Chờ cho rau muống lên bờ...

Văn hóa - Ngày đăng : 10:36, 25/07/2022

VLR - Tôi không phải tạng lý sự nhưng can đảm dám quả quyết rằng, Việt Nam là đất nước của rau xanh, mùa nào rau ấy, nhưng rau muống vẫn là món ăn giản dị, dân dã ít khi vắng bóng trong bữa cơm gia đình Việt
1(1).jpg
Những túi rau củ 0 đồng phát miễn phí cho dân những ngày "đại dịch Covid-19" không thể thiếu rau muống


Mưa. Trời làm sũng nỗi buồn. Tự nhiên tôi thèm cuộng rau muống đỏ, vượt mưa. Ngày xưa, cứ cữ sau mưa tôi lặn lội ra cánh đồng trước mặt làng, đến ruộng rau muống nhà mình hái đọt. Sau những ngày nắng, có trận mưa, ruộng rau muống xốn xang, tất cả nhao nhao về phía mưa hớp háp. Ngọn rau vươn dài, xanh mọng. Chao ơi, thân rau tím hồng, cuộng to, nhõn lá xanh đầu ngọn, úp mở.

Tôi nhón hai ngón tay về phía cuộng rau. Non chanh á. Vừa hái, vừa tiếc. Để thế ngắm đẹp biết bao. Rau muống đỏ luộc lên thơm phức, giòn, vị đậm. Nhìn tô nước luộc rau mẹ vắt chanh vào, xanh mơ màng, bốc khói mà thèm.

Tôi là đệ tử của rau muống, luộc hay xào đều mê. Nhà quê ngày xưa chỉ biết thế thôi. Dân Nghệ bao đời lam lũ, nghèo khó nên không có điều kiện nghĩ đến “chế biến” món ngon như các vùng miền. Thành ngữ “chém to kho mặn”, chê bai người miền Trung, có lẽ do chuyện này. Tôi không nghiên cứu kỹ, nhưng có phần tự tin ở cách lý giải của mình. Bây giờ thì khác rồi, hội nhập, quê lên phố, người quê đã biết ăn sang, chảnh, con gái lớn lên đã khéo nữ công gia chánh, không như người “đời sơ” nữa. Nghe nói từ rau muống, bây giờ người ta có thể chế biến ra 34 món lận, riêng dưa rau muống đã có đến 8 loại.

Tôi người “nhà quê” chỉ biết thêm mấy món như nộm rau muống, rau muống nấu canh cua / hoặc ghẹ biển, rau muống xào thịt trâu...Mà quên, món quê nhà còn dưa rau muống. Bây giờ em dâu tôi vẫn làm. Rau muống được phơi héo, muối trường (muối mặn), có thể muối riêng hoặc muối lẫn xơ mít. Mùa tháng 10, ở quê thường có tôm rảo vùng nước lợ, cá diếc trứng. Loại tôm cá này kho cùng nhút rau muống, bảo đảm thôi rồi. Thơm lừng nhà, vừa nghe mùi bay tới đầu cánh mũi, bụng đã sôi cồn cào. Thèm ăn.

Hôm vừa rồi tôi về quê, ruộng không còn, nhớ ao rau muống nôn nao. Cũng chẳng hiểu vì sao, trên mâm cơm ít rau muống. Tôi hỏi thì chú em trai bảo người ta đồn ăn rau muống ung thư. Buồn cười thế đấy, con người nhiều khi trở thành “nô lệ” của tin đồn. Mà không chỉ tin đồn, ngay trên báo cũng đầy rẫy thông tin về rau muống, đá nhau. Ngay trên một tờ báo, tháng trước thì viết rau muống là vị thuốc chữa bệnh tiểu đường, khó tiêu, táo bón, tháng sau đã đăng bài rau muống cực tốt và cực độc...Chẳng biết thế nào mà lần. Thôi thì cứ phải phấn đấu là người tiêu dùng thông minh, cái gì thái quá cũng không tốt, rau không ngoại lệ.

Hồi mới giải phóng miền Nam tôi đã có mặt ở Nam bộ. Chao ôi rau muống. Trên các sạp rau từ chợ thị trấn huyện lẻ cho đến các chợ trung tâm lớn như ở Cần Thơ bao la rau muống. Hỏi các chế bán hàng thì biết trong Nam bộ hồi đó gọi là rau heo, cắt bán cho người nuôi heo, con người không ăn. Bây giờ thì đã khác, bà con Nam bộ đã ăn rau muống. Văn hóa ẩm thực cũng có giao thoa vùng miền. Nó cũng là thứ ngôn ngữ của hòa hợp.

Tôi không phải tạng lý sự nhưng can đảm dám quả quyết rằng, Việt Nam là đất nước của rau xanh, mùa nào rau ấy, nhưng rau muống vẫn là món ăn giản dị, dân dã ít khi vắng bóng trong bữa cơm gia đình Việt. Tôi không dám đại ngôn nhưng sẵn sàng đưa ra quan điểm rau muống là món rau thuần Việt nhất trong bữa ăn người Việt.

images1607547_4.jpg
Nông dân Nam Lộc (Nam Đàn, Nghệ An) trồng rau muống xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Báo Nghệ An.

Việt Nam, từ xa xưa đã là đất nước của thi ca, không có thứ gì không thành thi ảnh ẩn dụ trong thơ ca, ngay cả rau muống. Thời bé, tôi đã được bà nội hát câu “Làm rể chớ xào thịt trâu, / Làm dâu chớ xào rau muống”, khi bà đưa võng. Nó “hao” nên dễ “mang tiếng” cho rể, cho dâu. Tôi lại nghĩ theo khía cạnh khác, luộc hay xào rau muống, tưởng dễ mà khó. Làm sao đĩa rau vừa đủ chín tới, “Trâu thì kho / Bò thì tái / Muống thì vừa / Cải thì nhừ” (ca dao), xanh ngăn ngắt mới là nàng dâu đảm.

Khi đã được đi đây, đi đó đến với nhiều vùng miền tôi mới phát hiện ra, nhiều đầu bếp làm món xào rau muống siêu hạng. Rau muống non, chỉ lấy cuộng thôi, cuộng được đập dập trước khi xào. Rau nhờ thế ngấm gia vị, ngon hơn nhiều. Đĩa rau bê lên mâm xanh, mềm, trên có quả ớt đỏ vắt ngang, tép tỏi vắt dọc, nhìn mát mắt. Ăn trước hết bằng nhãn giác, thính giác sau cùng mới đến vị giác. Rau muống xào ở Sài Gòn làm bắt mắt hơn Hà Nội.

Trong các loại rau muống, rau muống đỏ thường hiếm hơn, bán đắt hơn. Xếp hạng là rau muống đỏ, rau muống xanh, rau muống gieo hạt. Vào cữ đông, khi không đúng mùa rau muống nữa, ao rau muống đỏ nhà tôi ra hoa. 5 cánh hoa mềm mại, cánh trắng, loa hoa phớt hồng như gò má thiếu nữ tuổi dậy thì, thật đáng yêu. Hoa rau muống nhà không khác mấy rau muống biển vẫn mọc lang thang.

Giữa ruộng rau muống nhà tôi và nhà bên được cắm mấy cọc tre còn tiện việc cho từng nhà chăm sóc. Trên những cọc tre mùa tháng 10 chuồn cuồn thiu thiu ngủ, bóng soi xuống nước. Thi thoảng những cá tràu nhẩy lên, cá rô búng nước. Đó là mùa thu, trong ký ức cô cậu làng quê. Từ mùa thu trở đi, nhất là cữ đông phía Bắc, rau muống không còn ngon như mùa hè. Thay vào đó là bắp cải, su hào, khoai tây vụ đông...Vậy nhưng, thi thoảng vẫn thèm.

Nhà em có vại cà đầy / Có ao rau muống, có đầy chĩnh tương” (ca dao). Nhà tôi cũng như nhà em, lớn lên nhờ bờ ruộng, trong tâm hồn có tương cà, mắm muối những ngày đắp đổi.

Tản văn của Võ Thị Phương Thủy