Ca sỹ Lê Hương Huệ, hát bằng tấm lòng tri ân

Văn hóa - Ngày đăng : 20:39, 28/07/2022

Ca sỹ Lê Hương Huệ không dấu được niềm vui, khi những ngày qua chị được tham gia sàn diễn tri ân nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sỹ. “Chạy show mệt, nhưng em hạnh phúc lắm”, chị chia sẻ.

Năm ngoái, 2021, tôi có dịp gặp Lê Hương Huệ trong thời điểm “giãn cách xã hội” phòng, chống đại dịch COVID-19. Tôi không khỏi “kinh ngạc” khi chị cho biết, tháng 7 vừa qua vừa qua chị cho ra mắt khán giả Album vol2 có tựa đề “Tình ca người lính”. Chị bảo, đây là “món quà” tinh thần tri ân những anh hùng liệt sĩ, thương binh đã dành cả thanh xuân của mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Vol2 phát hành đúng Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7/2021.

z3599726268327_e59433db9bc62246505c61a900d7764a(1).jpg
Lê Hương Huệ luôn hát bằng cả tấm lòng tri ân

Tình ca người lính” gồm 11 ca khúc quen thuộc, đã đi cùng năm tháng, in sâu trong tâm hồn người nghe như: “Hương thầm” (Vũ Hoàng), “Mùa xuân” (Phạm Minh Tuấn), “Mẹ” (Phan Long), “Em vẫn đợi anh về” (Hoàng Hiệp), “Anh ở đầu sông em cuối sông” (Phan Huỳnh Điểu)… Các ca khúc này được nhạc sĩ Trọng Phương hoà âm phối khí. Anh cũng chính là người phối khí Album đầu tay “Nghe em hát í a” của Lê Hương Huệ.

Đã từ lâu, em ước mơ làm một CD về người lính, bởi hình ảnh những người lính đã in đậm trong tâm trí mình về sự dũng cảm, anh hùng trong sự nghiệp giải phóng đất nước trước đây cũng như bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Khi hát về người lính, em luôn tràn đầy cảm xúc ngưỡng mộ, biết ơn", ca sỹ gốc Thanh trải lòng.

Sau Vol2, Vol3 “Nhớ mãi ơn Người”. Đó là Album gồm 9 bài hát “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” (Trần Hoàn), “Vào lăng viếng Bác” (Hoàng Hiệp), “Bác Hồ một tình yêu bao la” (Thuận Yến), “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó” (Nguyễn Tài Tuệ), “Lời ca dâng Bác” (Trọng Loan), “Người về thăm quê” (Thuận Yến), “Đêm nghe hát đò đưa” (An Thuyên), “Thăm bến Nhà Rồng” (Trần Hoàn), “Miền Trung nhớ Bác” (Thuận Yến). Các nhạc sỹ sáng tác các ca khúc này đều là những “tên tuổi” lớn, đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh (Trần Hoàn, Hoàng Hiệp, Thuận Yến, Doãn Nho) hoặc Giải thưởng Nhà nước (Nguyễn Tài Tuệ, An Thuyên) về văn học nghệ thuật. Riêng biểu diễn đã gắn liền với những giọng ca “đỉnh” như NSND. Thu Hiền, NSND. Thái Bảo, các ca sỹ Anh Thơ, Trọng Tấn, Tân Nhàn, Phạm Phương Thảo...

Vol3 “Nhớ mãi ơn Người” của Lê Hương Huệ đã được phát hành vào dịp Quốc khánh 2/9 vừa rồi. Tôi thực sự nể sức làm việc của chị, nhất là giữa “thời buổi” dịch bệnh COVID-19, Hà Nội đang thời điểm “giãn cách” và việc phát hành CD, MV từ lâu đã rất khó khăn. Đam mê, muốn cống hiến thì dấn thân, Lê Hương Huệ chân thành.

***

z2691019004616_a67eb7f0e9f4878a808d38ea73476ad4(1).jpg
Say mê ca hát và bộ lộ năng khiếu từ nhỏ

Lê Hương Huệ sinh ra và lớn lên ở vùng đất lúa Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Dù “cái nôi” gia đình không phải nghệ thuật nhưng chị em nhà Huệ đều đam mê ca hát. Say mê ca hát từ nhỏ, sau khi tốt nghiệp Đại học Văn hóa, Lê Hương Huệ về “đầu quân” cho Đại học quốc gia Hà Nội, tham gia các hoạt động văn nghệ của trường. Năm 2017, Hương Huệ được tin có cuộc Liên hoan Tiếng hát Việt Nam - ASEAN tại thủ đô Vientiane (Lào). Chị xin phép nhà trường tham gia.

Lê Hương Huệ là người cuối cùng đăng ký và qua “sát hạch” được chọn là một trong 16 thí sinh Việt Nam dự thi vòng loại cùng với các thí sinh các nước ASEAN. Để tham gia, chị phải cố gắng và quyết tâm rất lớn. Thời gian chuẩn bị chỉ được một tuần. Nhiều công đoạn như tập hát, tập với nhạc phối sẵn và tập với nhạc công. Chị còn phải dành không ít thời gian chuẩn bị trang phục biểu diễn đặc trưng văn hóa Việt mà cụ thể là khăn áo, nón quai thao quan họ, áo dài các màu cho phù hợp… Rồi tiền nữa, vì thí sinh phải tự túc vé máy bay. Có lúc khuya chợt nhớ thiếu cái gì đó lại gọi điện cậy nhờ. Rất may là Ban tổ chức và bạn bè luôn động viên, giúp đỡ.

Em lo lắng hơn cả đi thi Đại học, nhưng cũng thấy được vinh dự và tự hào được mang tên là thí sinh Việt Nam “mang chuông đi gõ nước người””, Lê Hương Huệ nhớ lại cảm xúc. Đó là “dấu ấn” nhập thân đầu tiên trên sân khấu chuyên nghiệp. Sau đêm thi vòng loại, chị đứng trong tốp 16 thí sinh của 7 nước cùng vào vòng chung kết.

Đêm chung kết Liên hoan Tiếng hát Việt Nam - ASEAN diễn ra sôi nổi và hồi hộp. Dù đã tập bài khác nhưng chị quyết định hát lại ca khúc đã hát ở vòng loại là “Làng quan họ quê tôi”, (nhạc Nguyễn Trọng Tạo, thơ Nguyễn Phan Hách). Theo chị, lần thi vòng loại hát chưa được như khả năng và ý muốn của mình. Vừa lợi thế, vừa dễ bất cập: “Em phải vượt lên vòng loại bằng chất lượng mới để chinh phục tuyết đối Ban Giám khảo”, Lê Hương Huệ chia sẻ.

Và với bộ áo tứ thân mớ ba mớ bảy, với khăn vấn tóc và chiếc nón quai thao đặc trưng xứ quan họ, Lê Hương Huệ xuất hiện rực rỡ trong tiếng vỗ tay cổ vũ của mọi người. Khi giọng hát dịu dàng, đằm thắm giàu nhạc cảm của cô vừa cất lên đã làm lay động những trái tim đang hướng về thí sinh đến từ Việt Nam. Khi câu hát cuối cùng được hát lên thật trong trẻo và tha thiết: “Theo lời hát, nhắn ai… nhớ về quan họ quê tôi, làng quan họ quê tôi” tiếng vỗ tay vang lên không dứt.

z2691097321793_13b111d5b093ffbd1ff0d8d06aece4e8.jpg
Lê Hương Huệ đặc biệt yêu những làn điệu dân ca quan họ

Lê Hương Huệ đặc biệt yêu yêu những làn điệu dân ca quan họ và thích hát những bài hát mới mang âm hưởng quan họ như “Làng quan họ quê tôi”, “Khách đến chơi nhà” (nhạc sĩ Lê Minh), “Gửi về quan họ” (nhạc sĩ Đức Miêng)… Nhưng tại sao chị lại chọn “Làng quan họ quê tôi” để đến với liên hoan này? Đây là thắc mắc của nhiều người quan tâm đến Lê Hương Huệ.

Chị cho biết, đây là một ca khúc mà mình yêu thích từ nhỏ, khi theo mẹ đi xem văn nghệ biểu diễn tại nhà máy thuốc lá Thanh Hóa, nơi mẹ chị làm việc. Sau này Lê Hương Huệ vẫn thường hát bài này, và nhận ra đây là một ca khúc không dễ hát, nhưng khi đã hát được thì lại có thể khoe được giọng hát bay bổng và trong trẻo của mình.

Khi MC Lê Anh xướng tên 2 thí sinh đoạt giải Nhì thì có tên Lê Hương Huệ. Em xúc động không cầm được nước mắt. Dù biết mình không thể được giải Nhất vì đã nghe thí sinh Nguyễn Thị Kim Liên, Việt kiều Thái Lan hát ca khúc “Đất nước lời ru” rất tuyệt vời, nhưng em hạnh phúc”, Lê Hương Huệ nhớ lại.

***

Sau cuộc liên hoan “đầu đời”, Lê Hương Huệ đạt được ước mơ của mình. Đó là được sự ghi nhận của Ban giám khảo tầm cỡ và của công chúng đối với giọng hát của mình. Phần thưởng quí giá đó là nguồn cổ vũ lớn lao đối với một cô giáo luôn đam mê ca hát. Năm 2018, Lê Hương Huệ đạt Huy chương Bạc tại “Liên hoan tôi yêu tiếng nước tôi toàn thế giới lần thứ nhất” tại Praha (Cộng hòa Séc). Sân khấu trung tâm chấu Âu một lần khẳng định giọng hát Lê Hương Huệ. “Dù sao em vẫn nhớ dấu ấn của lần đầu hơn”, chị cười tinh nghịch nhưng rất đúng khi nói về Liên hoan Tiếng hát Việt Nam - ASEAN tại thủ đô Vientiane, trước đó.

Cuối năm 2018, tôi được nghe trực tiếp tiếng hát Lê Hương Huệ trong đêm nhạc “Nguyễn Trọng Tạo – Khút hát sông quê” trên sân khấu Cung Văn hóa lao động TP. Vinh (Nghệ An). Chị trong trẻo thanh thoát trong “Làng quan họ quê tôi”, “Tình biên cương” – (song ca cùng NSND Thanh Hoa)...những khúc da diết của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo.

Nghe Lê Hương Huệ hát, có thể còn chưa đạt đến thứ hạng cao, nhưng sự khác biệt đấy chính là cái tình, là trái tim rung lên ca khúc”, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo ngồi dưới sân khấu chia sẻ với tôi. Chính nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo là người phát hiện ra năng khiếu của Lê Hương Huệ, nâng đỡ, động viên chị trên con đường nghệ thuật.

le-huong-hue(1).jpg
Thế hệ chúng em lớn lên thì Bác Hồ đã đi xa hàng chục năm, nhưng Bác mãi là tấm gương

Vol1 “Nghe em hát í ra” 12 ca khúc, Vol2 "Tình ca người lính" 11 ca khúc, Vol3 “Nhớ mãi ơn Người” 9 ca khúc đều thuộc dòng dân ca đương đại. Nghe Lê Hương Huệ kể hành trình làm các album, cảm được tình yêu ngày càng mê đắm mà chị lựa chọn, dâng hiến. Điều đó giúp chị vượt qua nhiều khó khăn, áp lực, ngay cả áp lực của nhiều ca sỹ đã “định danh” với những bài hát và thói quen nghe âm nhạc trên “không gian số” của người nghe nhạc. Bảo vệ luận án tiến sỹ, mỗi năm ra một album, quả thật câu chuyện không giản đơn với một cô gái trẻ, một mình bươn chải ở Hà Nội như Hương Huệ.

Hương Huệ bảo: “Thế hệ chúng em lớn lên thì Bác Hồ đã đi xa hàng chục năm, nhưng Bác mãi là tấm gương: "Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Đời đời chúng em ghi nhớ công ơn Người. Em rất vui, thực hiện Vol3 thay cho tấm lòng tri ân”. Trong nụ cười của chị, tôi nhận ta vẹn nguyên trong trẻo.

Lê Hương Huệ không dấu được niềm vui, khi những ngày qua chị được tham gia sàn diễn tri ân nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sỹ. Các bài hát được “giao phó” thực hiện là “Mẹ” (nhạc Phan Long), “Đi trong hương tràm” (nhạc Thuận Yến, thơ Hoài Vũ), “Em vẫn đợi anh về” (nhạc Hoàng Hiệp, thơ Lê Giang) và “Ngày mai anh lên đường” (nhạc Hoàng Hiệp, thơ Lê Giang).

Đây là những bài hát đi cùng năm tháng, gắn với nhiều tên ca sỹ hàng đầu lâu nay; tuy nhiên, Lê Hương Huệ đã thành công khi “đốt mình” cùng giai điệu âm nhạc. “Chạy show mệt, nhưng em hạnh phúc lắm”, chị chia sẻ. Lê Hương Huệ nói bằng cả tấm lòng.

Ngô Đức Hành