Nghệ An phấn đấu đưa dịch vụ chiếm 43% trong cơ cấu kinh tế
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 09:23, 29/06/2022
UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch số 433/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.
Việc xây dựng và triển khai Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết số 54/NQ-CP đảm bảo phù hợp với đặc điểm tình hình và điều kiện thực tế tại địa phương.
Mục tiêu tổng quát mà Kế hoạch hướng tới là hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; phát triển được nhiều sản phẩm của tỉnh dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế. Phấn đấu đến năm 2025, Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc.
Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân giai 2021-2025 đoạn đạt 9,5-10,5%; Thu nhập bình quân đầu người năm 2025 đạt khoảng 83 triệu đồng; Cơ cấu kinh tế đến năm 2025 về nông, lâm, thủy sản chiếm 19-20%; Công nghiệp xây dựng chiếm 38-39%; Dịch vụ chiếm 42-43%.
Phấn đấu tăng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đạt 26.000-30.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn đạt 500.000 tỷ đồng; có 82% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 20% số đạt xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu) và 11 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, đạt chuẩn nông thôn mới...
Để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập. Cùng với đó, phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực; phát triển lực lượng doanh nghiệp, thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đồng thời phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và phát huy vai trò các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn; cơ cấu lại các ngành theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế…