Môi trường đầu tư Đà Nẵng thu hút người Việt Nam ở nước ngoài

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 10:39, 16/08/2022

Với hàng triệu người Việt đang sống tại nước ngoài, họ luôn mong muốn về quê hương đầu tư khi có điều kiện thuận lợi, môi trường đầu tư tốt. Đà Nẵng là trung tâm kinh tế lớn nhất miền Trung cũng đang mời gọi thêm nhiều người Việt đang sống ở nước ngoài về đầu tư.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, Đà Nẵng có tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,23% , doanh thu bán lẻ hàng hóa 5.878 tỷ đồng (tăng 38,6%), chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,4%, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới là 2.734 doanh nghiệp (tăng 13,54% so với cùng kỳ). Về thu hút đầu tư trong nước có 20 dự án cấp mới với tổng giá trị đầu tư 7.104 tỷ đồng; còn đầu tư nước ngoài có 24 dự án cấp mới với tổng giá trị đầu tư 140,2 triệu USD. Nhằm thu hút được vốn đầu tư nước ngoài, UBND TP Đà Nẵng phối hợp với Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức tọa đàm “Giới thiệu môi trường đầu tư TP Đà Nẵng hướng đến người Việt Nam ở nước ngoài” vào ngày 12/8/2022 tại TP.HCM. 

mot-goc-tp.-da-nang-16082022-vlr.png
Một góc TP Đà Nẵng. - Ảnh: investdanang.gov.vn

Những điểm thu hút đầu tư của Đà Nẵng
Vị trí chiến lược:
Với tiềm lực kinh tế dồi dào, Đà Nẵng được xác định là thành phố đóng vai trò hạt nhân tăng trưởng cho Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, tạo động lực thúc đẩy phát triển khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Cảng Đà Nẵng là điểm cuối phía Đông của tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC) đóng vai trò là cửa ngõ ra Thái Bình Dương và là cảng xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng nội địa giàu tiềm năng chưa được khai thác ở Lào, Đông bắc Thái Lan, Myanmar và miền Trung Việt Nam. Đây là một lợi thế quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho Đà Nẵng mở rộng giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực Tiểu vùng Mêkông mở rộng (GMS) và các vùng kinh tế ở lưu vực sông Hằng (Ấn Độ).
Cơ sở hạ tầng phát triển:
Đà Nẵng là một trong những đầu mối giao thông quan trọng của cả nước với sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu, các tuyến đường bộ, và đường sắt Bắc Nam trên địa bàn thành phố được quy hoạch đồng bộ, tạo thuận lợi về lưu thông hàng hóa và hành khách, thúc đẩy phát triển các hoạt động kinh tế, đầu tư, du lịch trong nước và khu vực.
Với sân bay quốc tế Đà Nẵng là một trong ba sân bay lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam, khai thác hơn 890 chuyến bay quốc tế mỗi tuần trước đại dịch. Hiện sân bay đang được đầu tư nâng cấp, đáp ứng công suất 25 triệu khách/năm, khối lượng hàng hóa thông qua cảng hàng không đạt 200.000 tấn/năm vào năm 2030.
Nguồn lao động có tay nghề cao:
Với dân số trong độ tuổi lao động chiếm hơn 51% dân số thành phố, trẻ, năng động, cần cù và được đào tạo, có trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề cao. Hệ thống đào tạo có 36 trường Đại học và Cao đẳng, số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm từ các cơ sở đào tao là 22.000 người
Môi trường đầu tư thông thoáng:
Chính quyền thành phố luôn cam kết cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Những tiện ích mà chính quyền Đà Nẵng mang lại cho doanh nghiệp là Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp, dịch vụ hải quan điện tử, kê khai thuế điện tử; Dịch vụ một cửa trong việc cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư)
Chất lượng cuộc sống tốt:
Đà Nẵng được công nhận là một trong những thành phố sạch nhất Việt Nam. Cuộc sống tại thành phố thanh bình, dễ chịu và gần gũi với thiên nhiên. Đà Nẵng đang nỗ lực trở thành “thành phố môi trường” với việc triển khai các giải pháp tăng diện tích cây xanh, không gian công cộng, đạt chuẩn về cấp nước, chất lượng không khí, giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.
Các chính sách, chương trình xã hội giàu tính nhân văn như “Thành phố năm không”, “Thành phố ba có” và “Thành phố bốn an” đã và đang được triển khai với sự tham gia tích cực của người dân thành phố.

ong-ho-ky-minh-pho-chu-tich-ubnd-tp-da-nang-phat-bieu-tai-toa-dam-gioi-thieu-moi-truong-dau-tu-thanh-pho-da-nang-huong-den-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai.png
Ông Hồ Kỳ Mình phát biểu tại tọa đàm “Giới thiệu môi trường đầu tư TP Đà Nẵng hướng đến người Việt Nam ở nước ngoài”. 

Chính quyền và doanh nghiệp tích cực mời gọi đầu tư
Với định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, Đà Nẵng xác định mục tiêu trở thành đô thị lớn, thông minh, sinh thái, trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thành phố biển đáng sống. Trong những năm qua, thành phố đã từng bước quy động các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào các chương trình dự án trong nhiều lĩnh vực, làm cầu nối thúc đẩy hợp tác quốc tế và phát triển quan hệ hữu nghị giữa thành phố với các địa phương nước ngoài để góp phần thu hút đầu tư của kiều bào.
Đà Nẵng đã tổ chức đón tiếp làm việc với đoàn doanh nhân kiều bào đến tìm hiểu môi trường đầu tư, kết nối các doanh nhân thành phố với doanh nhân kiều bào, tranh thủ sự hỗ trợ của kiều bào để tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Qua đó, tăng cường thông tin về chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và các chính sách, lĩnh vực thu hút đầu tư của thành phố đến cộng đồng kiều bào.
Đầu tư của kiều bào về Đà Nẵng có chiều hướng tăng, quy mô dự án ngày càng mở rộng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Đồng thời, khẳng định lòng tin của kiều bào đối với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước,  sự nổ lực đồng hành của chính quyền thành phố. Tuy nhiên, số lượng dự án đầu tư của kiều bào vẫn chưa xứng đáng với tiềm năng thế mạnh của Đà Nẵng và sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết tại tọa đàm.
Còn ông Bảo Hòa là Việt kiều Mỹ - CEO Vinatech Connect cho biết, ông đã sinh sống làm việc tại Đà Nẵng đã 12 năm, Vinatech Connect có nhiệm vụ tạo cầu nối cho các doanh nghiệp nước ngoài có dự định đầu tư các nhà máy sản xuất ở Việt Nam. Mục tiêu của công ty là tạo ra được nhiều công ăn việc làm cho người dân Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung.
Ngoài ra, ông cũng mong muốn các công ty sản xuất phụ kiện tại miền Trung có cơ hội được làm việc chung với các công ty sản xuất mà Vinatech Connect đã đưa về. Trong 3 năm qua, ông đã đưa 7 công ty sản xuất lớn ở nước ngoài về Việt Nam để khảo sát và lập hãng sản xuất. Kết quả là có 3 công ty vào Việt Nam, trong đó có hai công ty ở Đà Nẵng và Huế, đã tạo được 5.000 việc làm cho người dân miền Trung.
Theo ông có 4 lý do mà ông và các doanh nghiệp mà Vinatech Connect đưa về chọn Đà Nẵng bao gồm chính quyền và hệ thống hành chính của Đà Nẵng, phương tiện giao thông và cảng biển, nguồn nhân lực, chất lượng cuộc sống.

Tuấn Anh