Thủ tướng Phạm Minh Chính: Lào Cai cần phát huy tối đa bản sắc, lấy sông Hồng làm trục dọc phát triển...

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 12:15, 29/08/2022

Khi làm việc với Lào Cai, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi ý một số định hướng cụ thể như cần phát huy tối đa bản sắc văn hóa, lấy sông Hồng làm trục dọc phát triển, xây dựng đô thị sân bay Sa Pa…
img9113-1661668483131694608430.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong hai ngày 27-28/8, Thủ tướng đã đi khảo sát một số công trình, dự án trọng điểm tại Lào Cai như dự án sân bay Sa Pa, đường kết nối cao tốc Nội Bài-Lào Cai tới Sa Pa; thăm, làm việc với Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai; thăm một số trường học để kiểm tra công tác chuẩn bị trước thềm năm học mới; thăm một số gia đình chính sách, người có công trên địa bàn.

Khi làm việc với Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ, ngành, sáng 28/8, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong nêu một số đề xuất, kiến nghị với Trung ương về 3 nhóm vấn đề: Về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; về hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo động lực mới cho phát triển; về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Nhiều kiến nghị cụ thể của tỉnh liên quan tới việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông như kết nối giao thông qua biên giới; xây dựng sân bay Sa Pa thành sân bay quốc tế trước 2030; cân đối nguồn lực để đầu tư đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai theo quy mô 4 làn xe vào năm 2023 và hoàn thiện quy mô 6 làn xe vào năm 2030; nghiên cứu khả thi dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khổ đường 1.435 mm…

Tỉnh cũng nêu nhiều kiến nghị về phát triển khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai như triển khai thí điểm trước Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Lào Cai - Vân Nam (Trung Quốc); cơ chế tạo nguồn thu cho các địa phương trong vùng còn khó khăn; về cơ chế chia sẻ nguồn nước giữa các ngành trong vùng, giữa vùng trung du miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng sông Hồng; về quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia Sa Pa - thị xã Sa Pa đến năm 2040 và cơ chế với khu du lịch này…

Dành nhiều thời gian phân tích thêm về những tiềm năng, lợi thế, cơ hội của Lào Cai, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng ít có tỉnh nào có nhiều lợi thế như Lào Cai.

Lào Cai - "nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt", có "sông đầu nguồn, núi tuyệt đỉnh"; có diện tích tự nhiên trên 6,3 nghìn km2 (đứng thứ 19/63 cả nước); dân số trên 730 nghìn người (thứ 54/63 cả nước) gồm 25 dân tộc (dân tộc thiểu số chiếm 66,2%) với kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú và độc đáo, trong tốp đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa. Con người Lào Cai đoàn kết, cần cù, chủ động, sáng tạo, đôn hậu, mến khách với khát vọng vươn lên mạnh mẽ.

Lào Cai là trung tâm của các tỉnh trung du, miền núi phía bắc; nằm trên 2 hành lang kinh tế lớn; là một trong số ít tỉnh miền núi có mạng lưới giao thông vận tải đa dạng kết nối nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế, đặc biệt từ 1/9 tới đây, khi chúng ta có tuyến cao tốc thông suốt từ Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Móng Cái) và sắp có sân bay Sa Pa. Tỉnh có khu du lịch Sa Pa nổi tiếng, nhiều loại khoáng sản như đồng, sắt, apatit, có cửa khẩu quốc tế, đất rộng, người thưa…

nui-ham-rong-sapa.jpg
Lào Cai cần phát huy tối đa bản sắc (Ảnh Sapa nhìn từ trên cao. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, tỉnh vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng, lợi thế. Bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ rõ một số khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế của Lào Cai như quy mô nền kinh tế còn nhỏ, chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, sản xuất còn manh mún. Công nghiệp chưa phát triển, tỉ lệ đô thị hóa chưa cao, huy động nguồn lực còn hạn chế, kết cấu hạ tầng chưa được như mong muốn, một số di sản văn hóa phi vật thể, nét đẹp truyền thống chưa được khai thác hết.

Thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi để có trách nhiệm cao hơn, nỗ lực lớn hơn trong thực hiện các nghị quyết, chương trình của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Tình hình được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, phức tạp, nhanh chóng, nên tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thỏa mãn với các kết quả đã đạt được.

Thủ tướng cũng đánh giá cao các định hướng, mục tiêu, giải pháp, nhiệm vụ mà tỉnh đề ra, "phấn đấu đến năm 2030, Lào Cai trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2045 trở thành tỉnh phát triển của cả nước".

Cơ bản đồng ý định hướng phát triển theo báo cáo của tỉnh, ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm định hướng chỉ đạo điều hành. Theo đó, trong bất cứ hoàn cảnh nào, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tỉnh Lào Cai phải phát huy truyền thống, năng lực, điều kiện sẵn có để tích cực, chủ động xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, góp phần thúc đẩy, củng cố, tăng cường tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước, hai dân tộc, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh quốc phòng và phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh về phát triển kinh tế.

Là một địa phương có điểm mạnh và vị trí lợi thế so sánh, Lào Cai cần phát huy mạnh mẽ những tiềm năng, thế mạnh, tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại, góp phần xây dựng nền kinh tế đất nước độc lập, tự chủ.

Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy nhanh công tác quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, góp phần hoàn thiện hệ thống quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng. Quy hoạch phải khai thác tối đa bản sắc văn hóa, thương hiệu Sa Pa, lấy sông Hồng làm trục dọc phát triển của tỉnh Lào Cai và cả vùng, phát triển nhiều cây cầu qua sông Hồng một cách hợp lý, đầu tư các tuyến đường kết nối để tạo không gian, động lực phát triển mới.

Quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, sát thực tế, khả thi; cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện nhưng phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả; chỉ ra và phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; hóa giải, hạn chế tối đa các bất cập, điểm nghẽn, nút thắt, khó khăn, thách thức. Những vị trí tốt nhất phải dành cho sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; nắm bắt và kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách. Cơ cấu lại đầu tư công, hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nền kinh tế bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, chia cắt, manh mún.

Ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng đồng bộ, trong đó lưu ý xây dựng sân bay Sa Pa theo hướng phát triển đô thị sân bay; tập trung phát triển đường sắt kết nối Lào Cai với các vùng khác trên cơ sở hoàn thiện quy hoạch đường sắt của cả nước; khai thác tiềm năng đường thủy, phát triển chuỗi cung ứng...

Đối với các đề xuất, kiến nghị của Lào Cai, trên cơ sở các ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và khảo sát, nghiên cứu thực tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với nhiều nội dung, trên nguyên tắc tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực, tạo không gian mới cho Lào Cai phát triển, đồng thời đảm bảo đúng chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ngô Đức Hành (tổng hợp)