Ga Hà Nội sẽ thành trung tâm tiếp vận metro Yên Viên - Ngọc Hồi

Hạ tầng - Ngày đăng : 15:26, 18/08/2022

Trong thời gian tới, các đơn vị liên quan sẽ di dời cơ sở hạ tầng đường sắt quốc gia như ga Hà Nội, ga Giáp Bát để bàn giao mặt bằng triển khai thực hiện Dự án metro Yên Viên - Ngọc Hồi.
ga-hn1.jpg
Ga Hà Nội từng chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử Thủ đô và đất nước. Ảnh Tư liệu.

Lịch sử trăm năm

Khánh thành vào năm 1902 - cùng năm với chiếc cầu Long Biên, ga Hà Nội mang trong mình bao dấu ấn lịch sử và là nơi lưu giữ ký ức của hàng triệu người Việt Nam dù ít được nhắc tới, hay chỉ được biết tới như một nhà ga bình thường của ngành đường sắt.

Được hình thành khi chính quyền Pháp quyết định xây dựng con đường xe lửa xuyên Đông Dương và xuyên Đông Tây, ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội ngày nay) là nhà ga lớn nhất ở Đông Nam Á lúc bấy giờ.

Ban đầu đây là điểm xuất phát của con đường sắt từ Hà Nội đi Lạng Sơn rồi mở thêm đường đi Hải Phòng vào năm 1903. Hai năm sau, từ đây đường lên Lào Cai đường thành hình và 36 năm sau ga Hà Nội thành điểm kết nối cho hành trình xuyên Việt.

Đợt đầu xây tòa nhà chính của nhà ga, gồm 3 tầng, nhìn thẳng ra con đường Gambetta, tức đường Trần Hưng Đạo ngày nay với tầng dưới là đại sảng, dành cho việc bán vé, đón khách ra vào, đi thông vào sân ga phía trong, tầng hai là nơi làm việc của các nhân viên và bộ phận kỹ thuật, nghiệp vụ và tầng ba là bộ phận hành chính.

Ga Hà Nội từng chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử của Thủ đô và cũng là nơi diễn ra một trong những trận đánh lớn mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc vĩ đại của dân tộc.

Cuối năm 1945 đầu 1946, từ Ga Hà Nội, ngày đêm các đoàn tàu hối hả đưa các đoàn quân Nam tiến từ các địa phương vào Nam chống quân xâm lược Pháp, mang trên mình những lá cờ đỏ sao vàng, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, những biểu ngữ, khẩu hiệu hào hùng.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ga Hàng Cỏ mang đầy vết đạn bom, từ ga Hàng Cỏ xuống tới ga Văn Điển, nhiều đoạn đường ray bị bóc, sau đó được phục hồi dần từ tháng 3/1947.

Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, ga Hàng Cỏ trở thành mục tiêu ném bom của máy bay Mỹ cùng với các cơ sở lân cận như Bệnh viện Bạch Mai, phố Khâm Thiên,… Nhiều đoạn đường sắt bị cắt, bản thân ga Hàng Cỏ ngày 21.12.1972 đã bị một quả bom lớn ném trúng, ngôi nhà đại sảnh, nơi treo chiếc đồng hồ lớn của nhà ga, bị đánh sập hoàn toàn. Trong giai đoạn đó, tàu hỏa và các xe tải đều phải chạy vào ban đêm.

Hoà bình lập lại, ga Hà Nội lại tiếp tục chứng kiến những bước chuyển mình của Thủ đô với những đường phố khang trang, những toà nhà mới hiện đại.

Ga Hà Nội cũng chầm chậm chuyển mình với hệ thống phòng đợi tàu, phòng đợi khách liên vận quốc tế khang trang cùng các trang thiết bị mới như bảng chỉ dẫn điện tử, hệ thống internet không dây phục vụ hành khách đi tàu hay hệ thống quản lý đặt chỗ bán vé tự động.

Đường sắt quốc gia không còn “xuyên tâm” qua ga Hà Nội

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, trả lời kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

do-an-quy-hoach-phan-khu-do-thi-khu-vuc-ga-ha-noi-tom-lai-la-can-gi1506061602.jpg
Đường sắt sẽ không còn xuyên tâm Hà Nội (Hình ảnh Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực ga Hà Nội)

Trả lời kiến nghị, Bộ GTVT cho biết, thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng giao, ngày 22/3, Bộ và UBND TP Hà Nội đã họp để phân định rõ trách nhiệm làm cơ quan chủ quản đầu tư các hạng mục thuộc tổ hợp ga Ngọc Hồi.

Theo đó, Bộ GTVT sẽ đầu tư các hạng mục với chức năng lập tàu của đường sắt quốc gia và UBND TP Hà Nội đầu tư các hạng mục khu depot thuộc Dự án đường sắt đô thị (metro) Yên Viên - Ngọc Hồi.

Để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các hạng mục thuộc đường sắt quốc gia trong tổ hợp ga Ngọc Hồi, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt bàn giao hồ sơ, tài liệu liên quan của Dự án metro Yên Viên - Ngọc Hồi để UBND TP Hà Nội chủ động hoàn thiện các thủ tục đầu tư khu Depot và dự án theo thẩm quyền.

Theo lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Ủy ban quản lý vốn tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan di dời cơ sở hạ tầng đường sắt quốc gia như ga Hà Nội, ga Giáp Bát để bàn giao mặt bằng cho Hà Nội triển khai thực hiện Dự án metro Yên Viên - Ngọc Hồi.

Dự án đường sắt đô thị số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi giai đoạn 1, được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư năm 2008, thời gian thực hiện từ năm 2007-2017; đến năm 2017 được phê duyệt điều chỉnh với dự kiến thực hiện từ năm 2017-2024.

Tổng mức đầu tư của dự án đến nay ở mức hơn 80.000 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 840 tỷ đồng vốn vay ODA Nhật Bản để thực hiện công tác thiết kế kỹ thuật của dự án (từ năm 2009 đến năm 2014); giải ngân hơn 1.400 tỷ đồng vốn đối ứng để thực hiện các công tác như giải phóng mặt bằng, quản lý dự án, chi phí tư vấn trong nước và chi phí khác.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các tuyến đường sắt quốc gia không xuyên tâm qua ga Hà Nội như hiện nay, mà đường sắt khu đầu mối Hà Nội được quy hoạch kết nối tại ga tổ hợp Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì.

Quy hoạch phát triển GTVT Thủ đô Hà Nội thể hiện, ga Hà Nội có diện tích dự kiến khoảng 15ha chỉ lập tàu khách và là ga trung tâm trung chuyển của đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và hệ thống giao thông công cộng khác.

Từ Tâm