Liên kết sức mạnh nội sinh
Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 07:25, 11/08/2022
15 năm và những điều trăn trở
Ngày 9/7, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN).
Thành tựu được khẳng định, đây là Vùng có nhiều chỉ số kinh tế cao nhất cả nước. Tuy nhiên, lại tuy nhiên, vẫn còn các tồn tại, yếu kém được nhận diện. Công nghiệp của Vùng phát triển nhanh nhưng thiếu tính bền vững và đồng bộ; chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; phân bố các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa hợp lý; các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Về kết cấu hạ tầng Vùng, liên Vùng còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, tính kết nối và đồng bộ còn yếu; hệ thống giao thông quá tải, tắc nghẽn; tình trạng ngập úng thường xuyên. Một số công trình trọng điểm còn chậm tiến độ so với mục tiêu đề ra.
Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa theo kịp sự phát triển; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của hội nhập quốc tế; tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa đạt mục tiêu, chưa thực sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển KTXH Vùng.
Đặc biệt, điều đáng suy nghĩ là liên kết giữa các địa phương trong Vùng chưa chặt chẽ, còn hình thức, liên kết nội Vùng và liên Vùng chưa có tính chiến lược, lâu dài để nâng cao năng lực cạnh tranh Vùng... Đây là vấn đề thuộc về tư duy, tầm nhìn. Nói cách khác, nó là hệ quả của “tư duy nông dân”, “tư duy nhiệm kỳ” trong quy hoạch phát triển.
Hiện nay, Vùng đang gặp nhiều thách thức, nghiêm trọng nhất là việc phát triển dưới mức tiềm năng, chưa phát huy tốt vai trò trung tâm KTXH của cả nước. Cụ thể là tốc độ tăng trưởng chậm lại và chậm hơn tốc độ tăng trưởng chung của các nước; vai trò đầu mối xuất nhập khẩu giảm; hiệu quả sử dụng vốn của Vùng luôn thấp nhất và đều thấp hơn so với bình quân của cả nước; kinh tế Vùng giảm tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế cả nước.
Vùng ĐNB và Vùng KTTĐPN tiềm năng rất lớn nhưng phát triển chưa tương xứng. Làm sao để khai thác hết dư địa phát triển? Vấn đề hiện nay, sắp tới vẫn là quy hoạch phải hiện đại; phải xây dựng được cơ chế điều phối Vùng, các địa phương trong Vùng phải được định vị là một “mắt xích” trong chuỗi liên kết giá trị; tận dụng tối đa cơ hội nổi trội, tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh...
Điều quan trọng là tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc theo hướng rõ trách nhiệm, địa chỉ; phát huy tính chủ động của các địa phương, nhưng đồng thời phải nhân lên sức mạnh tổng hợp của cả Vùng...
Nhắc lại khái niệm liên kết
Liên kết vùng trong tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã được Đảng và Nhà nước quan tâm từ nhiều năm nay thông qua việc ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách, đầu tư và triển khai thực hiện... Kết quả bước đầu ghi nhận đã có một số chuyển biến nhất định nhưng so với yêu cầu, mục tiêu đặt ra thì kết quả đạt được vẫn còn hạn chế. Làm thế nào để đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng trong tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng là vấn đề đặt ra đối với các nhà thiết kế lẫn thực thi chính sách.
Theo TS. Lương Phương Hoa, liên kết kinh tế vùng thực chất là “sự liên kết giữa các chủ thể kinh tế khác nhau trong một vùng, dựa trên lợi ích kinh tế là chính, nhằm phát huy lợi thế so sánh, tạo ra tính cạnh tranh kinh tế cao hơn cho một vùng”. Theo đó, các hình thức liên kết kinh tế vùng được biểu hiện ở các khía cạnh không gian kinh tế theo lãnh thổ, chuỗi ngành hàng, tổ chức sản xuất. Chủ trương, chính sách phát triển vùng, liên kết vùng không những tạo động lực phát triển kinh tế mà còn giúp các vùng khó khăn thực hiện tốt chức năng bảo tồn tài nguyên, sinh thái, ổn định an ninh, chính trị, xã hội.
Nhận rõ tầm quan trọng của liên kết vùng với phát triển KTXH đất nước, văn kiện Đại hội XII chú trọng các khía cạnh thống nhất quản lý tổng hợp, chiến lược, quy hoạch, đổi mới cơ chế phân cấp giữa Trung ương và địa phương, xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá.
Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục nhấn mạnh đến nâng cao chất lượng quy hoạch vùng; đổi mới, hoàn thiện thể chế quản lý vùng có hiệu quả, phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của từng vùng, tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, đồng thời ưu tiên phát triển các vùng kinh tế động lực, tạo sức lôi cuốn, lan tỏa phát triển đến các địa phương trong vùng và đến các vùng khác. Có chính sách hỗ trợ phát triển các vùng còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo; phát triển kinh tế lâm nghiệp. Đổi mới cơ chế phân cấp, phân quyền, gắn với phân định và nâng cao trách nhiệm của trung ương và địa phương. Văn kiện cũng xác định “tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu”.
Câu chuyện Vùng ĐNB và Vùng KTTĐPN, cho thấy phải tập trung mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng KTXH Vùng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng.
Không chỉ tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển KTXH và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng ĐNB và Vùng KTTĐPN mà chiều 10/7, khi làm việc với Cần Thơ, cho ý kiến chỉ đạo tháo gỡ hàng loạt các vướng mắc, điểm nghẽn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đều nhắc đến các từ khóa “quy hoạch” và “liên kết”.
Chiến lược phát triển KTXH của mỗi địa phương, vùng phải thể hiện rõ tính liên kết vùng, sớm xóa bỏ tình trạng phát triển kinh tế khép kín. Quy hoạch vùng phải gắn với điều kiện KTXH đặc trưng của vùng và phải được xác định, thực hiện trong từng giai đoạn cụ thể. Đặc biệt, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch nói chung và cho liên kết vùng nói riêng không thể không chú trọng.