Cá Linh miền Tây

Văn hóa - Ngày đăng : 08:05, 26/07/2022

Tôi cứ nghĩ mãi vì sao và ai đặt tên cho loài sản vật vùng sông nước này là cá Linh. Trong văn hóa tâm linh Việt Nam, “linh” thường được đặt trong “cấu trúc” triết học như “thần linh”, “linh ứng”, “linh nghiệm”...Phải chăng, cá Linh là sản vận thiên nhiên do trời đất linh thiêng ban tặng vùng đất này?
15-35-58_nh_6.jpg
Mùa nước nổi Nam bộ bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, mùa này thường xuất hiện rất nhiều cá linh.

Bất giác nhớ miền Tây, nhớ vùng đất hào phóng châu thổ, dẫu còn chừng 2 tháng nữa mới đến mùa cá Linh. Năm 2014, tôi dẫn đầu một đoàn nhà văn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đi tham quan thực tế việc thi công cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh. Sau khi thăm quan cầu Cao Lãnh thì đã quá trưa. Đói và thấm mệt.

Nhà thơ Lê Thanh My, lúc đó là Tổng biên tập Tạp chí Thất Sơn của Hội Văn học nghệ thuật An Giang nhận làm “thổ công” châu thổ đưa cả đoàn vào một nhà hàng nổi tiếng chị từng ghé ở TP. Cao Lãnh. Lê Thanh My, ít nói, chỉ đôi mắt cười làm xốn xang người đối diện bí mật đến phút cuối thực đơn. Trời, chị gọi lẩu chua cá Linh và cá Linh kho lạt chấm với rau đồng. Đấy là lần đầu tôi được “xõa” giữa miền cá Linh.

Theo nhà thơ Lê Thanh My, cá Linh là một trong những món ăn thành bản sắc miền Tây Nam Bộ vào mùa nước nổi. Cá Linh với Nam Bộ, không khác chi cá Bống sông Trà, nếu ai có dịp qua Quảng Ngãi. Bỗng tôi nhớ người bạn vốn là Giám đốc Cảng vụ Hàng hải An Giang, anh bảo “Nói đi ăn cá Linh là xúc phạm đến văn hóa?”. Sau đó tôi mới hiểu, phải gọi đúng từ là “đi thưởng thức ẩm thực cá Linh”. Hai cách nói về bản chất là một, nhưng dùng từ “thưởng thức”, món cá Linh đã không còn là vật thể. Tôi là người phụ trách dẫn đoàn, được ưu tiên ngồi bên nhà thơ Nam Bộ. Vừa ăn vừa hiểu, vừa hiểu vừa ngộ.

Thanh My vừa ăn vừa giải thích cặn kẽ với tôi. Hóa ra, không như cá Bống sông Trà, cá Linh có vụ. Bắt đầu từ Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm, nước lũ từ thượng nguồn sông Me Kong ở Campuchia đổ về. An Giang đầu nguồn sông Tiền khi chảy sang Việt Nam, hết An Giang sang Đồng Tháp...Nước về cũng là lúc cá Linh theo về.

Miền Tây Nam Bộ thật hào phóng. Thiên nhiên thương người lam lũ. Miệt sông nước này sinh ra bao thứ để nuôi nấng người nghèo, từ lúa Trời, bông Súng, Điên điển,... đến cá Linh. Ngâm mình trong nước vớt bông Súng, đóng đáy bắt cá Linh được gọi là nghề “hạ bạc”. Ngày xưa, cũng là người nghèo ăn thôi. Ngoài các món ăn từ cá tươi, cá Linh còn được ủ nước mắm, làm mắm để dành ăn quanh năm. Nói chuyện mắm, nghe đâu mắm cá Linh cũng “trứ danh” như mắm Rươi ngoài Bắc. Chỉ những người sành ăn, tao thú may ra mới nghĩ đến những thức này trong bữa ăn gia đình.

15-35-58_nh_12.jpg
Canh chua Điên điển cá Linh / Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon (ca dao)

Ai đến miền Tây mà không nghe qua câu ca dao:“Canh chua Điên điển cá Linh / Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon”. Nồi lẩu cá Linh trước mắt chúng tôi rộm vàng bông Điên điển, óng tơ lõi bông Súng. Lê Thanh My xứng danh là con gái đầu nguồn sông Tiền, càng xứng đẳng cấp về nữ công gia chánh. Khi nồi lẩu đã sôi ùng ục, tay nhà thơ nữ thoăn thắt nêm nếm, múc từng muỗng cá Linh cho vào, nhẹ nhàng, cưng nựng. Cá chín bốc mùi thơm ngát, đặc trưng. Cá Linh đầu mùa thật ngon, ngọt thịt, chỉ bé như đầu đũa thôi. Thanh My giải thích, người dân gọi là cá Linh non.

Món cá Linh non đầu mùa tiếp theo, trước mặt chúng tôi được kho với nước dừa tươi. Vị béo ngậy của cá quyện với vị ngọt của nước dừa, vị chua cay của me dầm và ớt đỏ khiến món ăn dân dã một thời trở nên khác biệt và khó quên.

Ban Tổ chức Trại sáng tác còn có nhà văn Đào Thắng, nhà thơ Lê Tuấn Lộc và mấy anh chị em giúp việc. Ngon đến trầm trồ, ngạc nhiên. Mâm nào cũng gọi thêm vài đĩa cá Linh. Ăn cho đỡ phí một lần đến với miền Tây, lỡ một mùa nước nổi.

Trước đây, sản vật sông nước này nhiều đến nỗi chỉ cần dùng vợt lớn xúc ngược dòng nước cũng đủ cho bữa ăn hàng ngày. Bởi thế, người dân miền Tây thường ví von: “nhiều như cá Linh”. Ngoài chợ nghe đâu người ta đong, bán cá Linh bằng giạ như đong lúa chứ không cân ký như bây giờ.

Người khôn thì của hiếm. Quy luật muôn đời thế. Bây giờ, các món ăn từ cá Linh thành món “sang chảnh” của “nhà có điều kiện”, của các nhà hàng lớn bé từ đô thị đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh cho đến các thủ phủ miền Tây.

Đấy là chưa nói đến nhân tai. Đó là câu chuyện dài về các nước làm thủy điện trên thượng nguồn sông Mê kông. Thượng nguồn nước ít về thì hạ nguồn chua phèn, nhiễm mặn. Môi trường sống của cá Linh và các loài thủy sản khác vùng châu thổ bị thu hẹp. Cạn nguồn là lẽ thường tình. Cứ hễ con nước càng dâng cao, cá Linh sẽ về càng nhiều, nước về ít thì hiếm thôi. Đồng bằng sông Cửu Long được biết đến là vùng sông nước, e một ngày không xa thiếu nước, nếu thiếu hợp tác giữa con người với nhau, giữa quốc gia với quốc gia.

Mùa này cá Linh đã về mới miền Tây. Nam Bộ vùng đất hiền hòa, phóng khoáng. Có biết bao thứ để người đi qua ước mong trở lại. Cá Linh là một vũ khúc mùa của đồng bằng châu thổ, nơi có hai con sông Tiền và sông Hậu.

Tôi cứ nghĩ mãi vì sao và ai đặt tên cho loài sản vật vùng sông nước này là cá Linh. Trong văn hóa tâm linh Việt Nam, “linh” thường được đặt trong “cấu trúc” triết học như “thần linh”, “linh ứng”, “linh nghiệm”... Phải chăng, cá Linh là sản vận thiên nhiên do trời đất linh thiêng ban tặng vùng đất này? Mùa cá về là “mùa linh”? Và chắc chắn dân gian sẽ có nhiều giai thoại thú vị.

Chưa ai trả lời nên tôi sẽ trở lại!

Tản văn của Ngô Đức Hành