Nhiều quan điểm trong việc giảm một số loại thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp do ảnh hưởng dịch COVID-19

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:29, 06/05/2020

(VLR) Tại Dự thảo tờ trình và Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự xã hội trong thời gian dịch COVID-19 do Bộ KH&ĐT chủ trì soạn thảo, các bộ vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều trong việc đề xuất giảm phí, thuế hỗ trợ DN.

Kiến nghị giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước vi phạm cam kết quốc tế

Kiến nghị giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước vi phạm cam kết quốc tế

Cụ thể, đối với đề xuất giảm 50% thuế suất Giá trị gia tăng (hiện nay là 10%) cho các hàng hóa, dịch vụ gặp khó khăn, nguyên vật liệu để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất của các DN, Bộ Tài chính không đồng ý và đề nghị bỏ đề xuất này ra khỏi nội dung của Nghị quyết do đây là thuế gián thu, người tiêu dùng là người trả thuế.

Đối với DN, toàn bộ thuế Giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ với thuế Giá trị gia tăng đầu ra khi xác định thuế Giá trị gia tăng phải nộp, không ảnh hưởng đến chi phí của DN.

Bộ KH&ĐT cho biết, Bộ này tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, không quy định theo hướng giảm mà thay vào đó cho phép hoãn nộp thuế Giá trị gia tăng đến tháng 9/2020 đối với nguyên liệu, hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhằm tạo điều kiện cho các DN hoạt động trong các ngành này có thêm nguồn vốn lưu động để tiếp tục đầu tư vào các hoạt động sản xuất khác trong thời gian chưa tiêu thụ được hàng hóa, dịch vụ đầu ra.

Đối với kiến nghị giảm 50% thuế Bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu đầu vào của các ngành vận tải, Bộ Tài chính cho biết, Luật Bảo vệ môi trường không quy định việc miễn, giảm thuế Bảo vệ môi trường, do đó đề nghị không đưa vào dự thảo Nghị quyết.

Trong khi đó, Bộ KH&ĐT kiến nghị giữ lại nội dung này trong dự thảo Nghị quyết, tuy nhiên, chỉ áp dụng giảm 50% thuế Bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay để hỗ trợ ngành hàng không, ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19, không áp dụng đại trà do giá xăng dầu đang có xu hướng giảm mạnh.

Bộ Tài chính cũng không đồng ý với kiến nghị giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020, áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô nội do nội dung này vi phạm cam kết quốc tế về không phân biệt đối xử giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu khi Việt Nam đã tham gia tổ chức thương mại quốc tế.

Đối với kiến nghị lùi thời hạn khai, nộp thuế môn bài vào ngày 30/1 của năm kế tiếp; miễn 100% tiền thu từ lệ phí môn bài năm 2020 cho các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng dịch COVID-19 đối với các hộ kinh doanh đã nộp, số tiền đã nộp được khấu trừ vào số lệ phí môn bài phải nộp của các năm sau, Bộ Tài chính cho rằng quy định hiện hành đã cho phép miễn lệ phí môn bài đối với hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập mới trong năm đầu, đối với các đối tượng còn lại, việc bổ sung quy định miễn lệ phí môn bài năm 2020 không phù hợp vì đến thời điểm hiện tại các đối tượng này đều đã thực hiện nộp theo chế độ quy định.

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cho biết vẫn giữ lại nội dung này trong dự thảo vì theo quy định tại Nghị định số 139/2016/NĐ-CP, đối với hộ kinh doanh mức lệ phí môn bài không cao (từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng/hộ, tùy theo mức doanh thu), do đó, việc miễn lệ phí này không ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước năm 2020.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch Covid-19, việc miễn lệ phí môn bài sẽ là nguồn động viên tâm lý lớn đối với các hộ kinh doanh để quay trở lại hoạt động sau khi nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội. Đối với các đối tượng đã nộp, số tiền nộp sẽ được khấu trừ vào số lệ phí môn bài phải nộp các năm sau.

Với kiến nghị giảm 50% thuế Thu nhập DN cho DNVVN, hợp tác xã trong năm 2020, Bộ KH&ĐT cho biết, Bộ Tài chính đề nghị bỏ nội dung này do có trùng lắp với một số chính sách dự kiến áp dụng. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT kiến nghị giữ lại đề xuất này để có cơ sở cho Chính phủ quyết nghị phương hướng thực hiện cụ thể, trên cơ sở đó giao lại cho Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, triển khai, báo cáp cấp có thẩm quyền theo quy định.

Báo Hải quan