Nhà thơ Dương Văn Lượng "neo đậu" quê hương

Văn hóa - Ngày đăng : 10:12, 11/07/2022

Dẫu là người đã thất thập, nhưng Dương Văn Lượng luôn giữ cho mình tâm hồn trẻ trung, khiêm nhường, có ý thức đổi mới. Tài thơ có để phát lộ rất sớm, có thể xuất hiện khá muộn. Vấn đề quan trọng với người sáng tác là tác phẩm.

Dài cây mía tím ngọt đường

Mấy vuông vải đũi còn vương tơ tằm

Người quê chiếu lác để nằm

Áo tơi phòng lúc khéo chằm nắng mưa

                                                                              (Hồn quê)

Do cùng sinh hoạt trong “Câu lạc bộ Thơ namkau”, do nhà thơ Trần Quang Quý khai sinh và thử nghiệm nên tôi biết đến nhà thơ Dương Văn Lượng – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đặc biệt, khi biết ông sinh ra và lớn lên ở xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, giữa hai anh em có sự “tương tác” cảm xúc. “Người quê chỉ có tấm lòng”, tấm lòng người Quảng Bình, từ lâu xác tín trong tôi hơn cả sự thấu cảm.

nha-tho-duong-van-luong.jpg
Chân dung nhà thơ, TS. Dương Văn Lượng
Ảnh: NVCC

Là một người lính, trải “binh đao, khói lửa”, nhưng ở Dương Văn Lượng, diện mạo, hành xử nho nhã, ông giống nhà giáo hơn là một sỹ quan trưởng thành qua trận mạc. Đọc thơ Dương Văn Lượng, người đọc trân quý cái tình của ông đối với quê hương. “Hồn quê”, “Vọng niệm”, “Ướt một câu hò”, “Người mẹ Quảng Bình”, “Phong Nha”, “Cây ngô đồng bên giếng”, “Những lá thư Trường Sơn”...là những đại diện cho “ký ức đồng quê” trong tâm hồn thơ Dương Văn Lượng.

Trước năm 1975, Quảng Bình là “tuyến lửa” của tuyến lửa. Nơi “đất thiếu, trời thừa” này, từ ngày 5/8/1964, không quân Mỹ tập trung đánh phá ác liệt, đặc biệt là các trọng điểm cầu Dài, cầu Lý Hòa, cầu Mỹ Đức, bến Nhật Lệ, phà Gianh, Long Đại, Quốc lộ 1, 15, Đường 12A, Đường 20 “Quyết Thắng”...Mảnh đất Quảng Bình, thấm máu biết bao thế hệ, trong việc bảo đảm giao thông vận tải, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Quảng Bình, chính là quê hương “Hai giỏi”, nơi “Xe chưa qua, nhà không tiếc” và khởi đầu của phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” trên đường Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh) huyền thoại, những năm đất nước chưa giải phóng. Biết bao bà mẹ Quảng Bình đã dâng hiến những đứa con của mình và máu xương của chính mình, trong những năm tháng ấy.

Dỡ nhà chống lầy cho xe tôi qua

Hầm “phòng không” dành chúng tôi ngủ

Trên đường vào Nam đánh giặc

Mạ vừa tiền tuyến

Mạ vừa hậu phương

(Người mẹ Quảng Bình)

Do Quảng Bình có vị trí đặc biệt như vậy, Quảng Bình đối với Dương Văn Lượng vừa là ký ức quê, vừa là ký ức chiến tranh. Trong ký ức nọ có ký ức kia, quện vào nhau nương trú trong tâm hồn nhà thơ. Ký ức ấy cho đến bây giờ luôn hiện hữu, khi lướt Facebook thời công nghệ cũng gợi nhớ những năm tháng Trường Sơn: “Đâu những lá thư Trường Sơn / Tấm lòng hậu phương gửi ra tiền tuyến / Vượt núi / Băng rừng / Đạn bom cháy sém / Lặng lẽ góp cùng người lính chiến công”, (Những lá thư Trường Sơn).

Thơ Dương Văn Lượng, cứ thế, chân mộc nhưng giàu cảm xúc.

Lệ Thủy quê nhà thơ Dương Văn Lượng là vùng văn hóa. Chắc chắn, đó là vùng “địa linh, nhân kiệt”, tâm phục khẩu phục. Lệ Thủy ôm vào lòng mình con sông Kiến Giang thơ mộng, cất giữ biết bao điều chưa giải thích hết của “văn hóa Bàu Tró”. Mảnh đất này xuất hiện những danh nhân niềm tự hào không chỉ riêng của Quảng Bình. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa được biết cặn kẽ, vì sao vùng đất Lệ Thủy, ngoài khanh tướng, công hầu, danh tướng trong lịch sử còn lắm văn nhân tài hoa đến vậy. Tức là, Lệ Thủy “văn võ song toàn”.

Trong di cảo của nhà thơ Ngô Minh, có tư liệu, sinh thời, nhà thơ Phùng Quán có lần nói, mỗi lần đi qua vùng Lệ Thủy, ông lại nghĩ, sao cái cùng cát trắng, gió lào cháy bỏng thế, lại sinh ra nhiều nhà thơ đến vậy? “Hình như chục cây số vuông có một hai nhà thơ!”, nhà thơ Phùng Quán ngạc nhiên. Rồi ông nhắc đến Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Vũ Thuật, Hải Kỳ…

Ngô Minh, quê Quảng Bình nên ông vui lắm, ông khoe với Phùng Quán, Lệ Thủy có hẳn vài chục người làm thơ có tên tuổi, bảng hiệu. Thế hệ kế tiếp đang ung dung “diện mạo” bây giờ là Trần Quang Đạo, Đỗ Hoàng, Nguyễn Thị Lê Na, Hoàng Thụy Anh, Dương Văn Lượng, Ngô Mậu Tình...Trong hồn thơ Dương Văn Lượng, cảm xúc về quê luôn bật dậy. Ông tự hào về cả đất và người.

...

Trai Lệ Thủy cày ruộng đồng xa

Lội bùn, đạp năn, mo cơm bới chặt

Nhân nghĩa giao duyên, mái dài, mái xắp

Khúc sông mái ruồi

Đò em ngược ngàn

(Uớt một câu hò)

Đọc mảng thơ “ký ức quê” của Dương Văn Lượng, tôi nhớ đến nhà thơ Nga Raxun Gamzatop (1923 – 2003). Raxun Gamzatop từng viết: “Chẳng lễ cái làng Đagheextan nhỏ bé lại đẹp hơn Vonizo, Cairo...?”. Với ông, mỗi lần trở về làng “Trên mỗi bước đi, tôi gặp lại mình, gặp lại thời thơ ấu của tôi, gặp lại những mùa xuân, những cơn mưa, những bông hoa và những chiếc lá rụng mùa thu của tôi”. Và ông khẳng định, không thể đổi làng lấy bất cứ thứ gì. Với Dương Văn Lượng, cũng như vậy. “Đi bốn phương trời / Quê hương neo đậu / Trút bóng phù vân / Tắm dòng thơ ấu”, (Vọng niệm).

c71.jpg
Quê hương với ai cũng là mạch nguồn cảm xúc thi ca
Ảnh: Internet

Với tất cả các nhà thơ, quê bao giờ cũng là “mạch nguồn” của cảm xúc. Tuy nhiên, mỗi người có một cách tiếp cận. Dương Văn Lượng là một tiến sỹ triết học, nên dù “chân quê”, thơ ông luôn có sự thâm trầm, ưu tư, triết mỹ. “Qua đình ngả mũ / Ngước mắt tam quan / Cúi đầu vọng niệm / Nỗi niềm thời gian” (Vọng niệm). Đó là những câu thơ của ngộ giác.

Bây giờ Quảng Bình nói chung và làng quê ông đã thay đổi. Trong sự thay đổi đó, có bóng dáng của được mất, có câu hỏi không phải chỉ dành cho một người. “Xóm thôn dáng dấp đô thị / Đèn khuya mờ ảo tỉnh say / Thắc thỏm nhiều đêm không ngủ / Nhà nông đau đáu đường cày”, (Đau đáu nhà nông).

Nhà thơ Dương Văn Lượng trước khi nghỉ hưu là một Đại tá, giảng viên của Học viện Chính trị quân sự. Ông đến với thơ, trước hết là giãi bày lòng mình. Ông làm đủ thể loại, từ các thể thơ của thế hệ “muôn năm” như Đường luật, Tứ tuyệt, Thất ngôn bát cú...trước khi đến với thơ tự do. “Khởi nghiệp” thơ chuyên nghiệp khá muộn, nhưng ông có nội lực. Bằng chứng là trong một thời gian ngắn, ông xuất bản đến 5 tập thơ: “Khoảng lặng”, năm 2017; “Miền ký ức”, năm 2018; “Hoa sóng”, năm 2019; “Qua miền tối sáng” và “Tự thức”, năm 2020. Theo đánh giá của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: Tập sau luôn khá hơn tập trước. Có lẽ vì thế, dù xuất hiện trên thi đàn muộn, nhưng Dương Văn Lượng “thẳng tiến” vào Hội Nhà văn Việt Nam, trở thành hội viên năm 2020.

Dẫu là người đã thất thập, nhưng Dương Văn Lượng luôn giữ cho mình tâm hồn trẻ trung, khiêm nhường, có ý thức đổi mới. Tài thơ có để phát lộ rất sớm, có thể xuất hiện khá muộn. Vấn đề quan trọng với người sáng tác là tác phẩm. “Đã bao mùa hoa tàn hoa nở / Bao trăng khuyết trăng tròn / Chuyến đò ngày đi chưa về bến cũ / Gốc ngô đồng sương rơi mái tóc / Hằng đêm gánh một gánh chờ”, (Gánh đợi). Dương Văn Lượng trĩu nặng gánh đợi, trong tâm hồn.

Ngày 7/4/2022

NĐH

Nhà thơ Ngô Đức Hành