Hải Kỳ, người thơ trong thơ

Văn hóa - Ngày đăng : 14:58, 21/07/2022

Với nhà thơ Hải Kỳ sự chân thật và không đánh mất mình sẽ làm nên chất sống, giúp người nghệ sĩ tìm ra hạnh phúc và sự sáng tạo. Ông đã nhận ra tình yêu là sự cứu cánh cho những bất hạnh, khổ đau.

Tôi có may mắn được gặp gỡ, quen biết với nhiều người nổi tiếng của Lệ Thủy, trong đó có cố thi sĩ Hải Kỳ. “Chao ôi cây nối liền cây/ Người sao chẳng biết cầm tay với người/ Giữa rừng em với mình tôi/ Lặng im giấu một khoảng trời Thiên An”, câu thơ cháy lòng của ông, nhiều người còn nhớ.

images557362_anh8.jpg
Nhà thơ Hải Kỳ (ngoài cùng bên phải) và các bạn thơ ở Quảng Bình
Ảnh: Báo Quảng Bình

Người thơ trên bục giảng

Thầy giáo Hải Kỳ (1949-2011), tên thật là Trần Văn Hải, có một tuổi thơ cay đắng khi mới 5 tuổi đã xa cha biền biệt do một lần từ Huế ra Quảng Bình cùng mẹ. Ông lớn lên và học Tiểu học, Trung học cơ sở ở Đồng Hới. Sau đó, vì chiến tranh quá ác liệt, mẹ cho sơ tán lên Lệ Thủy. Những năm học THPT tại quê nội, ông cùng lớp với Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, Đỗ Hoàng, Lê Đình Ty, Nguyễn Minh Hoàng... Những người thầy ảnh hưởng sâu sắc đến con đường sư phạm của Hải Kỳ sau này là thầy giáo dạy văn tài hoa, nổi tiếng Lương Duy Cán (nhà thơ Hà Nhật) và Phan Ngọc Thu.

Năm 1968, Hải Kỳ hoàn thành học cấp tốc sư phạm hai tháng, cùng thời gian đó mẹ ông mất trong một vụ máy bay Mỹ bắn rocket ở Cầu Rào, Đồng Hới. Đến năm 1980, ông mới vào học khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Huế. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, Hải Kỳ về dạy các trường THCS ở Đồng Hới. Cho đến bây giờ, các thế hệ học sinh từng học với ông vẫn luôn nhớ hình ảnh một thầy giáo chỉn chu trong ăn mặc và mô phạm từng giây từng phút ở mỗi giờ lên lớp. Ông có lối giảng văn bình thản, không bị gò bó ở sách giáo viên và các tập sách soạn sẵn. Vì thế, mỗi giờ lên lớp là một sáng tạo, đồng hiện với người nghệ sĩ. Học sinh học văn với ông thi thoảng vỗ tay, mắt tròn xoe nuốt từng câu, từng chữ. Học với Hải Kỳ là may mắn, bởi ông dạy văn với triết lý gắn văn với cuộc sống. Học sinh có thể thấy, có thể gặp, có thể vui, buồn, giận hờn và hạnh phúc với các nhân vật văn học như thể ngoài đời thực vậy.

Trong một lần thao giảng đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” (Ngữ văn 9), ông say sưa đàm thoại với học sinh và bất chợt hỏi: “Theo các em, qua nét vẽ của đại thi hào Nguyễn Du, Thúy Vân khác Thúy Kiều ở chỗ nào?”. Câu hỏi không có gì mới nhưng phần thảo luận vô cùng sôi nổi bởi học sinh tự do phát biểu. Cuối cùng ông chỉ mỉm cười và nêu vấn đề: Cả hai chị em Kiều đều rất đẹp, đẹp nghiêng nước nghiêng thành nhưng các em chú ý khi tả Thúy Vân, đại thi hào Nguyễn Du không vẽ đôi mắt mà chỉ nhắc “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”, còn riêng Thúy Kiều, đại thi hào tập trung vào đôi mắt và chính đôi mắt ấy khắc họa tâm hồn và đời sống bên trong của nhân vật này “Làn thu thủy, nét xuân sơn”. Nếu tôi là người họa sĩ, khi vẽ tranh hai nàng, tôi sẽ vẽ Thúy Vân không có mắt. Đoàn giáo sinh thực tập chúng tôi vỡ òa, đồng cảm, vui sướng. Cuối tiết dạy, ông dặn tôi: “Riêng Ngô Mậu Tình thầy mới nói, dạy văn phải thế. Nếu cứ rập khuôn máy móc theo sách vở, học sinh chán lắm vì các em đọc trước rồi, soạn rồi, biết rồi”. Ông nói với tôi, em biết không, Nguyễn Du rất dụng ý khi cho nhân vật Thúy Kiều gặp Kim Trọng sau khi vừa mới khóc than cho Đạm Tiên - một kĩ nữ bạc mệnh “nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”. Đây là dự báo cho một cuộc tình buồn “dư nước mắt”.

Có lần, thầy dạy thao giảng bài “Thương vợ” của Trần Tế Xương, các giáo viên góp ý nên theo sách hướng dẫn bài soạn của giáo viên. Thầy trao đổi lại: "Ai rơi vào cảnh của ông Tú mới hiểu được nỗi đau vì sự bất lực với manh áo, miếng cơm. Câu kếtCha mẹ thói đời ăn ở bạc/ Có chồng hờ hững cũng như khônglà tiếng chửi đời, nhưng cũng là tiếng chửi bản thân vô dụng”. Thương lắm, xót lắm cho những ông Tú ngày xưa. Sự gợi mở, kích hoạt tư duy là vấn đề nhà thơ Hải Kỳ đã làm hơn 20 năm về trước. Ông luôn ước vọng có một “thánh đường văn chương” ở trường học đúng nghĩa. Điều này, cho đến hiện nay vẫn đang là mơ ước.

lethuy13.jpg
Hình ảnh lễ hội đua thuyền Kiến Giang (Lệ Thủy)
Ảnh: báo Quảng Bình

Và nằm đếm sao trời

Với nhà thơ Hải Kỳ sự chân thật và không đánh mất mình sẽ làm nên chất sống, giúp người nghệ sĩ tìm ra hạnh phúc và sự sáng tạo. Ông đã nhận ra tình yêu là sự cứu cánh cho những bất hạnh, khổ đau. Cũng nhờ nó mà lúc nào tình cảm của con người cũng như vừa mới xảy ra, như thuở ban đầu: “Đêm này đêm Chúa giáng sinh/ Tình yêu tôi cũng tượng hình đêm nay/ Chúa Trời dang rộng cánh tay/ Trên cây thánh giá lưu đày khổ đau/ Tình yêu tôi cũng nhiệm mầu/ Đóng đinh tôi ngàn thuở đầu trang thơ/ Thiên thần cánh trắng như mơ/ Trong tôi bay liệng bây giờ là em..." (Dạ khúc Noel).

Hải Kỳ nằm đếm trời sao bằng cây đàn của riêng mình. Ông đã làm mới chính bản thân và thơ ca qua những phát hiện, sáng tạo độc đáo. Điều nhà thơ nói ngày hôm qua nhưng còn mới tươi, ám ảnh: “Tôi xin đăng ký dại khờ/ Để khôn ngoan chết bên bờ sông thương..." Đọc thơ ông, thế giới nghệ thuật hiện lên vừa gần gũi, thân quen vừa đằm sâu, triết lý. Ở đó người đọc không chỉ cảm nhận những mắc xích, ràng buộc níu kéo hồn người mà còn được dẫn dụ vào đời sống thường ngày với những vui buồn, khổ đau và ước mơ, ngóng vọng: “Tôi mang ơn người, mang ơn nụ cười trong trẻo thơ ngây/ như ốc đảo xanh tươi lữ hành sa mạc/ Là tôi, loài thi sĩ đam mê nụ cười của loài hoa, loài thảo mộc/ Dù đó là phù dung, là cỏ xanh, cỏ mặt trời/ và cả gai ngọn xương rồng/ Nhưng nụ cười của em mỗi sáng ban tặng cho tôi/ là bình minh của thơ ca báo trước ngày tuyệt đẹp/ Để tôi không còn buồn những hoàng hôn mỗi khi đối diện với mình/ Cỏ ơi, cỏ xanh mượt mà thơm thảo của tôi ơi !...”

Nhà thơ Hải Kỳ có những câu thơ tài hoa lưu lại hậu thế, chúng tôi chuyền tay nhau chép vào sổ yêu thơ để đọc, để ngẫm và để tự suy luận những triết lý có trong thơ ông: “Nếu mà tôi chẳng gặp em/ Làm sao tôi biết chiều êm mặt hồ/ Không gian lên núi tôi chờ/ Thời gian xuống nhẹ như tờ thư rơi… (Nếu mà tôi chẳng gặp em); Tiếng con chim Phật nghe rồi/ Cứ nghi hoặc đấy là lời hư vô/ Như là từ xửa từ xưa/ Khổ đau luyện mãi mà chưa thoát trần…" (Thăm Chùa Báo Quốc).

Đời giáo và đời thơ của Hải Kỳ quyện vào nhau như làm một. Nếu thơ đưa ông đến với công chúng cả nước thì dạy học đưa các thế hệ học trò đến với thế giới của cái đẹp lên ngôi. Ông là người không màng danh lợi, chỉ biết sống hết mình với thơ và nghề gõ đầu trẻ. Vì thế, ông đã tận hiến cho văn chương đến hơi thở cuối cùng: “Nếu ngày tôi chết, em ơi/ Xin chôn Thơ xuống cùng nơi tôi nằm/ Dù tôi ngủ giấc nghìn năm/ Cây Thơ xanh - rễ từ tâm xanh đầy”. Riêng tôi, vẫn nghe đâu đây tiếng nhà thơ Hải Kỳ đang đọc vang vang: “Câu này vần của ngày xưa/ Câu này điệu của bây giờ lạ không?”

Nhà thơ Ngô Mậu Tình