Ngành bán lẻ trực tuyến: Cơ hội nào cho doanh nghiệp dịch vụ logistics?
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 13:38, 15/05/2018
Sự tăng trưởng và rủi ro
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện hơn một nửa dân số Việt Nam (VN) sử dụng internet thông qua nhiều hình thức và đang nằm trong top dẫn đầu về thời gian trực tuyến tại Đông Nam Á. Một trong những điểm đáng chú ý là người dân có xu hướng mua bán trực tuyến qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, các mạng xã hội ngày càng tăng. Cùng với đó cũng có hàng trăm DN cho ra đời các website bán hàng trực tuyến với sản phẩm, dịch vụ, hình thức thanh toán ngày càng đa dạng.
Điều này phù hợp với đánh giá của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương về kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử lĩnh vực bán lẻ sẽ đạt khoảng 20%/năm và đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, trên thực tế, ngành này đang phát triển nhanh hơn so với dự báo khoảng 25% trong năm 2017 và sẽ còn tiếp tục tăng trong năm 2018.
Đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Khảo sát một số DN chuyển phát hàng đầu cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát từ 62% - 200%. Đối với lĩnh vực thanh toán, theo thông tin từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2017 tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với năm 2016 trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%.
Có thể thấy thị trường bán lẻ trực tuyến tại VN là miếng đất màu mỡ. Đó cũng là lý do nhiều DN bán lẻ trực tuyến hàng đầu đã có mặt tại VN như Alibaba, Amazon...
Tuy nhiên, theo ông Hồ Tùng Bách, - Phó Trưởng phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, hình thức mua sắm này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Thực tế tiếp nhận và giải quyết các phản ánh, khiếu nại tại cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tổ chức xã hội về bảo vệ người tiêu dùng cho thấy, thương mại điện tử là một phương thức mua sắm mới, thu hút số lượng lớn người tiêu dùng nhưng cũng tồn tại nhiều bất cập.
Thời gian qua, Cục đã nhận hàng nghìn khiếu nại mỗi năm về mua sắm trực tuyến qua đường dây nóng và văn bản gửi đến Cục. Các khiếu nại, phản ánh chủ yếu tập trung vào: Hàng nhận được không giống với quảng cáo (về hình dáng, tính năng, công dụng, thông số kỹ thuật,...); sai về xuất xứ hàng hóa, sai về giá cả; hàng hỏng nhưng không thu hồi; giao hàng chậm; hủy đơn hàng không lý do...
Cơ hội nào cho doanh nghiệp
Dù vẫn còn những tồn tại về mặt chất lượng sản phẩm, dịch vụ song trong tương lai những DN làm ăn “chụp giật”, “treo đầu dê, bán thịt chó” nếu không thay đổi sẽ bị rớt khỏi thị trường vì không còn uy tín.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, ngay bây giờ, để chuẩn bị tốt cho việc giữ được sức cạnh tranh trên thị trường, các DN cần đầu tư hệ thống hậu cần mạnh với lượng hàng hóa dồi dào, có chất lượng. Bên cạnh đó, đề cao chữ tín trong kinh doanh, vì với hình thức mua bán trực tuyến, uy tín là điều quan trọng nhất giúp giữ chân khách hàng.
Xét ở một góc độ khác, chính những tồn tại đã nêu lại mở ra cơ hội cho các DN ngành logistics VN phát triển bài bản, chuyên nghiệp hơn. Nhưng vấn đề đặt ra là các DN sẽ nắm bắt được cơ hội này như thế nào?
Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những khâu yếu hiện nay của ngành bán lẻ nói chung và bán lẻ trực tuyến nói riêng tại VN là dịch vụ hậu cần, trong đó phải kể đến quy mô kho hàng, phương thức quản lý, công nghệ thông tin, vận chuyển giao hàng đúng hẹn, phương thức thanh toán, nguồn nhân lực... Bên cạnh đó, các DN cũng chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc thuê ngoài (chủ yếu tự làm, manh mún) hay tham gia chuỗi cung ứng.
Đơn cử như chỉ cần tham gia được một khâu trong chuỗi cung ứng của các Tập đoàn, DN lớn của nước ngoài tại VN đã có thể sống khỏe, vì hàng hóa không chỉ phân phối ở thị trường nội địa mà còn xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới.
Hay như trong vấn đề kho bãi tập kết, trung chuyển, lưu trữ hàng hóa, vận chuyển... được quản lý bằng các phần mềm công nghệ nếu được đầu tư bài bản thì các DN này sẽ không phải lo về vấn đề thị trường. Bên cạnh đó, còn nhiều lĩnh vực khác có thể khai thác như đào tạo nguồn nhân lực, phần mềm quản lý...
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, thương mại điện tử bán lẻ đạt 10 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 50% tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước, thời gian qua, ngoài việc chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đầu tư hạ tầng... Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ngành logistics VN, phấn đấu ngang tầm khu vực. Do đó nếu tận dụng được các cơ hội, tin rằng các DN trong ngành sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần.
Nhiều ý kiến cho rằng, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc tư vấn cho Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước từ trung ương tới địa phương và cộng đồng DN về cơ chế chính sách cũng như các giải pháp triển khai thực hiện cụ thể, hiệu quả hơn.