Việt Nam - LHQ ký Văn kiện khung chiến lược giai đoạn 2022-2026

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 20:56, 12/08/2022

Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam Pauline Tamesis nhấn mạnh: “Đối với LHQ, đại dịch đã củng cố niềm tin của chúng tôi về tính ưu việt của sứ mệnh không để ai bị bỏ lại phía sau. Nguyên tắc không để ai bị bỏ lại phía sau thông qua CF là cam kết cơ bản của LHQ tại Việt Nam...."
aa10yhyl.png
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng và Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam Pauline Tamesis ký văn kiện khung chiến lược hợp tác phát triển bền vững. (Ảnh: Mạnh Cường)

Hôm qua (11/8), tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, được sự ủy nhiệm của Thủ tướng Chính phủ và Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam Pauline Tamesis, thay mặt LHQ, đã ký Văn kiện khung chiến lược hợp tác phát triển bền vững (CF) giai đoạn 2022-2026 giữa Chính phủ Việt Nam và các cơ quan thường trú và không thường trú của LHQ tại Việt Nam.

CF giai đoạn 2022-2026 là tài liệu chiến lược chủ chốt hướng dẫn và định hướng sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và LHQ trong việc đẩy nhanh tiến độ đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), nêu bật cam kết mạnh mẽ chung, nhằm mang lại sự hợp tác phát triển bền vững cho tất cả mọi người.

Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Khung hợp tác CF được ký kết và thực hiện vào thời điểm Việt Nam thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi sang hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Chính phủ cũng đã và đang nỗ lực hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế để phát triển đất nước".

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Cùng với các đối tác phát triển, LHQ có vai trò quan trọng hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình phát triển, hội nhập và tham gia mạnh mẽ vào sự phát triển chung của quốc tế thông qua việc cung cấp tư vấn, hỗ trợ chính sách cho Chính phủ Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam với các nước đang phát triển, giới thiệu những kinh nghiệm chuyên môn đảm bảo hướng tới một nền kinh tế tăng trưởng xanh, bền vững, cân bằng giữa phát triển kinh tế và xã hội".

Cũng tại sự kiện, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam Pauline Tamesis nhấn mạnh: “Đối với LHQ, đại dịch đã củng cố niềm tin của chúng tôi về tính ưu việt của sứ mệnh không để ai bị bỏ lại phía sau.

Nguyên tắc không để ai bị bỏ lại phía sau thông qua CF là cam kết cơ bản của LHQ tại Việt Nam. Đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau đòi hỏi một cách tiếp cận rộng rãi, huy động sự tham gia của toàn thể bộ máy Chính phủ và toàn thể xã hội".

Bà Pauline Tamesis chia sẻ: “Tôi tin tưởng rằng chúng ta - những người đang cùng nhau ở đây hôm nay - là những tác nhân của sự thay đổi, đảm bảo rằng Việt Nam có thể tận dụng nguồn lực dân số có khả năng thích ứng cao, cần cù và ngày càng tăng trưởng để thúc đẩy sự hợp tác phát triển bền vững lâu dài cho tất cả mọi người, và cùng lúc vẫn bảo vệ được môi trường cho hành tinh chung của chúng ta”.

Theo CF giai đoạn 2022-2026, Việt Nam và LHQ đề ra 4 kết quả phát triển chính:

Một là, phát triển xã hội bao trùm, tập trung vào các dịch vụ xã hội, đáp ứng giới, nhạy cảm với người khuyết tật, công bằng, dịch vụ xã hội và bảo trợ xã hội với giá cả phải chăng và chất lượng, với mục tiêu giúp người dân Việt Nam thoát nghèo đa chiều và trao quyền cho mọi người để thể hiện được hết khả năng của mình.

Hai là, ứng phó với biến đổi khí hậu, chống chịu thiên tai và bền vững môi trường, tập trung vào một môi trường an toàn và sạch hơn do kết quả của việc giảm nhẹ và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và xây dựng khả năng phục hồi, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, cung cấp năng lượng sạch và tái tạo, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Ba là, chia sẻ thịnh vượng thông qua chuyển đổi kinh tế, tập trung vào chuyển đổi kinh tế bền vững, bao trùm và đáp ứng giới dựa trên đổi mới, tinh thần kinh doanh, nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và việc làm bền vững.

Bốn là quản trị và tiếp cận công lý, tập trung vào cải thiện quản trị, các thể chế đáp ứng tốt hơn, tăng cường pháp quyền, bảo vệ và tôn trọng quyền con người, bình đẳng giới và tự do khỏi mọi hình thức bạo lực, phân biệt đối xử phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Văn kiện đã được ký kết với sự có mặt của của đông đảo các bên liên quan gồm các bộ, ban, ngành, tổ chức LHQ, đối tác phát triển, khu vực tư nhân, viện nghiên cứu và cơ quan truyền thông.

lhq.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76 (Ảnh: TTXVN)

Quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên hợp quốc trong hơn 40 năm qua đã góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia, dân tộc, củng cố môi trường hòa bình, an ninh, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Hai bên đang tích cực triển khai Kế hoạch Chiến lược chung giai đoạn 2017 - 2021 giữa Việt Nam và Liên hợp quốc trong khuôn khổ Sáng kiến một Liên hợp quốc.


Trong đại dịch COVID-19, đến nay, Việt Nam đã nhận được hơn 12 triệu liều vaccine từ cơ chế COVAX. Các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, đặc biệt là Tổ chức Y tế thế giới, đã hỗ trợ Việt Nam trên 5 lĩnh vực: chuẩn bị khẩn cấp y tế cộng đồng; giám sát, đánh giá rủi ro, điều tra và phản ứng với dịch bệnh; phòng thí nghiệm; kiểm soát phòng ngừa lây nhiễm và quản lý lâm sàng; truyền thông rủi ro.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục hợp tác tích cực với các cơ chế Liên hợp quốc về quyền con người, bảo vệ báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát và các báo cáo thực thi công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên đồng thời đang ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025.

Phối hợp tốt với Liên hợp quốc trong công cuộc chống đại dịch COVID-19, Việt Nam đã đề xuất Nghị quyết về việc lấy ngày 27/12 hàng năm là ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh và đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua. Việt Nam cũng đã đóng góp 50.000 USD cho Quỹ ứng phó COVID-19 của WHO, 500.000 USD cho chương trình COVAX.

Ngô Đức Hành (tổng hợp)