Số hoá và áp lực cạnh tranh trong ngành logistics

Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 11:48, 09/08/2022

Số hóa đã và đang tạo ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp logistics, đòi hỏi các doanh nghiệp này phải thích ứng nhanh,hoà nhập với nền kinh tế 4.0 để có thể cạnh tranh và tồn tại.

Trong dòng chảy của thời đại công nghệ 4.0, bắt buộc ngành logistics phải chuyển đổi số nhanh chóng và toàn diện để bắt kịp trào lưu này. Tuy nhiên số hóa hoạt động logistics là công việc không dễ dàng, cần nhiều nguồn lực từ nhiều thành phần kinh tế. 

businessman-using-tablet-analyzing-sales-data-economic-growth-graph-chart-compressed.jpg

Áp lực cạnh tranh trong thời đại số hoá

Áp lực cạnh tranh đầu tiên phải kể đến là các doanh nghiệp công nghệ chuyển sang kinh doanh logistics phân khúc 5PL-thương mại điện tử. Các doanh nghiệp này có thế mạnh về công nghệ nên họ dễ dàng chuyển sang lĩnh vực thương mại điện tử vì cơ bản hoạt động thương mại điện tử chủ yếu dựa trên nền tảng công nghệ nên có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí. Vì vậy các doanh nghiệp này có lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các doanh nghiệp logistics truyền thống. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới xuất phát điểm là doanh nghiệp chuyên về công nghệ, là khách hàng lớn của các doanh nghiệp logistics nay mở rộng thêm mảng logistics, thương mại điện tử như: Amazon, Alibaba; ở trong nước là Viettel, FPT. Đây chính là những đối thủ cạnh tranh khổng lồ đối với các doanh nghiệp logistics trong thời đại kỹ thuật số.

Một áp lực cạnh tranh khác xuất phát từ chính khách hàng của các đơn vị kinh doanh logistics. Trước đây họ là khách hàng, tuy nhiên dần dần thông qua chuyển đổi số họ tự tổ chức hoạt động logistics, tự xây dựng chuỗi cung ứng cho chính mình, không thông qua các nhà cung ứng dịch vụ logistics nữa. Có lợi thế về tài chính, các khách hàng dạng này là đối thủ cạnh tranh gây nên áp lực cạnh tranh đáng kể, thu hẹp thị trường logistics trong tương lai. Ở trong nước có thể kể đến các doanh nghiệp như Lazada, Shopee, ế giới di động, Điện máy xanh...là những doanh nghiệp trước đây là khách hàng lớn của các doanh nghiệp logistics nhưng hiện nay họ đã tự thực hiện chuỗi cung ứng của mình và tương lai sẽ cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp logistics truyền thống.

Số hóa đã và đang tạo ra những áp lực cạnh tranh vô cùng to lớn cho các doanh nghiệp logistics truyền thống, đặc biệt là các doanh nghiệp logistics ở Việt Nam đang ở phân khúc 2PL, 3PL và một số ít ở phân khúc 4PL là các doanh nghiệp chuyển đổi số chưa rõ nét và dấu ấn số hóa tại các doanh nghiệp đều rất sơ khai. Hầu hết các doanh nghiệp loại này chỉ sử dụng các hình thức giao dịch qua email, website, zalo, whatsapp hoặc một số phần mềm quản lý đơn chiếc: quản lý kho, quản lý hàng tồn kho, quản lý đơn hàng...

Công nghệ ngày càng phát triển nên các sản phẩm thay thế cũng sẽ tạo nên áp lực đối với ngành logistics. Trên thế giới hiện nay công nghệ in 3D đã phát triển vượt bậc. Với các máy in 3D hiện đại, các sản phẩm sẽ được sản xuất tại chỗ, gần với địa điểm giao hàng thay vì phải sản xuất ở nước ngoài hoặc khu vực xa nơi nhận hàng. Nhờ vậy sẽ tiết kiệm các chi phí của chuỗi cung ứng như: vận tải, bốc xếp, lưu kho, tồn kho sản phẩm... Cũng chính vì vậy các doanh nghiệp logistics ít có cơ hội để tham gia vào chuỗi.

young-asia-businesswoman-using-laptop-talk-colleague-about-plan-video-call-meeting-while-work-from-home-living-room-compressed.jpg

Số hóa cũng giúp các doanh nghiệp tạo ra hàng loạt các sàn giao dịch điện tử (electronic platform) ở đó các doanh nghiệp, khách hàng, nhà cung ứng có thể tương tác, chia sẻ thông tin, giúp họ có thể giao dịch, ký hợp đồng trực tiếp mà không thông qua bên thứ 3 là các nhà cung cấp dịch vụ logistics. Trước đây khi số hóa chưa phổ biến, khách hàng do thiếu thông tin nên sử dụng các nhà cung cấp dịch vụ logistics để hỗ trợ họ trong hoạt động logistics. Tuy nhiên, hiện nay thông qua các sàn giao dịch điện tử dạng C2B (Customer to Business), C2C (Customer to Customer)...vai trò của các doanh nghiệp sẽ bị suy giảm, đây cũng là một thách thức không nhỏ.

Thay đổi mô hình kinh doanh để tồn tại và phát triển

Trước những thách thức, áp lực cạnh tranh khốc liệt trong thời đại số hóa các doanh nghiệp logistics cần nhanh chóng thay đổi tư duy về mô hình kinh doanh để tồn tại và phát triển. Chuyển đổi số là vấn đề luôn được nhắc tới. Tuy nhiên câu chuyện chuyển đổi số phải xuất phát từ việc thay đổi tư duy của người lãnh đạo các doanh nghiệp nhằm thay đổi mô hình kinh doanh. Một số vấn đề mà các doanh nghiệp logistics cần phải đặt lên hàng đầu trong chiến lược, mô hình kinh doanh dài hạn của mình:

Thứ nhất, là tính kết nối. Tất cả các yếu tố cấu thành nên chuỗi cung ứng phải kết nối với nhau, từ đầu vào cho đến đầu ra. Trong thời đại số hóa, nếu không kết nối được các yếu tố cấu thành nên chuỗi cung ứng hoặc chuỗi bị đứt đoạn thì sẽ ảnh hưởng rất lớn thị trường, giá sản phẩm sẽ tăng lên và đương nhiên doanh nghiệp logistics sẽ bị giảm khả năng cạnh tranh. Hiện nay có một thực tế là nhiều doanh nghiệp logistics Việt Nam chỉ số hóa hoặc kết nối một phần nhỏ trong chuỗi cung ứng vì vậy sẽ khó cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trong kỷ nguyên số hóa trên toàn cầu.

Thứ hai, hơn bao giờ hết các doanh nghiệp cần phải hợp tác chặt chẽ với nhau. Hợp tác không những chỉ giữa doanh nghiệp logistics với khách hàng mà còn hợp tác với các nhà cung ứng. Hợp tác không chỉ chiều ngang mà phải hợp tác theo chiều dọc, hợp tác song phương và đa phương tất cả các thành viên trong chuỗi cung ứng nhằm sử dụng tối ưu các nguồn lực, tạo ra giá trị gia tăng cao nhất cho hoạt động logistics. Có như vậy thì mới cắt giảm được chi phí logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Thứ ba, là vấn đề tích hợp không những trong quá trình sản xuất, chế biến mà còn trong vấn đề chia sẻ thông tin, chia sẻ dữ liệu. Tích hợp thông tin, chia sẻ dữ liệu giúp hoạt động logistics hiệu quả hơn, xử lý các vấn đề phát sinh một cách nhanh chóng từ đó sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí và đương nhiên sẽ giảm được chi phí.

Cuối cùng là khả năng thích ứng nhanh chóng với thay đổi khoa học công nghệ. Trong thời đại 4.0, công nghệ luôn thay đổi nhanh chóng. Vì vậy các doanh nghiệp logistics cũng phải thay đổi nhanh chóng để thích ứng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ. Lãnh đạo các doanh nghiệp logistics phải xây dựng chiến lược kinh doanh thích ứng với từng giai đoạn, giúp doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển

TS. Võ Duy Nghi