trái tim và mang lại hiệu ứng xã hội rất lớn. Đó là chưa kể đến các nhà văn viết báo khác như các nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thuỵ Kha, Thanh Thảo, Ngô Minh, Lê Minh Quốc, nhà văn Sương Nguyệt Minh, Ngô Văn Giá, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên… xuất hiện đều trên các trang báo văn hoá văn nghệ… Các nhà văn tham gia làm báo còn là thế mạnh, giúp họ có điều kiện tiếp cận được với hiện thực, quan sát đời sống đầy oan khuất này một cách tỉnh táo, sâu nặng hơn. Cũng một thực tế đời thường ấy, nhưng với nhà văn làm báo thì họ có rất nhiều lợi thế. Và chính từ đó người đọc mới có được những trang báo thấm đẫm chất văn học đấy tính nhân văn, giàu chất hiện thực của cuộc sống này.
Nói chung, nhà văn làm báo có lý thú, nhưng cũng nhiều khó khăn và thách thức, nghề gì cũng có những đòi hỏi riêng của nó. Vẫn là chữ viết nhưng giữa ngôn ngữ văn học và báo chí đều có đặc trưng riêng, nếu không tách bạch sẽ lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia thì hết sức tai hại. Lại thêm, lượng chữ nghĩa của bài báo tuy không nhiều nhưng nó lại phải chính xác, có quan điểm, mục tiêu rõ ràng, chứ không thể tưởng tượng, hư cấu mơ màng như nhà văn được. Giữa ngôn ngữ văn chương và báo chí vẫn luôn có những khoảng cách không lời.
Với sự phát triển mạnh mẽ của báo chí theo xu thế hiện đại, nền báo chí nước ta đang dần hình thành một khuynh hướng mới, một loại hình sáng tạo chuyên biệt - thông tấn thuần khiết, không còn nặng nợ với văn chương như trước, báo chí trở nên chuyên nghiệp và đặc thù, các phóng sự đậm chất văn nghệ chỉ còn thấp thoáng rải rác trên các báo, ngoại trừ các tạp chí chuyên sâu về văn hoá văn nghệ. Sự thay đổi lớn về phương thức tác nghiệp của báo chí trong thời đại kỹ thuật số phần nào cũng hạn chế các nhà văn cộng tác với báo chí như xưa.