Tìm hướng đi xúc tiến thương mại và phát triển thị trường lao động trong bối cảnh mới
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 18:54, 20/08/2022
“Non cao cũng có đường trèo”
Mới đây (19/8), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài theo hình thức trực tuyến. Cuộc làm việc nhằm đánh giá tình hình, kết quả triển khai và bàn giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu năm 2022, định hướng giai đoạn 2023-2025, củng cố phát triển các thị trường truyền thống, khai thác các thị trường mới nhiều tiềm năng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, các chuỗi cung ứng, tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên trong bối cảnh tình hình hiện nay.
Theo Thủ tướng, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế với những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng mạnh đến kinh tế toàn cầu, cũng như từng quốc gia, nhất là đại dịch COVID-19. Xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng sâu sắc tới mọi lĩnh vực trên toàn thế giới, dẫn đến chuỗi cung ứng, lao động, sản xuất đứt gãy cục bộ, giá cả năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào và nông sản ở mức cao, lạm phát ở nhiều nước tăng cao. An ninh năng lượng, an ninh lương thực bị ảnh hưởng, an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Nhiều quốc gia, trong đó có những đối tác lớn của ta thay đổi chính sách theo hướng tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ, tài khóa...
Với nền kinh tế quy mô còn khiêm tốn, nhưng có độ mở lớn, sức chống chịu có hạn, Việt Nam chịu tác động lớn bởi các yếu tố nêu trên, chỉ cần một biến động nhỏ ở bên ngoài có thể tác động lớn đến trong nước.
Dù khó khăn, bất lợi nhưng tình hình kinh tế-xã hội 7 tháng năm 2022 của nước ta tiếp tục khởi sắc, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, củng cố niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn (thu-chi, xuất-nhập khẩu, năng lượng, lương thực-thực phẩm, cung ứng lao động) được đảm bảo, tăng trưởng ở mức cao. Kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng năm 2022 đạt trên 433 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ và dự báo cả năm 2022 đạt khoảng 800 tỷ USD. An sinh xã hội được quan tâm; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.
Trong các thành tích chung, có sự đóng góp quan trọng của hoạt động ngoại thương, mà trực tiếp là của ngành công thương với hệ thống thương vụ ở nước ngoài.
Hiện nay phải tập trung phân tích tình hình, chính sách của nước sở tại, đánh giá tác động, khuyến nghị các biện pháp cụ thể giúp các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong nước tận dụng cơ hội để phát triển, đa dạng hóa thị trường, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng trong bối cảnh các thị trường của Việt Nam được dự báo đang dần thu hẹp.
Đồng thời, nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ, trong công tác phối hợp với nước sở tại, với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp trong nước; đề xuất giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho hệ thống thương vụ tại nước ngoài hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
“Non cao cũng có đường trèo, đường dù hiểm nghèo cũng có lối đi” là câu ca dao được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến.
Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập
Theo Bộ LĐTB&XH, thị trường lao động Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế. Theo đó, khuôn khổ thể chế, chính sách ngày càng hoàn thiện; quy mô và chất lượng cung lao động tăng lên; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực thu nhập, tiền lương của người lao động được cải thiện, năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên.
Cụ thể, quy mô lực lượng lao động ngày càng tăng, nguồn cung được đảm bảo với trên 51,6 triệu người. Chất lượng lao động ngày càng nâng cao, tỉ lệ qua đào tạo tăng qua từng năm, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,2%. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp, tăng tỉ trọng lao động trong khu vực công nghiệp và dịch vụ. Vấn đề giải quyết việc làm được đẩy mạnh, góp phần duy trì tỉ lệ thất nghiệp chung của cả nước luôn dao động trong khoảng 2,2-2,3%.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ rõ, thị trường lao động nước ta còn chưa phát triển kịp với tốc độ và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tính thích ứng, chủ động, linh hoạt kém, nhất là trước những "cú sốc" như đại dịch COVID-19 đã bộc lộ những bất cập như: áp lực giải quyết việc làm cho gần 2 triệu lao động rời khỏi thị trường lao động (phần lớn là lao động tự do, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật); tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn còn tồn tại; chưa có giải pháp để nâng tầm, khai thác và thu hút lao động tại chỗ hiệu quả; tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động cho giai đoạn phục hồi và phát triển; sự thiếu hụt các kỹ năng của người lao động để duy trì việc làm hoặc chuyển đổi 2 nghề, thích ứng với tình hình sau đại dịch; thiếu cơ sở dữ liệu điện tử trong quản lý lao động, nhu cầu kỹ năng tương lai.
“Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” nhằm tìm ra lời giải cho những thách thức đối với thị trường lao động trong thời gian tới là Hội nghị vừa diễn ra hôm nay (20/8). Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và chủ trì.
Dù có nhiều chuyển biến nhưng các chuyên gia trong nước và các tổ chức quốc tế cũng chỉ rõ, thị trường lao động nước ta còn chưa phát triển kịp với tốc độ và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tính thích ứng, chủ động, linh hoạt kém, nhất là trước những "cú sốc" như đại dịch COVID-19 đã bộc lộ những bất cập như: áp lực giải quyết việc làm cho gần 2 triệu lao động rời khỏi thị trường lao động (phần lớn là lao động tự do, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật); tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn còn tồn tại; chưa có giải pháp để nâng tầm, khai thác và thu hút lao động tại chỗ hiệu quả; tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động cho giai đoạn phục hồi và phát triển; sự thiếu hụt các kỹ năng của người lao động để duy trì việc làm hoặc chuyển đổi 2 nghề, thích ứng với tình hình sau đại dịch; thiếu cơ sở dữ liệu điện tử trong quản lý lao động, nhu cầu kỹ năng tương lai.