Xét tặng NSND, NSƯT nhiều tiếc nuối, dù đang ở "phút 89"

Văn hóa - Ngày đăng : 12:45, 02/08/2022

Nghị định của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sỹ Nhân dân", “Nghệ sỹ Ưu tú” là trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có “tuổi thọ” ngắn nhất. Nghị định 40/2021/NĐ-CP ban hành năm ngoái nhưng đã có bất cập. Đã đến lúc cần thắt chặt việc trao tặng danh hiệu nghệ sỹ.
nsut(1).jpg
Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSUT lần thứ IX, năm 2019. Nguồn: Internet

Hồi hộp “phút 89”

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) vừa đăng tải danh sách 139 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”- NSND và 348 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”- NSƯT.

Đây là danh sách do 5 Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND), “Nghệ sĩ ưu tú” (NSƯT) lần thứ 10 lên Cổng Thông tin điện tử của Bộ VHTTDL để lấy ý kiến của nhân dân. Như vậy, “quả bóng” đã được “đá” lên Hội đồng cao nhất. Sự hồi hộp đang đến với những người trong cuộc. Trong danh sách các hồ sơ được đề nghị xét tặng danh hiệu lần này, lĩnh vực có số hồ sơ đông nhất là Sân khấu với 88 hồ sơ được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 215 hồ sơ đề nghị xét tặng NSƯT. Lĩnh vực Âm nhạc có 45 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 67 hồ sơ xét tặng danh hiệu NSƯT.

Ở danh sách các hồ sơ được đề nghị xét tặng được đăng tải để xin ý kiến nhân dân trong đợt này có nhiều tên tuổi quen thuộc với công chúng như các NSƯT Thanh Lam; Bùi Công Duy, Trần Ly Ly, Tân Nhàn…Nhiều nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng cũng có tên trong danh sách xét tặng dịp này: NSƯT Đức Trung, Trần Đức, Chí Trung, Xuân Bắc, Quốc Khánh, Nguyễn Tiến Quang (Quang Tèo), Mỹ Uyên, Quốc Khánh, Trịnh Kim Chi…

Việc lấy ý kiến của nhân dân sẽ được tiến hành trong vòng 20 ngày, bắt đầu từ 26/7 đến hết ngày 16/8 trước khi Hội đồng cấp Nhà nước họp theo quy định.

Từ trước đến nay, danh hiệu NSND, NSƯT luôn gắn liền với hoạt động biểu diễn. Để đạt được danh hiệu NSND, NSƯT, nghệ sĩ cần phải đáp ứng một số tiêu chí cụ thể. Ví dụ: nghệ sĩ phải hoạt động nghệ thuật liên tục hoặc cộng dồn theo số năm nhất định (20 năm với NSND và 15 năm với NSƯT) và có được một số giải thưởng Vàng, Bạc (quy đổi phù hợp với từng danh hiệu) tại các giải thưởng chuyên nghiệp, các Hội diễn toàn quốc...

Ngoài ra, có một số ngoại lệ cho các nghệ sĩ cao tuổi, có nhiều cống hiến, tích cực tham gia các nhiệm vụ chính trị của địa phương và cả nước, giảng viên các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật... dù không đủ giải thưởng vẫn có thể được xét tặng danh hiệu.

Hai từ “cống hiến”, dường như đang được vận dụng đối với các nghệ sỹ có “thâm niên” phục vụ; có thể nghệ sỹ đã về hưu lâu năm, không còn dính dáng gì đến hoạt động nghệ thuật; hoàn toàn không có ý nghĩa gì về đóng góp, thành tựu công chúng biết đến. Danh hiệu nhà nước đâu giống phần thưởng nhà nước để động viên?

nsut-thoai-my.jpg
Dù "trượt" danh sách NSND nhưng NSUT. Thoại Mỹ nói, chị “không hổ thẹn vì điều này bởi chị đã cống hiến hết mình cho sân khấu”. Ảnh: Internet

Tiếc nuối và hụt hẫng

Có nhiều ý kiến trên các diễn đàn cho rằng danh xưng NSND, NSƯT ngày nay quá đại trà, dẫn đến việc công chúng nghe xong thấy thờ ơ. Nếu cứ áp theo tiêu chuẩn quy định thì không lâu sau chúng ta sẽ có vô cùng nhiều NSND, NSƯT, trong đấy sẽ có không ít người đạt danh hiệu NSND nhưng nhân dân không biết tên.

Nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên đề xuất phong tặng danh hiệu cho những nghệ sĩ có đóng góp to lớn, mang tính ảnh hưởng, mang tính biểu tượng cho từng lĩnh vực chứ bây giờ danh hiệu sao quá dễ dàng. Có những nghệ sỹ chưa có cống hiến gì to lớn, không có tác phẩm có dấu ấn riêng, không sáng tạo ra giá trị nghệ thuật mới, không tham gia các hoạt động văn hoá văn nghệ tại các tỉnh, thành, cống hiến nhiều cho xã hội lại được vinh danh.

NSND là phải nhân dân biết, mang danh nhân dân mà không ai biết đến nghệ sỹ ấy, họ có cống hiến gì thì thật buồn. Danh hiệu sao ngày càng rẻ rúng thế”, NSND Thanh Hoa ngao ngán khi trao đổi.

Năm 2021, NSƯT. Xuân Hinh – một nghệ sỹ cả nước biết đến, cũng “trượt” NSND, khi trả lời phỏng vấn, ông chia sẻ: “Cũng chạnh lòng chứ, vì thấy đồng nghiệp, đàn em đạt danh hiệu NSND cả rồi. Nhưng có những cái tôi không hiểu nếu căn cứ vào huy chương, giải vàng ở các kì liên hoan, hội diễn để làm gì, vì có phải người nghệ sĩ nào cũng có điều kiện để đi thi đâu". “Hạnh phúc nhất là được nhân dân ghi nhận”, dù rằng câu nói này là “liệu pháp tâm lý” của NSƯT Xuân Hinh lúc đó, nhưng nó là thực tế, muôn đời đúng. Năm nay, NSƯT Xuân Hinh cũng không có tên.

Với những người quan tâm đến nghệ thuật và xét tặng danh hiệu, họ tiếc khi trong 139 hồ sơ gửi lên Hội đồng cấp Nhà nước, không có tên anh em nghệ sỹ xiếc NSƯT. Quốc Cơ và NSƯT Quốc Nghiệp. Chính họ làm rạng danh “màu cờ sắc áo” nghệ thuật Việt Nam trên thế giới; hoặc người có ảnh hưởng công chúng như NSƯT Thoại Mỹ....vẫn trượt. Nhiều nghệ sĩ thực tài, nhiều cống hiến vẫn không có tên trong danh sách xét tặng NSND một cách khó hiểu. Chưa công bố, giới trong nghề vừa không tâm phục khẩu phục; chắc chắn sau khi danh sách được công bố sẽ ì xèo, tiếc nuối.

Nghị định của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sỹ Nhân dân", “Nghệ sỹ Ưu tú” là trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có “tuổi thọ” ngắn nhất. Nghị định 40/2021/NĐ-CP ban hành năm ngoái nhưng đã có bất cập.

Nhiều nghệ sỹ có uy tín cho rằng, đã đến lúc cần thắt chặt việc trao tặng danh hiệu, để khi nhắc đến một ai đó đạt danh hiệu NSND cao quý thì đấy không chỉ là niềm vinh dự của cá nhân nghệ sĩ, mà còn là niềm tự hào của một lĩnh vực nghệ thuật và được đông đảo công chúng yêu mến trân quý.

Võ Thị Phương Thủy