Kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022

Hạ tầng - Ngày đăng : 10:36, 17/08/2022

Để kịp thời có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, tại Công văn số 727/TTg-KTTH ngày 16/8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phân công các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại một số Bộ, cơ quan, địa phương.
san-bay-long-thanh-2831.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra dự án sân bay Long Thành, ngày 6/2/2022: "Ai không làm được thì đứng ra một bên".

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao 06 Tổ công tác được thành lập theo Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 02/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại 41 bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương có kết quả giải ngân đến ngày 31/7/2022 dưới mức trung bình của cả nước (34,47%), cụ thể:

Tổ công tác số 1: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng, kiểm tra các Bộ, cơ quan: Tòa án nhân dân tối cao, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Ủy ban Dân tộc, Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; các địa phương: Quảng Trị, Quảng Bình.

Tổ công tác số 2: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm Tổ trưởng, kiểm tra các Bộ, cơ quan: Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; các địa phương: Thành phố Cần Thơ, An Giang.

Tổ công tác số 3: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Tổ trưởng, kiểm tra các Bộ, cơ quan: Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động-Thương binh và Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam; các địa phương: Cao Bằng, Bắc Kạn.

Tổ công tác số 4: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm Tổ trưởng kiểm tra các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Hội Nông dân Việt Nam, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Ủy ban toàn quốc liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc; các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội, Đắk Lắk, Gia Lai.

Tổ công tác số 5: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng, kiểm tra các địa phương: Bắc Ninh, Điện Biên, Hà Giang, Lạng Sơn.

Tổ công tác số 6: Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng, kiểm tra các địa phương: Nghệ An, Phú Yên, Khánh Hòa, Sóc Trăng.

du-an-dau-tu-cong-1660662826576746575506.jpg
Thời gian thực hiện kiểm tra, đôn đốc từ ngày 20/8/2022 đến hết ngày 30/8/2022

Công văn nêu rõ, các Tổ trưởng Tổ công tác sắp xếp thời gian để tập trung cho việc này từ nay đến cuối tháng 8 năm 2022, phải lựa chọn đi trực tiếp kiểm tra tại một số Bộ, cơ quan, địa phương thuộc Tổ công tác của mình và có hình thức kiểm tra phù hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương còn lại. Các Tổ phải rất cụ thể khi xây dựng kế hoạch kiểm tra, làm việc tìm hiểu kỹ thực trạng tình hình, xác định rõ các vướng mắc, điểm nghẽn ở cơ sở, thẩm quyền xử lý tháo gỡ, thời hạn xử lý. Các đồng chí Tổ trưởng phải chỉ đạo trực tiếp giải quyết các vướng mắc và tổng hợp các vướng mắc vượt thẩm quyền để báo cáo cấp có thẩm quyền; bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả.

Đất nước sẽ rất khó phát triển, đưa Việt Nam trở thành “nước phát triển, thu nhập cao”, nếu không giải quyết được “bài toán” GTVT. Chính vì thế, không chỉ ưu tiên nguồn lực nhà nước, huy động các nguồn lực tư nhân có thể tham gia, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.

Chính vì thế, ngày 23/7/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 884/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT. Đích thân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là Trưởng ban Chỉ đạo; Phó Thủ tưởng Lê Văn Thành làm Phó Trưởng ban Chỉ đạo thường trực.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm như đường Hồ Chí Minh; các dự án đường bộ cao tốc: Bắc - Nam phía Đông; Bến Lức - Long Thành; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng: Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh; đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; các tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; các dự án đường bộ cao tốc hoặc dự án hạ tầng giao thông khác mà Ban Chỉ đạo thấy cần thiết.

Câu chuyện hiện nay của các dự án trọng điểm quốc gia về GTVT là vướng cơ chế, chính sách; có tiền chưa chắc đã tiêu được và chất lượng, tiến độ công trình. Điều này liên quan đến mặt bằng, năng lượng của các Ban QLDA, tư vấn, nhà thầu. Làm sao “bài học đau lòng” cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi không lặp lại? Nói thế để thấy rằng, cần phải được giám sát, thanh tra, kiểm tra chặt chẽ.

Công văn 727/TTg-KTTH ngày 16/8/2022 yêu cầu các Tổ công tác tìm hiểu kỹ thực trạng tình hình, xác định rõ các vướng mắc, thẩm quyền xử lý tháo gỡ, thời hạn xử lý. Thời gian thực hiện kiểm tra, đôn đốc: Từ ngày 20/8/2022 đến hết ngày 30/8/2022. Chỉ còn 4 tháng nữa là hết năm kế hoạch 2022.

Ngô Đức Hành