Chủ động các giải pháp ổn định nền kinh tế

Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 10:41, 07/07/2022

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi sát tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nước, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư để chủ động phân tích, dự báo, kịp thời đề xuất, triển khai các giải pháp phù hợp, ứng phó với các vấn đề phát sinh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô cả trong ngắn hạn và trung, dài hạn, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cú hích cho sự phục hồi nền kinh tế

Nghị quyết 77/NQ-CP, phiên họp thường kỳ tháng 5 của Chính phủ ngày 8/6/2022 đánh giá tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay tiếp tục được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước; số ca mắc mới, số ca nặng giảm sâu, đặc biệt ghi nhận nhiều ngày không có ca tử vong. Cả nước đã hoàn thành tiêm trên 221 triệu liều vắc xin; bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời và ngày càng chủ động hơn thuốc điều trị COVID-19… Các hoạt động văn hóa, xã hội, nghệ thuật, vui chơi giải trí phục hồi mạnh mẽ. Thị trường du lịch mở cửa lại, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 5 tăng 70,6% so với tháng trước, tính chung 5 tháng gấp 4,5 lần cùng kỳ.

chu-dong-cac-giai-phap-on-dinh-kinh-te-1.jpg
Nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phục hồi (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,38% so với tháng trước và bình quân 5 tháng tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước; thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỷ giá cơ bản ổn định. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước 5 tháng ước đạt 57,1% dự toán năm, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa ước đạt 54,9% dự toán, tăng 14,9%. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 5 tăng 14,5%, tính chung 5 tháng đạt 305,1 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 16,3%, xuất siêu 516 triệu USD.

Đến nay hoạt động sản xuất kinh doanh nước ta đã trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch COVID-19 xuất hiện. Các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội được Bộ, ngành và địa phương triển khai tích cực. Bên cạnh đó, sự kiện SEA Games 31 được tổ chức thành công tại Việt Nam vừa qua đã góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch sôi động hơn, tạo cú hích cho sự phục hồi của nền kinh tế khi dịch bệnh được kiểm soát.

Ngân hàng thế giới (WB), ngày 13/6/2022 đã chính thức công bố bản tin cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6/2022. Theo đó ghi nhận, sản xuất công nghiệp Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc với tốc độ 10,4% so cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng này bật tăng với tốc độ tăng 4,2% so tháng trước và tăng 22,6% so cùng kỳ năm 2021. Điều này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Đặc biệt, đã có khoảng 173.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5, cao hơn khoảng 70% so với tháng 4 và là con số cao nhất kể từ tháng 4/2020, tuy vẫn chưa bằng 16% con số ghi nhận trước đại dịch.

Các giải pháp ổn định nền kinh tế

Tuy nhiên, theo nhận định của Chính phủ, nền kinh tế nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thời gian tới, dự báo kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi chậm lại; cạnh tranh chiến lược diễn biến phức tạp; xung đột tại Ukraine có thể kéo dài, ảnh hưởng đến lạm phát, giá dầu thô, chi phí logistics, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng; tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh năng lượng, an ninh lương thực. Trong nước, áp lực kiểm soát lạm phát gia tăng, nền kinh tế có độ mở lớn, chịu tác động, ảnh hưởng mạnh của những biến động từ bên ngoài; biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều nguy cơ xảy ra thiên tai, bão, lũ, sạt lở đất..., ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân.

chu-dong-cac-giai-phap-on-dinh-kinh-te.jpg
Ngành dệt may có sự hồi phục nhanh chóng sau đại dịch (Ảnh minh họa)

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi sát tình hình quốc tế, khu vực, diễn biến xung đột tại Ukraine, dịch bệnh COVID-19, việc điều chỉnh chính sách của các nước, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư để chủ động phân tích, dự báo, kịp thời đề xuất, triển khai các giải pháp phù hợp, ứng phó với các vấn đề phát sinh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô cả trong ngắn hạn và trung, dài hạn, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Qua đó, cần tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình phòng, chống dịch COVID-19, đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vắc xin phòng COVID-19, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; rà soát, nghiên cứu, kịp thời điều chỉnh phương châm, các quy định phòng, chống dịch phù hợp tình hình, điều kiện thực tiễn. Đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin về sử dụng thuốc điều trị, hỗ trợ điều trị COVID-19 an toàn, hiệu quả, nhất là đối với các đối tượng chống chỉ định, bảo đảm người dân tiếp cận thuốc một cách thuận tiện; tăng cường quản lý giá thuốc, chống đầu cơ, tăng giá, tham nhũng, tiêu cực.

Rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh thực hiện lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí xã hội, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý các vấn đề tồn đọng, dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, các địa phương thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường vật liệu xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo mặt bằng giá thị trường để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án trọng điểm; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá, ép giá.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương:khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp để giảm áp lực tăng giá xăng dầu trong nước, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, không để ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; Thực hiện tích cực, quyết liệt theo thẩm quyền các giải pháp, biện pháp đồng bộ, điều hành để bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá và quy định của pháp luật về giá, nhất là đối với các mặt hàng xăng dầu, vật liệu xây dựng, vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, cước phí vận tải, chi phí logistics...

Trần Trình Lãm