Hơn 10,2 triệu lượt xe an toàn qua hầm Đèo Cả trong 5 năm

Hạ tầng - Ngày đăng : 08:43, 22/08/2022

Đúng 5 năm trước, ngày 21/08/2017, hầm đường bộ qua Đèo Cả (Phú Yên) chính thức đưa vào vận hành, khai thác. Ngay thời điểm đó, công trình hầm Đèo Cả đã được đánh giá mang ý nghĩa quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế cho tỉnh Phú Yên nói riêng và cả nước nói chung, là công trình giao thông trọng điểm trên tuyến huyết mạch Bắc - Nam.
deo-ca2.jpg

Đúng 5 năm trước, ngày 21/08/2017, hầm đường bộ qua Đèo Cả (Phú Yên) chính thức đưa vào vận hành, khai thác

Trước đây, Đèo Cả được xem là cung đường nguy hiểm, tang thương với nhiều khúc uốn lượn như con trăn khổng lồ đang trườn mình giữa một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu. Trước khi có hầm Đèo Cả, trên cung đường đèo đã có rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đặc biệt, năm 2012 đã có tới 40 vụ tai nạn, do đường hẹp, mỗi vụ tai nạn nếu xử lý chậm 15 phút sẽ xảy ra ùn tắc dài hàng cây số mỗi chiều. Trung bình, mỗi vụ tai nạn xảy ra trên đèo Cả phải mất một ngày để giải phóng hiện trường.

Năm 2017 khi công trình hầm xuyên núi Đèo Cả đưa vào vận hành, đã xoá điểm đen về tai nạn giao thông, các phương tiện lưu thông qua hầm nhanh chóng, thuận lợi và an toàn. Thời gian di chuyển được rút ngắn từ 45 phút đi đường đèo xuống chỉ còn hơn 10 phút đi qua hầm.

Trong 5 năm thực hiện công tác quản lý vận hành, đến nay, Xí nghiệp Quản lý vận hành hầm Đèo Cả (đơn vị trực thuộc Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả - HHV) đã phục vụ hơn 10,2 triệu lượt xe lưu thông qua hầm, tổ chức cứu nạn cứu hộ cho hàng trăm phương tiện gặp sự cố, hư hỏng; hỗ trợ xử lý 58 vụ tai nạn giao thông, đặc biệt, không để xảy ra bất kỳ vụ cháy nổ nào trong hầm.

deo-ca1.jpg
Trạm thu phí hầm Đèo Cả

Trước đây kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Yên khó phát triển như các tỉnh lân cận bởi địa thế khép kín. Phía Nam là dãy Đèo Cả sừng sững, phía Bắc là đèo Cù Mông trập trùng, phía Tây là dãy Trường Sơn hùng vĩ. Từ khi có hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông đã tháo “nút thắt”, phá thế “ốc đảo” của tỉnh Phú Yên, mở ra cánh cửa thông thương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo đà phát triển công nghiệp, du lịch khu vực duyên hải miền Trung, tăng cường liên kết vùng, kết nối Phú Yên với khu kinh tế Vân Phong và thành phố Nha Trang, các khu công nghiệp lân cận và các khu du lịch trong vùng.

Ông Hồ Đắc Thạnh - Cán bộ lão thành cách mạng - người dân Phú Yên chia sẻ: “Từ khi có hầm Đèo Cả và hầm Cù Mông, tỉnh Phú Yên đã giải toả được tất cả những ách tắc để phát triển kinh tế. Là một người dân sống ở mảnh đất này, tôi thấy kinh tế Phú Yên đã khởi sắc và phát triển vượt bậc, tất cả người dân Phú Yên được hưởng những lợi ích này. Tôi vô cùng biết ơn Tập đoàn Đèo Cả, đã xây dựng nên công trình “dấu ấn của thế kỷ” này”.

Hầm Đèo Cả có tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, là công trình hoàn toàn do bàn tay, khối óc của những người thợ Việt Nam xây dựng, đánh dấu sự trưởng thành và làm chủ công nghệ đào hầm của doanh nghiệp nội.

Ông Nguyễn Quang Huy - Tổng Giám đốc Công ty HHV cho biết, thương hiệu Đèo Cả cũng khởi nguồn từ đây để chinh phục thêm nhiều dự án trọng điểm trên khắp cả nước như hầm Cù Mông, hầm Hải Vân, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Tình Yêu trên vịnh Cửa Lục, cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1… Đèo Cả đã khẳng định vị thế và nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và người dân.

Bên cạnh đầu tư xây dựng những công trình hạ tầng giao thông có giá trị phụng sự xã hội, mang lại lợi ích cho đất nước, hiện nay HHV đang quản lý vận hành, bảo dưỡng thường xuyên các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt cho hơn 25km hầm đường bộ, hơn 115km đường cao tốc, 150km đường Quốc lộ 1...

Nga Nguyễn