Xuất nhập khẩu theo phương thức thuê tàu chuyến: Những bất lợi cho doanh nghiệp Việt

Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 15:31, 10/08/2022

Từ trước tới nay, trong quan hệ mua bán với các đối tác nước ngoài thì đại đa số các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều bất lợi. Những bất lợi ấy chủ yếu đến từ các điều kiện, điều khoản của hợp đồng mua bán.

Về vấn đề của hợp đồng thì rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn còn rất xem nhẹ, do đó, phần lớn các hợp đồng của các doanh nghiệp thường chỉ có các điều khoản sơ sài, cực kỳ đơn giản. Chính những vấn đề này đã làm cho họ gặp phải không ít khó khăn, rắc rối nếu có rủi ro xảy ra.

thuongmai-dautho.jpg

Tuy nhiên, cũng có một bộ phận doanh nghiệp ý thức được việc quản lý rủi ro trong thực hiện hợp đồng ngoại thương. Nhưng bởi vì một số hạn chế nhất định mà họ phải chấp nhận ký kết những hợp đồng mà trong đó có nhiều điều khoản bất lợi. Vậy thì các điểm yếu của các doanh nghiệp Việt đến từ đâu? Chúng ta có thể điểm qua một số nguyên nhân nổi bật sau:

Vấn đề thứ nhất, các doanh nghiệp chúng ta trong vai trò là nhà xuất khẩu thì thiếu nguồn nhân lực am hiểu thị trường, khả năng ngoại ngữ có hạn. Ở đây chúng ta cần xác định rõ, khả năng ngoại ngữ là khả năng sử dụng ngoại ngữ chuyên ngành, hiểu rõ ý nghĩa của thuật ngữ chuyên ngành và nắm rõ bản chất của từng điều kiện điều khoản trên cơ sở các tập quán và qui tắc quốc tế chứ không phải khả năng nghe nói, giao tiếp bằng ngoại ngữ. Vấn đề này từ bao lâu nay thường bị nhầm lẫn vì nhiều người cho rằng chứng chỉ tiếng Anh IELTS, TOEFL cao thì đã đủ khả năng ngoại ngữ, tuy nhiên thực tế không phải vậy. Chúng ta có thể đơn cử một vài ví dụ sau, trong hợp đồng FOB có điều khoản “Laytime at port of discharging shall commence the next working day at 0800 hours a er notice of readiness (NOR) has been tendered during ordinary o ce hours 0900 until 1700 hours Monday to Friday and from 0900 hours until 1200 hours Saturdays whether in berth or not whether Customs cleared or not whether in free pratique or not”. Điều khoản này cơ bản là bình thường vì cũng được đề cập trong Gencon. 

aerial-view-cargo-ship-cargo-container-harbor-compressed.jpg

Tuy nhiên, nếu xét kỹ thì nó sẽ gây bất lợi cho người bán, còn ngược lại nếu hợp đồng CIF mà chúng ta là người mua thì cũng gặp bất lợi tương tự. Vậy bất lợi ở đây là gì? Đó là nguy cơ doanh nghiệp mình sẽ bị phạt (Demurrage) rất cao bởi nếu khi tàu vào cảng làm hàng mà chưa khai xong hải quan hoặc chưa vệ sinh tàu, hoặc chưa khai báo, giám định... thì doanh nghiệp mình không thể bốc hoặc dỡ hàng, trong khi Laytime vẫn được tính. Mà thời gian khai báo hải quan, giám định tàu, giám định mớn nước, vệ sinh tàu ... thường tốn nhiều thời gian và phụ thuộc vào nhiều bên khác nhau. Chính vì thế mà các doanh nghiệp sẽ không thể kiểm soát được thời điểm mình có thể chính thức bắt đầu làm hàng dẫn tới lấn sang laytime thì không đủ thời gian để làm hàng thực tế. Bên cạnh đó, nếu điều khoản thời gian làm hàng là “Whether working days Sunday Holiday excepted unless used” thì nguy cơ bị phạt lại càng cao hơn. Các khoản phạt làm hàng chậm trong thuê tàu chuyến thường lại rất cao, từ vài nghìn đến vài chục nghìn USD/ngày. Vậy nên, nếu nhân sự của công ty không nắm rõ điều này thì rất dễ làm công ty bị thất thoát một lượng tài chính rất lớn cho mỗi chuyến hàng.

Vấn đề thứ hai là, các doanh nghiệp nhập khẩu theo điều kiện CFR hoặc CIF. Với các điều kiện này thì người bán thuê tàu, và các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam không có quyền vận tải. Vậy nên các quy định về tàu nếu không quy định chặt chẽ thì sẽ dễ gặp bất lợi, đặc biệt là tuổi tàu. Quyền thuê tàu thuộc về đối tác, nhưng hợp đồng ngoại thương nếu có quy định tuổi tàu thì thường quy định tuổi tàu không quá 25 tuổi. Tuy nhiên, một số trường hợp khác lại không quy định tuổi tàu trong hợp đồng. Điều này gây ra một số rủi ro cho người mua, đó là các rủi ro về tàu như: ẩn tỳ tàu, tàu không đủ khả năng đi biển, mất khả năng tài chính của chủ tàu.... Về ẩn tỳ của tàu thì đây là rủi ro thuộc miễn trách của người chuyên chở theo công ước Hague/Brussel 1924 và Hague Visby 1968 nên nếu có gây ra thiệt hại cho hàng hóa thì người chuyên chở sẽ không có trách nhiệm bồi thường. 

aerial-top-view-tugboat-pushing-container-ship-commercial-port-load-unloading-goods-compressed.jpg

Nếu hàng hóa được mua bảo hiểm thì bảo hiểm cũng loại trừ trách nhiệm vì bảo hiểm sẽ xem ẩn tỳ tàu như là khiếm khuyết vốn có của tàu, mà khiếm khuyết vốn có của tàu thì thuộc rủi ro tàu không đủ khả năng đi biển. Trong khi đó, rủi ro tàu không đủ khả năng đi biển thì theo điều kiện bảo hiểm C, B thậm chí là loại A thì người bảo hiểm cũng từ chối bồi thường vì đây là rủi ro loại trừ chung. Hay nói cách khác, nếu những thành viên có trách nhiệm ký hợp đồng ngoại thương và thực hiện hợp đồng mà không nắm rõ mối quan hệ giữa các qui tắc, hệ thống các tập quán và kẽ hở của các qui tắc này tạo thành một chuỗi các rủi ro tiềm ẩn liên đới mà người không lường trước được rủi ro sẽ gánh chịu. Hậu quả là thiệt hại tài chính cho các doanh nghiệp sẽ rất nặng nề.

Trên đây là 2 trong số rất nhều nguyên nhân gây ra bất lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Ngoài 2 vấn đề này còn có nhiều nguyên nhân khác nữa, ví dụ: sự yếu thế trong đàm phán, kỹ năng đàm phán, khả năng đọc vị tâm lý trong đàm phán, chiến lược kinh doanh và chiến lược đàm phán sai lầm, sự thiếu am hiểu thị trường và nhu cầu, không hiểu rõ đối tác... dẫn đến yếu thế trong các mối quan hệ.

TS. Nguyễn Thị Huyền Trân